Phổ biến luật để chủ trường và người trông trẻ... biết sợ

11/05/2024 - 06:24

PNO - Từng tham gia xử lý nhiều vụ bạo hành trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết, chế tài xử lý các vụ bạo hành rất nghiêm khắc, cần tuyên truyền, phổ biến luật để giáo viên, bảo mẫu biết.

Phóng viên: Thưa bà, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non của TPHCM. Những hành vi bạo hành này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ với nhiều bộ luật liên quan, như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng quy định rõ các hành vi được xem là bạo hành với người khác, trong đó có trẻ em. Theo đó, người có hành vi bạo hành với người lớn gây thương tích từ 11% trở lên thì bị khởi tố tội cố ý gây thương tích nhưng nếu bạo hành với trẻ em thì dù thương tích dưới 11% cũng sẽ khởi tố về cùng tội danh.

* Mức án cao nhất cho hành vi bạo hành trẻ là gì, thưa bà?

- Bạo hành trẻ sẽ được xử lý ở nhiều khung khác nhau. Kẻ đánh trẻ dẫn đến chết người sẽ bị khởi tố tội giết người theo Bộ luật Hình sự với mức cao nhất là tử hình hoặc chung thân. Kẻ đánh trẻ gây thương tích sẽ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích cho trẻ dưới 16 tuổi hoặc tội hành hạ trẻ em và tùy mức độ, người bạo hành sẽ bị xử phạt theo khung tương đương.

Khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực (từ ngày 1/7/2023), các chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Ví dụ, hồi tháng 1/2024, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt Nguyễn Ngọc Phượng - 33 tuổi, quê ở tỉnh Bình Phước - mức án tù chung thân về tội giết người do gây ra cái chết cho bé 17 tháng tuổi ở điểm giữ trẻ của mình (quận 7). Đây được xem là mức án rất cao bởi nếu như trước đây, bị cáo Phượng có thể chỉ bị xử phạt ở khung 15-20 năm tù.

* Theo bà, các cơ quan chức năng cần làm gì để bảo vệ trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non?

- Tham gia nhiều vụ xét xử, tôi thấy bạo hành xảy ra nhiều nhất ở các cơ sở giữ trẻ tự phát do không có sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương hoặc các cơ sở mầm non ngoài công lập, thậm chí công lập nhưng có sự quản lý không chặt chẽ.

 Lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM)
Sự việc trẻ mầm non bị ngồi lên người, nhét trái cây vào miệng xảy ra tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM)

Để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo khu phố, tổ dân phố, lực lượng dân phòng, hội phụ nữ và các cơ quan chức năng phải giám sát chặt các điểm giữ trẻ tự phát. Khi thấy cơ sở nào có dấu hiệu hoạt động không phép, họ phải nắm thông tin để xử lý ngay, đừng để sự việc xảy ra rồi lại bảo do không biết. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền luật tới từng cơ sở mầm non, bảo mẫu, giáo viên, người giữ trẻ và các nhà quản lý để họ biết mà sợ. Bạo hành trẻ đồng nghĩa với việc đưa mình vào vòng nguy hiểm.

* Bà có nhắn nhủ gì với những người đang làm giáo viên, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục mầm non?

- Hằng năm, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đều phối hợp với các phòng chức năng của UBND các quận, huyện để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy tắc ứng xử tới cơ sở mầm non, điểm giữ trẻ nhằm phòng, chống bạo hành trẻ.

Trong vai trò luật sư, khi ngồi nghe công an lấy lời khai hay tiếp xúc với các cô (người bạo hành) trước phiên tòa, tôi nhận ra rằng, hầu hết hành động bạo hành trẻ đều xuất phát từ những cơn nóng giận bộc phát. Do vậy, tôi khuyên giáo viên, bảo mẫu phải có lòng thương yêu trẻ thì mới chọn làm nghề này bởi đây là công việc chịu nhiều áp lực. Nếu đã chọn và đã làm thì khi cơn nóng bộc phát, các cô phải bước ngay ra khỏi lớp để bình tĩnh lại, tránh những hành động đáng tiếc. Điều này giúp bảo vệ trẻ và chính các cô. Các nhà quản lý cũng cần đào tạo, bồi dưỡng và tuyên truyền thường xuyên cho giáo viên của mình. Việc gắn camera cũng phần nào giúp giám sát lớp học tốt hơn.

* Theo bà, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con mình?

- Đầu tiên, phụ huynh hãy tránh xa các cơ sở giữ trẻ hoạt động không phép. Giao con cho người không có chuyên môn, cơ sở không phép là tiếp tay cho các vụ bạo hành. Lỗi này đầu tiên thuộc về phụ huynh. Khi gửi con cho bất kỳ cơ sở mầm non nào, dù khó khăn về kinh tế hay về thời gian, phụ huynh cũng cần đặt sự an toàn của con lên trên hết. Hãy tìm hiểu kỹ cơ sở mầm non trước khi giao con cho họ. Cha mẹ cũng cần theo dõi, quan sát con mỗi ngày. Khi tắm rửa, thay quần áo cho con, phải quan sát, nếu thấy bất kỳ dấu vết tổn thương nào trên cơ thể hay thấy cảm xúc, tinh thần của con thay đổi, cần lập tức tìm hiểu sự việc để bảo vệ con.

* Xin cảm ơn bà.

Nguyễn Loan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI