Ngành điện ảnh đang trải qua một năm đáng nhớ khi COVID-19 làm ngưng trệ phần lớn hoạt động sản xuất, phát hành, chiếu bóng. Tuy nhiên, ngoài tác nhân dịch bệnh, cũng phải thừa nhận chất lượng điện ảnh Việt năm 2020 có chiều hướng đi xuống. Ở lĩnh vực phim truyền hình, dù không thụt lùi như điện ảnh, nhưng vẫn khó thể nói chất lượng đang đi lên. Bởi so với các năm trước, màn ảnh nhỏ vắng hẳn những tác phẩm gây sốt.
Điện ảnh: Cuộc sàng lọc nhiều "tổn thương"
COVID-19 kéo dài, màn ảnh rộng mất hẳn mùa phim lễ 30/4 và 1/5 - vốn là mùa “vàng” kéo khán giả ra rạp. Nhưng ngay cả tết - thời điểm phim Việt lên ngôi - thì đầu năm doanh thu cũng èo uột dù không phải đối đầu với “bom tấn” ngoại.
|
Gái già lắm chiêu 3 có doanh thu ổn đầu năm 2020 |
Ba phim có doanh thu ổn là Gái già lắm chiêu 3, Đôi mắt âm dương và 30 chưa phải tết chất lượng chỉ ở mức trung bình. Hai phim còn lại Tiền nhiều để làm gì, Bí mật đảo linh xà bị xem là “thảm họa” vì nội dung lẫn hình thức đều cũ kỹ.
Sau một mùa tết 2020 không gây tiếng vang, hai phim “hậu” tết là Sắc đẹp dối trá, Cuốc xe nửa đêm và loạt phim “rụt rè” ra rạp dịp hè gồm Truyền thuyết về Quán Tiên, Tôi là não cá vàng, Bằng chứng vô hình, Đỉnh mù sương cũng đìu hiu phòng vé. So với thế giới, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt, các rạp không phải đóng cửa quá lâu, cộng thêm việc rất nhiều phim ngoại rút lịch phát hành nên cơ hội cho phim Việt vươn lên rất lớn, nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra.
Rất may, bức tranh điện ảnh Việt trong năm bắt đầu trở nên tươi sáng hơn một chút nhờ thành công của Ròm - bộ phim tiên phong ra rạp thời hậu dịch bệnh. Số tiền bán vé hơn 60 tỷ đồng của Ròm không chỉ chứng tỏ thị trường trong nước phục hồi nhanh, mà còn cho thấy điện ảnh Việt có thể làm tốt những đề tài gai góc và được người xem ủng hộ. “Hậu” Ròm, phim Việt tự tin ra rạp nhiều hơn và cú nổ phòng vé mang tên Tiệc trăng máu (172 tỷ đồng) càng khiến khán giả hào hứng. Nhưng sự hứng thú đó liệu chỉ tồn tại nhất thời hay kéo dài còn phụ thuộc vào hai phim sắp đổ bộ là Người cần quên phải nhớ và Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (cùng khởi chiếu ngày 25/12).
Nhìn vào 22 phim ra rạp trong năm nay - giảm phân nửa so với các năm trước - có thể thấy đây là màn so tài giữa các đạo diễn cũ và mới, trong đó lượng phim đầu tay chiếm gần phân nửa. Trong số này, chỉ có Trần Thanh Huy (Ròm) và Tạ Nguyên Hiệp (Trái tim quái vật) đáng được kỳ vọng, vì tác phẩm đã trình làng có màu sắc, tiếng nói riêng biệt. Thất vọng nhất là sự tái xuất của những tên tuổi kỳ cựu.
|
Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy là một điểm sáng điện ảnh trong năm 2020 |
Với Tiền nhiều để làm gì, Lưu Huỳnh khiến người xem không tin nổi bộ phim lủng củng, rời rạc này lại là tác phẩm của người đã từng tạo nên những bộ phim xúc động về thân phận phụ nữ như Áo lụa Hà Đông, Lấy chồng người ta. Tương tự sau nhiều năm vắng bóng, đạo diễn Quang Huy và Nguyễn Phan Quang Bình đều tỏ ra xuống tay với 30 chưa phải tết và Bí mật của gió. Duy nhất có một người chứng tỏ “gừng càng già càng cay” là Nguyễn Quang Dũng với Tiệc trăng máu. Tuy nhiên, dấu ấn của anh để lại trong phim không nhiều, vì toàn bộ tác phẩm như một sự “copy-paste” phiên bản Hàn Người quen xa lạ.
Năm 2020 là một năm khá buồn với điện ảnh Việt về số lượng phim, doanh thu và chất lượng. Nhưng nhìn trong mảng màu xám, vẫn có một vài gương mặt đại diện cho cách làm phim của những người trẻ như Màu cỏ úa - phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến của đạo diễn Lan Nguyên và Sài Gòn trong cơn mưa - phim độc lập của đạo diễn Lê Minh Hoàng.
Cả hai phim đều không thuộc dòng phim thương mại, nhưng có hai cách phát hành khác biệt. Nếu Màu cỏ úa chọn ra mắt tại hai cụm rạp (Hà Nội và TP.HCM), phát hành hạn chế, thì Sài Gòn trong cơn mưa được giới thiệu theo cách của những bộ phim thương mại, tức phủ sóng nhiều cụm rạp trong cùng thời điểm. Cách phát hành của Sài Gòn trong cơn mưa không phù hợp với thể loại phim độc lập - cần không gian nhỏ, suất chiếu ít để tập trung số lượng khán giả nhất định. Thất bại của Sài Gòn trong cơn mưa, khoan xét về nội dung, riêng cách phát hành chưa phù hợp là yếu tố khiến phim rời rạp khá sớm. Đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều phim cùng thể loại, ra mắt trong tương lai.
Trong lúc phim chiếu rạp đìu hiu phòng vé, thì các phim chiếu trên nền tảng mạng như Phượng khấu, Bố già… lại gây sốt. Nhu cầu giải trí tại gia tăng mạnh thời dịch bệnh là nguyên nhân, nhưng phần khác cũng phải thừa nhận, phim chiếu mạng hiện nay rất nỗ lực để mang đến những tác phẩm chỉn chu. Sự lên ngôi của phim online tại Việt Nam cũng là xu thế chung của phim ảnh thế giới trong năm dịch bệnh này.
|
Màu cỏ úa, phim đại diện cho cách làm phim của những người trẻ |
So với các nước khác, tác động của dịch bệnh đến ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam nặng nề hơn, vì ở nước ngoài khi rạp phim đóng cửa, các nhà làm phim vẫn có thể bán sản phẩm cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến kiếm tiền. Như rất nhiều “bom tấn” của Mỹ, Trung Quốc đã được phát hành trực tuyến chứ không chiếu rạp hoặc chiếu song song cùng lúc cả hai hình thức như Hoa Mộc Lan, Troll World Tour, Bloodshot, Lạc lối ở Nga, Phi long quá giang… Trong khi ở Việt Nam, nguồn thu chủ yếu của phim đều đến từ phòng vé, nên khi rạp đóng cửa, điện ảnh Việt chịu nhiều tổn thương, và khi rạp mở cửa lại thì phim càng bị khán giả “sàng lọc”.
Phim truyền hình nhiều nhưng ít nổi bật
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 vinh danh các giải thưởng dành cho phim: Sinh tử, Kẻ sát nhân cô độc, Vua bánh mì, Luật trời, Giọt máu vô hình… Các đề cử tại giải Mai Vàng 2020 gọi tên phim Mẹ ghẻ, Hoa hồng trên ngực trái, Tình yêu và tham vọng. Riêng các hạng mục của giải Ngôi sao xanh đa dạng hơn với các tựa: Muôn kiểu làm dâu, Làm rể Mười Xuân, Ráng chiều ấm áp, Dòng đời chảy ngược, Hợp đồng yêu đương, Cuộc gọi lúc 0 giờ…
Giải thưởng là lát cắt nhưng thông qua đó, có thể thấy được diện mạo chung của phim truyền hình trong năm qua. Đa dạng đề tài, thể loại, kịch bản Việt hóa hay thuần Việt đều ít nhiều có sức thu hút nhất định. Ngoài những phim tranh giải kể trên, nhiều phim khác cũng nhận được phản hồi tích cực của khán giả: Nhà trọ Balanha, Đường về cồn Nảy, Trói buộc yêu thương, Dâu bể đường trần… Nhìn chung các phim được phát sóng trong các khung giờ phim Việt của VTV, HTV, THVL, SCTV14… chất lượng tương đối, thu hút được người xem. Phim Việt cũng thường xuyên có mặt trong top 10 chương trình được xem nhiều nhất cả nước, theo Kantar Media (đo rating theo Target-Ind 4+).
|
Lần đầu tiên khai thác nghề cứu hỏa kết hợp ngành y nhưng Lửa ấm lại "dính" một số lỗi nghiệp vụ |
Tuy nhiên, màn ảnh nhỏ năm qua lại không có được những bộ phim để lại dấu ấn đặc biệt, “bùng nổ” như Người phán xử, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con hay Tiếng sét trong mưa… của những năm trước. Một số phim đầu tư lớn nhưng kết quả lại không như mong đợi. Phim Sinh tử được trao giải vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc nhưng có cái kết không làm hài lòng khán giả. Phim Lửa ấm lần đầu tiên khai thác đề tài nghề lính cứu hỏa, kết hợp ngành y lại nhận về chỉ trích vì sai nghiệp vụ chuyên môn, thoại còn gượng của diễn viên… Ngay cả phim đậm chất ngôn tình Tình yêu và tham vọng càng về sau càng đuối. Sự trở lại của các nhân vật “gây sốt” một thời của phim Về nhà đi con trong câu chuyện dịch COVID-19: Những ngày không quên thì gây thất vọng…
So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, phim truyền hình có lợi thế hơn nhiều về mặt khán giả trong cả hai mùa dịch bệnh. Nói như biên kịch Phạm Hạ Thu thì những giai đoạn giãn cách xã hội phải “ở yên trong nhà”, phim truyền hình cũng là một trong những lựa chọn ưu tiên của người xem. Màn ảnh nhỏ năm qua phát sóng khá nhiều phim, đa dạng nhưng lại ít có dấu ấn nổi bật cũng là điều đáng tiếc.
Trailer phim Tình yêu và tham vọng:
Trong năm qua, phim truyền hình đa dạng nhiều thể loại, trong đó nổi lên phim đề tài xưa, lấy bối cảnh xưa như các phim Mẹ ghẻ (đạo diễn Trương Dũng), Luật trời (đạo diễn Võ Việt Hùng), Dâu bể đường trần (đạo diễn Xuân Phước)… trên Đài Truyền hình Vĩnh Long hay Yêu trong đau thương (đạo diễn Chu Thiện) trên VTV… Dự kiến, dòng phim này sẽ còn tiếp tục nối dài trên màn ảnh nhỏ 2021 khi có một số dự án đang rục rịch được
triển khai.
Dịch COVID-19 vẫn chưa biết bao giờ kết thúc, nhưng phim truyền hình và phim online vẫn sẽ là xu thế giải trí chiếm ưu thế trong tương lai, đe dọa đến sự sống còn của điện ảnh. Trong đó đáng gờm nhất là phim online, vì loại hình phim ảnh này hiện chưa bị kiểm duyệt quá gắt gao, nên dễ dàng chạm đến nhiều đề tài cấm kỵ trên màn ảnh, thỏa mãn trí tò mò của khán giả. Thực tế này khiến các nhà làm phim chiếu rạp dù muốn dù không cũng phải tự đặt mình vào cuộc cải cách về chất lượng, nếu không muốn mất thêm khán giả.
Hương Nhu - Tiểu Quyên - Diễm Mi