Người đã dành hơn 2/3 cuộc đời ngồi với những phím ngà đen trắng kể, người sửa đàn cho chị thường nói: “Cô bị điên à, tập gì mà đứt dây phành phạch”. Nhưng chị chẳng thể làm khác, bởi làm gì Phó An My cũng luôn ở tâm thế: làm để chết.
Với Tỉnh (kết hợp với nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên) chuẩn bị công diễn ở Nhà hát Lớn cuối tháng 11, Phó An My đã trải qua 6 chương trình với 9 đêm diễn - một việc chưa nghệ sĩ cổ điển nào tại Việt Nam có thể làm được. Sau những phút giây “quăng mình” cho những phím ngà trên sân khấu, khán giả gọi chị là “kẻ điên”, thì Phó An My thực ra rất tỉnh.
Chị đã viết về sự thức tỉnh mà âm nhạc mang đến, cho chính mình, và cho những người vì hiểu và yêu mới có thể tận hiến, thế này:
“Số phận của âm nhạc là khơi gợi những giá trị cao đẹp chứ không phải để phục vụ những mục đích cụ thể, hạn hẹp hay những cá nhân.
Giao hưởng Anh hùng của Beethoven đầu tiên dành để ca ngợi Napoléon, nhưng khi con người này trở nên chuyên chế, tham vọng thống trị, đánh mất giá trị giải phóng con người, thì Beethoven đã xé bỏ và sửa thành Giao hưởng Anh hùng ca. Từ số phận dành cho một anh hùng, lại biến thành sự ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, đó là lựa chọn của Beethoven, và điều đó đem đến sự bất tử cho bản Giao hưởng số 3.
Tính khái quát, tính nhân loại đã tạo nên số phận phải có cho âm nhạc. Nhưng sự hạn hẹp của tri thức cũng như nỗi sợ hãi vô minh lại tạo nên một số phận khác cho âm nhạc.
Hiểu được điều đó thì sẽ dễ dàng chấp nhận số phận nào sẽ đến với âm nhạc của mình, tác phẩm của mình, thành tựu hay thất bại của mình. Có thể âm nhạc ấy sẽ được hàng trăm khán giả trực tiếp thụ hưởng; có thể âm nhạc ấy sẽ vang lên trên mạng để hàng triệu người thưởng thức; hoặc cũng có thể nó chỉ được ngân lên trong sự đắm đuối của một cô bạn hoặc một nhóm bạn. Tự số phận của âm nhạc sẽ quyết định cách nó đến với cuộc đời.
Tỉnh sẽ là một cao trào thắt nút cho một chặng đường. Có Tỉnh hay không có Tỉnh, hành trình ấy cũng đã đi xong rồi. Kinh Phật còn rách, ngọc Biện Hòa còn sứt mẻ, đấy mới là điều đẹp đẽ, tuyệt vời của cuộc sống này, của một cuộc đời âm nhạc”.
Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Phó An My, trước thềm đêm Tỉnh được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Phóng viên: Sau 8 đêm diễn của: Bóng, Gió, Lửa, Nước và Độc hành, lần này chị lấy tên concert mới của mình là Tỉnh. Tỉnh chứa đựng điều gì chị muốn gửi gắm?
Nghệ sĩ Phó An My: Đêm diễn Tỉnh này sẽ không có thông điệp nào cả, nó chỉ là một cách truyền cảm hứng của nghệ sĩ đến với mọi người. Đất trời luôn chuyển động, con người cũng vậy và tôi cũng không khác.
* Chị tâm sự, các chuyến xuyên Việt đã giúp chị “tỉnh” ra nhiều. Đó là những gì?
- Tỉnh hay không thì tôi vẫn sẽ luôn làm nhạc. Còn cái tỉnh tôi nhắc tới, nó không phải sự thức tỉnh, chỉ là một cảm giác rất cá nhân, kiểu như, đến một tuổi nào đấy, mình phải tỉnh táo hơn để nhìn ngắm thế giới, nhìn ngắm lại bản thân mình.
* Về chủ đề rất thời sự: môi trường, chị nhìn thấy cách con người đang ứng xử với thiên nhiên có gì cần báo động?
- Chủ đề bạn nêu quá xa với suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ nhìn thấy một thực trạng chung, khi thiên tai lũ lụt hoành hành, người dân đều rất khổ. Thấy nó, tôi xót xa và suy ngẫm. Tôi tự hỏi, đó có phải là sự cáu giận của ông trời với cách mà con người đang đối xử với tự nhiên không. Nhưng ở khía cạnh nào đó, thiên tai xảy ra, không khí ô nhiễm cũng phản ánh một điều, thực ra thế giới rất công bằng, bởi người giàu và người nghèo cuối cùng đều chung hưởng bầu không khí ấy.
* Tỉnh có thể coi là cuộc xếp lại những đối thoại của Phó An My với âm nhạc truyền thống để mở ra những cuộc chinh phục khác trong chị?
- Tôi nghĩ chặng đường của mình phải trải qua đủ: từ diễn tam tấu đến solo rồi sau đây có thể chơi duo (cặp đôi) hoặc làm concerto cho piano… Đó cũng là chặng đường đi chung của nghệ sĩ biểu diễn và nhạc sĩ sáng tác luôn hướng tới. Về phương diện sáng tác, điều đó sẽ thúc đẩy Đặng Tuệ Nguyên phấn đấu tới việc phải viết cho nhiều nhạc cụ hơn. Đó cũng là cách làm việc của người viết chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, viết solo cho piano là khó nhất. Bởi đó là cuộc tìm tòi để đi vào sâu nhất với âm nhạc cổ điển mà không nhờ sự hỗ trợ của cây đàn nào khác. Vậy nên Tỉnh là bước tiến lớn và dũng cảm của Đặng Tuệ Nguyên. Chính tôi cũng thấy mình dũng cảm (cười).
* Nếu thỉnh thoảng chị không tổ chức một concert riêng, chính tôi cũng nghĩ Phó An My đã rời bỏ âm nhạc rồi. Chị làm gì trong quãng thời gian “im hơi lặng tiếng” đó?
- Tôi đi chơi, làm rất nhiều việc của con người đời thường. Mỗi người có một cuộc sống, tôi cũng vậy. Tôi có nhiều ngày trôi đi rất nhanh, không phải vì bận rộn, mà đơn giản chỉ ngồi đúng vị trí ấy, uống hết một lạng trà, chẳng nghĩ gì. Có những năm tôi để thời gian trôi đi như thế.
* Chị dành thời gian lúc nào tập đàn, để có thể vẫn đủ lực tự tin chơi solo một concert riêng như Tỉnh?
- Tôi luôn nghĩ, đàn là thứ gắn liền với mình một đời. Khi làm concert, tôi thường dồn nửa năm chỉ để tập. Người sửa đàn của tôi thường nói: “Cô bị điên à, tập gì mà đứt dây phành phạch”. Tôi là vậy, luôn dồn tất cả vào một quãng nào đó, tập để chết, chơi để chết.
Tôi tập đàn từ năm lên bốn, bây giờ đã hơn 40, cuộc sống ngoài âm nhạc thì luôn thay đổi. Giống như ngôn ngữ, đàn là một biểu hiện tiếng nói khác trong tôi. Người Việt nếu sống giữa châu Âu 10 năm họ vẫn chẳng bao giờ quên tiếng mẹ đẻ. Cũng vậy, tôi dù có quãng thời gian không tập thường xuyên, làm đủ nghề khác, đi chơi đủ nơi, nhạc vẫn là tiếng nói biểu thị tôi.
Giữa các quãng làm concert, tôi thỉnh thoảng tổ chức một salon biểu diễn nho nhỏ, chơi cho bạn bè nghe. Tôi thích làm những thứ có ý nghĩa, vui, chứ không phải kiểu người ngày nào cũng ngồi vào đàn tập mấy tiếng, vào các khung giờ cố định.
* Chị có nhận dạy học trò không?
- Không. Bởi dạy học cần rất nhiều trách nhiệm, mà tôi không đủ thời gian để có thể có trách nhiệm trong ngành dạy nhạc.
* Để có một concert hơn 60 phút như Bóng rồi Tỉnh, Đặng Tuệ Nguyên phải dành thời gian bao lâu để viết?
- Chắc cũng mất một năm dồn lực của Nguyên đấy. Nguyên chuyên nghiệp, không làm theo cảm hứng. Đặc biệt với một concert riêng như từng làm với tôi, bất cứ ai cũng không thể nào amateur được.
Tôi sống ở Đức 10 năm, cũng học được ở họ tính kỷ luật cao nên khi cần tôi có thể tập trung hết sức. Hiểu được việc cần làm, và tận sức cho nó, rồi biết cách sắp xếp ưu tiên cho thứ mình cần. Chứ bản thân tôi, thả ra, chơi một mạch có thể đến hết đời.
Lúc chơi đàn, cách thể hiện của tôi trên sân khấu khiến mọi người cho rằng tôi ngẫu hứng, nhưng tôi là một nghệ sĩ luôn giữ căn bản của cổ điển, và sáng tác của Nguyên cũng vậy. Có chăng là, chúng tôi sẽ chọn trường phái cho từng chủ đề. Và lần này Nguyên chọn trường phái cận đại lãng mạn.
Tôi không làm nhạc với mục đích thương mại, tôi chỉ nghĩ làm cách nào đưa tác phẩm ra với mọi người thôi. Cho dù, có đêm diễn kinh phí đầu tư vượt lên đến nửa tỷ, tôi vẫn cứ làm. Tôi đã nhiều lần thề, chương trình này sẽ là cuối cùng nhưng sau đó một thời gian, lại quên, rồi làm tiếp. Trước tôi đều cố gắng tổ chức diễn mỗi chương trình ở hai nơi: Sài Gòn - Hà Nội. Nhưng sau mỗi lần cố, xong show đều phải thở dốc nên giờ tôi lượng sức mình, chỉ diễn ở Hà Nội.
* Cùng nhau trải qua sáu concert, chị nghĩ điều đó đã mài giũa được điều gì cả ở trong chị và Đặng Tuệ Nguyên?
- Tôi nghĩ khi cùng chọn một con đường, cả hai đều nỗ lực hết sức. Còn để khẳng định tác phẩm của Nguyên có giá trị đến đâu, chúng tôi đều ghi âm và ghi hình lại các đêm diễn. Một số tác phẩm của Nguyên cũng đang được giảng dạy trong các trường nhạc. Tôi nghĩ đó là một thứ quan trọng nhất mà một nghệ sĩ có thể để lại được.
* Sau Tỉnh, chị sẽ làm gì?
- Tôi lên núi, làm về âm nhạc của người Mông. Nhưng sẽ làm cụ thể thế nào, phải lúc đó mới biết.
* Có thể thấy, chưa nghệ sĩ cổ điển nào ở Việt Nam làm được như Phó An My. Nhưng sau những lần cuộn sóng, đa số thời gian chị chọn cách để mình chìm lẫn vào những thứ không thuộc về âm nhạc. Chị có bao giờ tiếc?
- Không. Tôi chẳng bao giờ tiếc. Tôi tự thấy mình đã làm những việc kinh khủng, tôi nể mình ấy chứ (cười lớn). Mỗi lần làm xong một chương trình tôi ghi nhận, à mình đã làm được một việc gì đó cho bản thân, nhưng xong rồi lại thấy mình trống rỗng. Nên tôi lại phải đi để lấp đầy.
* Nếu lên núi, chị dự định ở đâu?
- Sau đêm công diễn Tỉnh tôi dự định sẽ lên núi. Ở Hà Nội, ngoài ngôi nhà của mình hầu như tôi chẳng đi đâu. Chỉ khi ra khỏi thành phố tôi mới ra khỏi nhà.
Chắc tôi sẽ chọn Sơn La. Tôi thích không khí lúc nào cũng dịu dàng ở vùng đất này. Tôi cũng thích vài tỉnh phía Nam, nhưng xa gia đình quá, nên chọn miền núi phía Bắc.
* Nhưng rồi chị sẽ sống bằng gì?
- Dễ mà. Nếu lên Sơn La, tôi sẽ tự nuôi trồng lấy thực phẩm. Tôi cũng thích trồng cây, nên sẽ tự làm được tất cả. Mà lên đó rồi, biết đâu concert lần sau sẽ không cần diễn ở nhà hát nữa, mà sẽ diễn ở giữa rừng. Biết đâu, tôi sẽ dựng được một salon giữa bản, rủ người bản cùng chơi nhạc với mình. Một công viên văn hóa có thể được tạo dựng lên ở đó.
Tôi làm gì cũng được, thả ở đâu cũng có thể sống. Năm trước tôi từng mở bán bún ốc, cá kho. Năm nay dừng lại lo cho Tỉnh, khách gọi ời ời.
* Tức chị nấu ăn rất ngon?
- Tôi nghĩ là tinh túy ấy chứ (cười lớn). Lúc làm bún ốc, tôi chỉ nấu bán vào thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng mỗi ngày có khi đứng chan đến 200 bát, mệt rã rời.
Có lúc chạy không kịp vì đông khách quá, tôi vứt tất cả đấy, đứng khóc rồi tự hỏi: sao mình điên thế này? Đúng là cảm giác mệt muốn chết là như thế. Vậy nhưng vì vui, khóc rồi tuần sau lại làm. Ngoài bún, tôi còn tự nấu 20 món khác. Lúc ấy cứ như điên loạn vậy (cười lớn).
Trước đó, tết 2018, tôi bán cá kho. Tôi bán cả tấn cá dịp đó. Thuê chở cả xe tải củi, chất đầy một nhà, mua mấy trăm chiếc nồi đất, lụi hụi suốt những ngày giáp tết. Mỗi nồi cá khu đun mất ba ngày. Cứ 15 phút lại đảo lửa, nhấc nồi, châm nước. Vậy mà đến giai đoạn ủ trấu, có lần ngủ quên, sáng hôm sau dậy, thấy cả dãy 60 nồi cháy khét lẹt.
* Sao chị không chịu sống yên cho khỏe?
- Chẳng biết. Có lẽ thấy bán hàng cũng vui. Lúc đầu đứng ra chan bún ốc cũng thấy ngượng, luýnh quýnh. Về sau thì hợp dáng lắm. Tôi nhận ra, ẩm thực cực hay, cực kỳ thú vị.
Tôi thích nấu ăn, thích ẩm thực lắm. Khi không mở quán, tôi cũng tư vấn cho một nhà hàng món Bắc ở TP.HCM. Tôi hiểu rất rõ nguồn hàng, hiểu giá trị của từng món gia vị.
* Thích đến thế nhưng sao thứ gì chị cũng chỉ làm qua?
- Chắc tại mình sinh ra không phải để kinh doanh. Tôi không đủ kiên nhẫn nên kể cả kiếm ra tiền từ công việc ấy nó vẫn khiến tôi có lúc phát điên.
Tôi yêu âm nhạc, thấy mình chỉ thuộc về nơi đó. Nhưng làm mãi cũng mệt, và đặc biệt, cách tôi luôn theo kiểu “làm để chết”, nên phải cần những quãng ngưng.
Riêng âm nhạc, tôi không coi là nghề, nó là nghiệp. Tôi chỉ cho phép những năm không biểu diễn, tìm cách kiếm tiền để năm làm concert, mình có thể tập trung. Tôi chẳng tiêu gì, ít đi ra khỏi nhà. Hai con đều học trường làng, mỗi tháng học phí chỉ hết hơn 2 triệu đồng.
Tôi đã làm 6 concert, cũng từng bán cả tấn cá trong một dịp tết. Nhưng rồi cá cháy, tôi chỉ lãi được 20 triệu suốt mùa tết ấy. So ra tiền, bán cá vẫn lãi hơn, vì so với đêm diễn thành công nhất - lãi chỉ 5 triệu. Nhưng tôi vẫn chọn thuộc về âm nhạc. Đó là số phận.
* Cảm ơn những chia sẻ của chị.
"Tôi không làm nhạc với mục đích thương mại, tôi chỉ nghĩ làm cách nào đưa tác phẩm ra với mọi người thôi. Cho dù, có đêm diễn kinh phí đầu tư vượt lên đến nửa tỷ, tôi vẫn cứ làm. Tôi đã nhiều lần thề, chương trình này sẽ là cuối cùng nhưng sau đó một thời gian, lại quên, rồi làm tiếp" Phó An My |
Thục Khôi (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp