Phim Việt hóa "Bác sĩ hạnh phúc" bị chê liệu có oan?

26/05/2023 - 07:07

PNO - Như nhiều phim remake khác, bộ phim "Bác sĩ Lof - Bác sĩ hạnh phúc", Việt hóa từ bản Hàn Good Doctor không nhận được phản ứng tích cực từ người xem. Đâu là lý do, và phim bị chê liệu có oan?

Lên sóng từ ngày 18/5 trên các ứng dụng xem phim Netflix, Danet, kênh Film Box, bộ phim Bác sĩ Lof - Bác sĩ hạnh phúc (đạo diễn Danny Đỗ) đang thu hút sự quan tâm của người xem, vì được làm lại từ tác phẩm đình đám Good Doctor.

Good Doctor là bộ phim về đề tài y khoa từng gây “sốt” khắp châu Á một thời, và được nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Mỹ mua bản quyền làm lại. Đặc biệt, phiên bản Mỹ tới nay đã kéo dài đến mùa thứ 5.

Phim làm lại từ bản Hàn Good Doctor, Trần Phong thể hiện lại vai diễn của tài tử Joo Won
Phim làm lại từ bản Hàn Good Doctor, Trần Phong thể hiện lại vai diễn của tài tử Joo Won

Thành công quá lớn của phiên bản gốc đã khiến Bác sĩ Lof - Bác sĩ hạnh phúc bị khán giả Việt “soi” rất kỹ, nhất là khi phim làm về ngành y - dòng phim rất dễ mắc sạn chuyên môn.

Không nằm ngoài dự đoán, bản Việt khi lên sóng, ở những tập đầu, các phân cảnh về y khoa đã gây ra nhiều tranh cãi. Phân đoạn quan trọng đầu tiên là cảnh cứu đứa bé bất tỉnh vì tấm bảng quảng cáo rơi trúng, miểng thủy tinh ghim vào cổ, bụng chảy máu, những người xem rành nghề đã chỉ ra một số sai sót trong quá trình sơ cứu cho bé.

Đơn cử vài bình luận như: “Với bác sĩ cấp cứu cơ bản một case tràn khí màng phổi (pneumothorax), phải dùng ống thông màng phổi dạng valve một chiều, sơ cứu nhanh nhất là kim to + bọc găng đốc kim rồi đâm vào màng phổi (2 cái thứ này quầy thuốc Việt Nam có bán), chứ chả ai đi đâm cái ống hút yomost kia vào cả, đâm kiểu đó chỉ có làm nặng thêm, giết bệnh nhân còn nhanh hơn”.

Phân cảnh cấp cứu ở đầu phim bị những khán giả am hiểu ngành y chỉ ra nhiều lỗi sai
Phân cảnh cấp cứu ở đầu phim bị những khán giả am hiểu ngành y chỉ ra nhiều lỗi sai

“Muốn đặt nội khí quản (intubation) thì phải luồn guide wire vào lòng của ống nội khí quản mới luồn được, do nội khí quản rất mềm, đặt kiểu đó thì gần như 100% tuột xuống dạ dày chứ làm gì vào được phổi”. Hay: “Cuff là cái bóng của nội khí quản để cố định nội khí quản còn chưa bơm lên thì làm sao hồi sinh hiệu quả”.

Sang tập 2, phim tiếp tục bị phát hiện lỗi sai chuyên môn. Chẳng hạn: “Tim ngừng đập thì ép tim + bóp bóng, adre chứ mấy bác, sao lại đi shock điện, shock để bệnh nhân chết nhanh hơn à?”, “shock điện chứ có phải ép dầu ép mỡ gì đâu mà bác sĩ gồng lên đè dữ vậy, thằng nhỏ mới bị chấn thương ngực mà”.

Lần đầu đóng vai chính, Trần Phong nhận vai diễn khá nặng so với sức mình
Lần đầu đóng vai chính, Trần Phong nhận vai diễn khá nặng so với sức mình

Với những người xem không rành chuyên môn, diễn xuất nam chính Trần Phong (vai bác sĩ Phạm Hoàng Nam) là điểm bị soi nhiều nhất. Vào vai bác sĩ thiên tài mắc chứng tự kỷ, Trần Phong luôn có những biểu hiện như lắc lư đầu, ánh mắt láo liên, thỉnh thoảng lại nhìn vào mắt người đối diện, trong khi người tự kỷ ít giao tiếp bằng mắt.

Trailer phim Bác sĩ hạnh phúc:

 

Trần Phong gần như chỉ thể hiện được sự ngơ ngơ của người tự kỷ, chưa cho thấy khía cạnh “thiên tài y học” của nhân vật. Thoại của anh có phần gấp gáp như sợ quên bài, trong khi có thể nói chậm rãi kèm theo thái độ ung dung, bình thản để thể hiện sự tự tin vào tay nghề. Do đó, xem cảnh anh cứu chữa đứa bé ở bến xe và trên xe cấp cứu, nhìn ánh mắt láo liên, tay chân hấp tấp của anh, người xem khó thấy thuyết phục đây là một thiên tài ngành y.

Diễn xuất của Trần Phong (trái) chưa cho thấy khía cạnh thiên tài y học của nhân vật
Diễn xuất của Trần Phong (trái) chưa cho thấy khía cạnh "thiên tài y học" của nhân vật

Ngoài Trần Phong diễn chưa ra vai, diễn xuất của Trương Mỹ Nhân (vai Kim Dung) cũng gây tranh cãi vì biểu cảm gương mặt đơ, giọng thoại thiếu cảm xúc.

Phim về đề tài y khoa vốn khó, phức tạp nhất là phần lời thoại. Có thể thông cảm cho hai diễn viên trong những phân cảnh liên quan chuyên môn, nhưng ở những cảnh khác, hạn chế này vẫn khiến người xem khó hào hứng theo dõi. Trái lại, diễn xuất của dàn diễn viên nhí vào vai các nhân vật lúc nhỏ lại được khen ngợi, nhất là diễn viên nhí vào vai Phạm Hoàng Nam lúc nhỏ.

Sản phẩm quảng cáo được cài cắm lộ liệu trong phim
Sản phẩm quảng cáo được cài cắm lộ liễu trong phim

Bác sĩ Lof - Bác sĩ hạnh phúc còn một điểm khác gây khó chịu khi xem là cài cắm quảng cáo quá lộ liễu. Sản phẩm sữa của thương hiệu Lof được đưa hẳn vào tên phim gây khó hiểu. Trong cảnh cấp cứu đứa bé, ống kính lia cận cảnh hộp sữa, và nhân vật còn dùng ống hút hộp sữa cắm vào bụng làm ống dẫn lưu, trong khi trên thực tế, điều này là không thể, vì sẽ khiến vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Trong cảnh bác sĩ Phạm Hoàng Nam lần đầu trình diện trước dàn nhân vật chủ chốt của bệnh viện, anh cũng cầm hộp sữa trên tay.

Ng.Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI