Phim xưa - Làm thế nào cho trọn?

27/11/2017 - 21:09

PNO - Phát sóng vào khung giờ khó xem (14g thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trên VTV3), nhưng ngay khi vừa ra mắt, bộ phim 'Thương nhớ ở ai' của Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đã tạo được sự chú ý đặc biệt.

Bên cạnh những “cơn mưa lời khen”, thì cũng có nhiều tranh cãi về việc “diễn viên nữ không mặc nội y trên sóng truyền hình”.

Đây quả là điều đáng tiếc, như khi ta đang say mê thưởng thức một món ăn ngon mà cắn phải hạt sạn; như đang được chiêm ngắm một vẻ đẹp giàu cảm xúc thì khựng lại vì một gam màu loang lạc lõng trên bức tranh nghệ thuật.

Trailer Thương nhớ ở ai

 

 Làm sao cho vừa lòng người xem?


Thương nhớ ở ai gây ấn tượng và thuyết phục khán giả cả về nội dung, bối cảnh, thân phận lẫn diễn xuất của diễn viên. Ngoài việc tái hiện được không gian thuần chất làng quê Bắc bộ những năm 1960, phim có rất nhiều phân cảnh, chi tiết đắt. Đây là điểm cộng góp phần truyền cảm xúc cho người xem.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh

Đây là phim tái hiện không gian, nhân vật của một thời, vì thế chúng tôi phải tôn trọng tính chân thực. Nếu nói diễn viên không mặc nội y là không đúng, vì yếm chính là nội y của phụ nữ thời xưa.

Thế nhưng, nỗ lực tái hiện chân thực hình ảnh làng quê xưa của ê-kíp lại có yếu tố không phù hợp với màn ảnh nhỏ thời hiện đại. Trước những ý kiến trái chiều về việc diễn viên nữ “không mặc nội y”, đạo diễn (ĐD) Lưu Trọng Ninh cho rằng khán giả đã quá khắt khe, ông nói: “Các cô có ngực hơi to thì bị công chúng để ý, còn những cô khác ngực bình thường thì chẳng ai để tâm. Tôi cho là trong 100 người, thì một, hai người phản ứng là bình thường. Với những phim nghệ thuật như thế, bố mẹ phải là người định hướng không nên cho trẻ con xem”.

Sự chân thực trong phim ảnh là cần thiết, nhưng giữa “sự chân thực trên phim” và “hiện thực thời đại” đôi khi vẫn cần có sự dung hòa. ĐD có lý của mình, nhưng khán giả cũng có góc nhìn của số đông. Mọi cảm nhận của người xem đều cần được tôn trọng. 

ĐD Bùi Thọ Thịnh cũng cho biết thêm, ê-kíp đã rất chú ý góc máy, chỉnh sửa hình ảnh sao cho lên phim không quá lộ liễu. Thực tế, hình ảnh “nhũ hoa ẩn sau áo yếm” vẫn xuất hiện trong một số phân đoạn. Đây chính là điểm trừ đáng tiếc. Lẽ ra diễn viên có thể dùng miếng dán ngực để khắc phục. 

Khách quan mà nói, áo yếm lên phim đẹp gợi cảm - chứ không phản cảm như nhiều loại trang phục hở hang trong các phim truyền hình hiện đại. Đây là bài học kinh nghiệm cho các nhà làm phim về đề tài đồng quê Bắc bộ xưa.

Phim xua - Lam the nao cho tron?
Trang phục của phụ nữ Bắc bộ xưa lên phim rất đẹp, nhưng lại để mất điểm ở những cảnh quay “lộ nhũ hoa”

Chỉ là những "cuộc tái hiện"

Bàn về tính chân thực trên màn ảnh, thật khó đòi hỏi một sự “chân thực hoàn hảo” đối với phim bối cảnh xưa. Màn ảnh nhỏ vẫn chỉ tái hiện tương đối không gian cũ. “Ở các tỉnh miền Bắc, còn nhiều làng quê ít nhiều giữ được không gian xưa thuần chất, chứ trong Nam, nhiều khi lặn lội khắp các tỉnh thành cũng khó tìm được bối cảnh như ý. Mọi thứ đều phải liệu cơm gắp mắm. Làm phim xưa bao giờ cũng vất vả hơn phim có bối cảnh hiện đại gấp bốn, năm lần” - ĐD Phương Điền chia sẻ. Anh cũng đang chuẩn bị khởi quay phim Giông bão (chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ).

Không đủ kinh phí đầu tư kỹ xảo cho bối cảnh xưa, các đoàn phim phải tận dụng không gian thật từ các công trình kiến trúc cũ, đặc biệt là nhà cổ, di tích đình, chùa... Lượng phim đề tài xưa được khai thác khá nhiều khiến bối cảnh nhiều lúc bị trùng lắp. Nhiều khi hai phim giống nhau đến cả bàn ghế, giường ngủ.

“Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy bối cảnh thôi, giá thuê cũng được niêm yết, thỏa thuận. Các đoàn phim cứ đến mà quay, nếu muốn có bối cảnh mới thì ĐD phải chịu khó lặn lội về vùng sâu vùng xa, nhưng điều đó cũng liên quan đến thời gian, kinh phí của dự án. Nhiều khi mình muốn đầu tư hơn cũng không được” - một ĐD từng làm phim xưa bộc bạch.

Đối với dàn diễn viên của Thương nhớ ở ai, ĐD Lưu Trọng Ninh đã cố ý tuyển những gương mặt mộc, thậm chí là diễn viên tay ngang, nhưng dù kỹ lưỡng cách mấy, việc để “người xưa mặc thế nào thì lên phim mặc thế ấy” trong trường hợp này là phản tác dụng.

Phim xua - Lam the nao cho tron?
 

Phim ảnh không có tính ước lệ như sân khấu, nhưng vẫn là sự dàn dựng có chủ đích của những người thực hiện. Còn khán giả thì luôn công bằng. Phim lên sóng có nghĩa là đã qua được “cửa kiểm duyệt”, nhưng vẫn còn kịp chỉnh sửa để những khung hình nhạy cảm không xuất hiện tiếp ở các tập sau. Điều này tùy thuộc vào sự cầu thị của ĐD phim lẫn đơn vị sản xuất và Đài truyền hình Việt Nam. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI