Tại sự kiện Ai góp ý giơ tay lên 2, nhiều đạo diễn, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến nhằm đóng góp, hoàn thiện vào Luật điện ảnh (sửa đổi).
Sự kiện có sự tham gia của đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn/thành viên hội đồng kiểm duyệt Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc... Và một số khách mời đặc biệt gồm ông Vincenzo Bugno - Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới (World Cinema Fund), ông Park Sung-ho - Giám tuyển Liên hoan phim (LHP) Busan, ông Carlo Chatrian - Giám đốc Nghệ thuật LHP Berlin, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.
Cần cơ chế thoáng cho phim đi quốc tế
Trong buổi trò chuyện, các diễn giả, khách mời tiếp tục lấy ví dụ câu chuyện phim Vị (tựa tiếng Anh: Taste) của đạo diễn Lê Bảo để nói về hành trình phim Việt đi quốc tế. Đa số khách mời cho rằng, cần có cơ chế thoáng hơn để giúp phim Việt tự tin đi quốc tế.
Trước đó, phim Vị tham gia LHP Berlin lần thứ 71 tại Đức và giành được giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ). Sau đó, Vị bị phạt 35 triệu đồng vì nhà sản xuất (NSX) gửi phim đi thi khi phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Hậu án phạt, phim Vị bị cấm phát hành trong nước vì cảnh nude kéo dài và trực diện.
|
Hình ảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo |
Nhiều nhà làm phim cho rằng Vị có góc nhìn độc đáo, mang tiếng nói cá nhân mạnh mẽ, phù hợp để gửi đến các LHP - những sân chơi cần sự đặc biệt trong ngôn ngữ điện ảnh. Do đó, nếu thực hiện việc kiểm duyệt, xin giấy phép trước để mang phim đi quốc tế như thông thường, phim rất dễ bị vướng lại vì chủ đề, câu chuyện táo bạo. Do đó, cần có một hội đồng thẩm định riêng cho dòng phim này. Ngoài ra, bộ tiêu chí dành cho phim đi quốc tế cũng nên được xây dựng riêng theo hướng cởi mở.
Biên kịch Trần Thị Bích Ngọc cho rằng nên tạo “luồng xanh”, hỗ trợ hơn với những phim xác định đi thi quốc tế. Còn lại, với khán giả trong nước, sẽ có bản phim phù hợp, hoàn toàn đáp ứng tiêu chí của Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Ông Carlo Chatrian, Giám đốc Nghệ thuật LHP Berlin cho biết hạng mục Encounters của LHP - hạng mục mà Vị đoạt giải - dù mới được thành lập 2 năm nhưng là giải thưởng đặc biệt quan trọng. Vị đã cạnh tranh với hàng ngàn phim gửi về để nhận được giải thưởng cao nhất.
“Hạng mục Encounters tại LHP Berlin được thành lập 2 năm trước, với mục đích trao tiếng nói cho các nhà làm phim mới, những người dám mạo hiểm với chất liệu của họ. Vị của Lê Bảo, có thể nói chắc chắn mà không một chút do dự, là một trong các phim gây bất ngờ nhất trong quá trình giám tuyển. Vị ghi điểm với tầm nhìn điện ảnh được thể hiện trong từng khung hình, cũng như cách mà nhà làm phim đã có thể kể một câu chuyện gắn liền với những địa điểm cụ thể”.
Hậu trường thực hiện phim Ròm:
Đồng quan điểm với ông Carlo Chatrian, ông Vincenzo Bugno - Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới (World Cinema Fund), cho biết các LHP luôn muốn tìm thấy tiếng nói mới, thể hiện rõ tính bản địa trong các dự án. Với ông, Vị là bộ phim có tính bản địa, sử dụng ngôn ngữ điện ảnh rất tối giản nhưng cũng thử thách người xem. Thử thách ở chỗ, phim thay đổi cái nhìn của khán giả về hình ảnh những người phụ nữ lên phim, họ già nua, nhăn nheo chứ không xinh đẹp như những phim khác, nhưng sự góp mặt của họ giúp truyền tải nội dung phim tốt.
Với 2 chia sẻ của đại diện quốc tế, Vị được lòng các giám khảo, giám tuyển LHP nổi tiếng trên thế giới nhưng số phận phim trong nước không mấy sáng sủa, thậm chí nhận về kết cục đau thương. Do đó, các khách mời, diễn giả cho rằng cần gấp rút làm nên bộ quy tắc riêng và Hội đồng thẩm định riêng với các phim mong muốn được tham gia LHP quốc tế.
Xu hướng hợp tác quốc tế: Cần cơ chế thoáng
Tại sự kiện, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lấy ví dụ về phim Ròm để mong trong Luật điện ảnh (sửa đổi) sắp tới có những thay đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, tránh đưa nhà sản xuất phim từ vô tội thành có tội.
Anh nói trong nhiều năm, đội ngũ thực hiện phim Ròm đều là người Việt nhưng ở những khâu cuối cùng, phim có sự tham gia của nhà sản xuất Bảo Nguyễn - một Việt kiều. Khi dự án có “yếu tố nước ngoài” thì theo luật hiện hành, kịch bản phim phải được kiểm duyệt trước, dẫn đến chuyện Ròm đã làm sai luật. NSX Bảo Nguyễn chấp nhận rút tên để phim đi đúng luật nhưng việc đó không công bằng.
|
Sự kiện thu hút nhiều diễn giả, khách mời làm việc trong lĩnh vực điện ảnh tham gia |
NSX Trinh Hoan của phim Ròm nói anh rất tiếc khi phải rút tên nhà sản xuất Bảo Nguyễn và đạo diễn Trần Anh Hùng - người đóng góp rất nhiều cho thành công của phim để sản phẩm không còn sai luật. NSX Trinh Hoan mong muốn có cơ chế thoáng hơn cho các dự án có yếu tố nước ngoài. Ông nói bản thân từng chia tay rất nhiều đoàn làm phim từ quốc tế vì sau khi gửi kịch bản kiểm duyệt, kịch bản bị cắt và họ không còn chất liệu để sản xuất.
“Thị trường đang phát triển, có số lượng phim cần sản xuất hàng năm tăng rất nhanh nhưng nhân sự không đáp ứng kịp. Cho nên việc sử dụng nhân sự phim nước ngoài đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn có những trường hợp đồng sản xuất nhưng họ xuất hiện khá trễ, do đó để đáp ứng theo sự phát triển nhanh của thị trường thì cần đơn giản thủ tục, chỉ nên căn cứ lên bản phim cuối cùng để rút ngắn thời gian”, biên kịch Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, việc xuất hiện của nhân sự nước ngoài không chỉ liên quan đến năng lực, mà còn liên quan đến nguồn vốn: “Muốn điện ảnh mạnh cần đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nếu theo như cơ chế hiện tại, rất khó cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vì theo đúng luật, họ phải trải qua quá trình kiểm duyệt kịch bản tốn thời gian. NSX nước ngoài có thể rời đi”.
Điện ảnh Hàn Quốc chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ Tham gia sự kiện, ông Park Sung-ho - Giám tuyển LHP cho biết năm 1998 là thời điểm đánh dấu cột mốc quan trọng đối với điện ảnh Hàn Quốc. Năm đó, chính phủ Hàn Quốc chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ lĩnh vực điện ảnh. | Ông Park Sung-ho xuất hiện tại sự kiện Ai góp ý giơ tay lên 2 |
Ông Park Sung-ho cho biết khi nhà nước còn kiểm soát phim ảnh, các nhà sản xuất sẽ làm phim theo góc nhìn của cơ quan kiểm duyệt, thay vì phải làm hài lòng hay phục vụ người xem. Điều này khá mâu thuẫn vì khán giả mới là người đánh giá bộ phim. Ông nói, sự khác biệt lớn nhất giữa điện ảnh Hàn Quốc và Việt Nam nằm ở sự hỗ trợ của hệ thống. Mỗi năm, Hàn Quốc sản xuất 300 phim, thì nửa trong số đó được hỗ trợ vốn bởi chính phủ. Do đó, sự hỗ trợ từ phía nhà nước, theo ông Park Sung-ho, là rất quan trọng. "Văn hóa cần được hỗ trợ chứ không nên bị can thiệp", ông Park nói. |
Diễm Mi