Phim Việt 'chơi lớn' với thời trang nhân vật

15/01/2019 - 06:00

PNO - Không chỉ tích cực săn lùng bối cảnh độc, lạ để đưa vào phim, cuộc cạnh tranh gây ấn tượng về mặt thị giác giữa các tác phẩm điện ảnh Việt còn ở chuyện nhà làm phim sẵn sàng đầu tư lớn cho phần phục trang nhân vật.

Các diễn viên giờ đây còn kiêm luôn vai trò người mẫu, còn bộ phim là nơi các stylist, nhà thiết kế tung tẩy sáng tạo của mình.

"Chặt chém” nhau bằng váy áo

Mở màn năm 2019 phim Việt đã chiêu đãi khán giả một bữa tiệc thời trang bằng Chị trợ lý của anh - bộ phim do ca sĩ Mỹ Tâm đóng vai chính, đồng thời là nhà sản xuất. Những bộ trang phục do Lê Thanh Hòa, Lâm Gia Khang, Nguyễn Hoàng Tú… thiết kế riêng cho Mỹ Tâm không chỉ bắt mắt mà còn thể hiện cá tính và quá trình phát triển tâm lý, tình cảm của nhân vật Khả Doanh.

Phim Viet 'choi lon' voi thoi trang nhan vat
Trang phục trong Chị trợ lý của anh không chỉ bắt mắt mà còn thể hiện tính cách, quá trình phát triển tâm lý nhân vật

Nửa đầu phim, khi Khả Doanh còn là nàng phó giám đốc nghiện việc, trong tình trạng “gái ế” lâu năm, cô chỉ mặc những bộ suit cách điệu màu đen - sắc màu toát lên vẻ quyền uy, sang chảnh, đẳng cấp của một vị sếp, đồng thời thể hiện trạng thái cô đơn.

Khi tìm thấy hạnh phúc bên nhân vật nam chính Phúc Nam, Khả Doanh diện những bộ đồ “có màu” hơn: vàng chanh, tím, xanh pastel, xám nhạt. Đi kèm là những phụ kiện hàng hiệu như thắt lưng, túi xách Gucci, Yves Saint Laurent. Chị trợ lý của anh nhận những đánh giá trái chiều về chất lượng, nhưng khó ai có thể chê phần phục trang của phim.

Trước Chị trợ lý của anh, Gái già lắm chiêu 2 cũng ghi điểm mạnh về phần trang phục. Nhân vật nữ chính của Ninh Dương Lan Ngọc diện đến 50 bộ trang phục bắt mắt, được thiết kế theo từng phân đoạn, tâm lý khác nhau. Phim Quý cô thừa kế chi hẳn 2 tỷ đồng để dát hàng hiệu từ đầu đến chân cho nữ chính Ngân Khánh. 

Không chỉ có các phim thời hiện đại, một số phim làm về giai đoạn xưa cũng gây ấn tượng nhờ chịu chi cho phục trang như Người bất tử, Tháng Năm rực rỡ, Song lang, Tấm Cám: chuyện chưa kể, Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn.

Phim Viet 'choi lon' voi thoi trang nhan vat

Nói về sự tiến bộ của phục trang phim Việt, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người vừa hoàn tất phim Ngôi nhà bươm bướm và sắp bấm máy 90 ngày hạ (hai phim có độ khó cao về khoản phục trang vì Ngôi nhà bươm bướm làm về những nghệ sĩ drag queen - công việc cần áo váy sặc sỡ, lộng lẫy còn 90 ngày hạ lấy bối cảnh thời thập niên 1970), lý giải: “Từ khi những đạo diễn Việt kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ về nước làm phim, đem theo những khái niệm mới về công việc đạo diễn hình ảnh, stylist cho phim thì phần hình ảnh trong phim Việt đã bắt đầu được chăm chút hơn. Trước đây, dù muốn, các nhà làm phim cũng không có nhiều tiền, không tìm được người có chuyên môn về khoản này. Phải đến 3 năm trở lại đây, khi số lượng stylist tăng lên thì thời trang trong phim đã tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ kinh phí dành cho phục trang hiện nay chiếm từ 10-20% kinh phí làm phim. Một số phim “chơi lớn” còn tốn hơn con số đó”.

Thời trang đâu chỉ cần đẹp

Phim Việt mỗi năm ra rạp ngày càng nhiều nên mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, đòi hỏi nhà làm phim phải chăm chút mọi thứ, kể cả những điều tưởng như nhỏ nhặt. Những bộ phim ngày trước không hẳn quên chuyện phục trang, nhưng lực bất tòng tâm. Giờ thì điều đó đã thay đổi. Thời trang trong phim Việt bắt đầu được chú trọng, giúp “nâng tầm” bộ phim. Thậm chí, Cô Ba Sài Gòn, sau khi trình chiếu, còn tạo nên trào lưu thời trang: áo dài chấm bi.

Phim Viet 'choi lon' voi thoi trang nhan vat
Trang phục của nhân vật Khả Doanh trong phim Chị trợ lý của anh được đầu tư đúng tính cách nhân vật

Stylist Alex Fox - phụ trách phục trang phim Chị trợ lý của anh - cho biết: “Cái khó đầu tiên của trang phục phim là chọn lựa màu sắc, chất liệu để toát lên xuất thân, tính cách nhân vật. Màu sắc phản ánh tâm trạng người mặc và là cảm nhận đầu tiên của khán giả về nhân vật. Cái khó khác là trang phục của nhân vật chính phải tương đồng với màu sắc bối cảnh, với trang phục của các nhân vật xung quanh. Có những kiểu dáng stylist đề ra, nhưng nhà thiết kế không thể thực hiện được. Thêm nữa, khoảng cách từ lúc phim bấm máy cho đến khi ra rạp khá dài, đòi hỏi stylist phải biết dự báo xu hướng thời trang, để tránh bị đề-mốt khi phim trình chiếu”.

Sự chăm chút cho váy áo nhân vật là chuyện nên làm. Song nếu chỉ chăm chăm vào việc mặc đẹp hoặc quá mải mê “phăng” theo thiết kế mà bỏ quên sự hòa hợp với bối cảnh câu chuyện, tâm lý nhân vật thì thời trang khi ấy có lộng lẫy, cầu kỳ đến đâu cũng gây tranh cãi như trường hợp phim Mẹ chồng, Tấm Cám: chuyện chưa kể.

Phim ảnh kết hợp với thời trang không còn là chuyện mới. Nhưng để cái bắt tay này đạt hiệu quả cao, các nhà làm phim còn phải nỗ lực nhiều hơn. 

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI