Điểm khác là các cameo trong phim ngoại thường xuất hiện lặng lẽ, thậm chí không để lộ mặt và nhà sản xuất không nhắc đến tên, còn với phim nội thì ngược lại.
Xuất hiện ít mà “chất”
Những ngày qua, ồn ào về việc Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc và ca sĩ Cẩm Ly bị cắt cảnh trong phim Ma da đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Cả hai được xem như ngôi sao khách mời của phim. Sự xuất hiện của họ được người xem chờ đón do đã 5 năm NSƯT Thành Lộc mới tái xuất trên màn ảnh rộng. Còn với ca sĩ Cẩm Ly, đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên của chị. Đẳng cấp diễn xuất của NSƯT Thành Lộc là điều không phải bàn, nhưng ca sĩ Cẩm Ly lần đầu đóng phim cũng gây bất ngờ vì nhập vai tự nhiên, cảm xúc.
|
Màn cameo của ca sĩ Đan Trường trong Gặp lại chị bầu là điểm nhấn của phim |
Trước khi phim ra rạp, sự góp mặt của 2 tên tuổi này được đoàn phim quảng bá rộng rãi nên có thể hiểu phản ứng bất bình của người xem khi thời lượng mà họ xuất hiện quá ít.
Mời người nổi tiếng làm cameo là chuyện phổ biến trong phim ảnh. Đặc điểm của vai cameo là thời lượng lên hình ngắn, ít thoại, ít ảnh hưởng mạch phim, nhưng rất “chất” vì độ nổi tiếng và sự kén chọn xuất hiện của khách mời. Các cameo có thể hóa thân thành người khác như thủ môn Tấn Trường (phim Bay vào cõi mộng), lực sĩ Phạm Văn Mách (Hello cô Ba), cầu thủ Công Vinh (Vợ ơi, em ở đâu), ca sĩ Hồ Ngọc Hà (Hy sinh đời trai), người mẫu Anh Thư (Tháng năm rực rỡ)… Ngoài ra còn có dạng cameo vào vai chính mình như bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Đẻ mướn). Thậm chí có trường hợp chỉ góp “tiếng” chứ không có “hình” như ca sĩ Mỹ Tâm, danh hài Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (Tiệc trăng máu).
Gần đây có màn cameo gây chú ý là của ca sĩ Đan Trường (Gặp lại chị bầu). Kể từ sau phim Ngốc ơi tuổi 17 và Cha ma (2019), anh đã vắng bóng khỏi phim ảnh. Nếu như ở 2 phim này, anh hóa thân thành người khác thì trong Gặp lại chị bầu, Đan Trường vào vai chính mình, tái hiện cảnh quay trong MV Đi về nơi xa. Ở tuổi ngoài 40, “anh Bo” xuất hiện trên màn hình với mái tóc 2 mái thương hiệu cùng ngoại hình sáng khiến khán giả phấn khích. Sắp tới, trong phim Hai muối, ca sĩ Ngọc Sơn có màn cameo chớp nhoáng vào vai giám khảo chấm thi trong 1 cảnh phim.
Phim Kính vạn hoa sắp ra mắt cũng có một màn cameo đáng chờ đợi khi bộ 3 diễn viên vào vai Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh ở bản phim truyền hình Kính vạn hoa tái xuất sau 20 năm.
Bất ngờ được báo trước
Ở nước ngoài, vai cameo ít được nhà sản xuất nhắc đến trong quá trình quảng bá mà phải đến khi xem phim khán giả mới biết. Thậm chí khán giả xem cũng không thể nhận ra cho đến khi đọc phần credit cuối phim, vì ngôi sao giấu mặt hoặc hóa trang khác lạ. Như Tom Cruise với tạo hình đầu hói, mũi giả trong bộ phim hài Tropic Thunder (Sấm nhiệt đới), Cate Blanchett đeo khẩu trang kín mít trong phim Hot Fuzz (Siêu cớm). Trong phim Deadpool 2, giây phút chớp nhoáng máy quay zoom cận khuôn mặt dị nhân tàng hình Vanisher mắc trên dây điện và mất mạng, nhiều người mới nhận ra khuôn mặt của Brad Pitt. Còn màn cameo của Matt Damon trong phim này không ai nhận ra, vì tạo hình quá lạ lẫm.
Gần đây cũng có 1 cameo không ai biết là cô đào Blake Lively xuất hiện trong bộ trang phục kín từ đầu đến chân của nhân vật Ladypool trong phim Deadpool 3. Phim Hollywood còn có các màn cameo “đỉnh cao” của các tỉ phú Elon Musk (phim Người sắt 2), Jeff Bezos (phim Star Trek: Beyond), Jack Ma (phim Công thủ đạo). Thường những diễn viên khách mời trong phim Hollywood nhận vai xuất phát từ sự yêu thích đối với bộ phim hơn là vấn đề thù lao.
|
Người mẫu- diễn viên Anh Thư xuất hiện 5 giây trong cảnh phim Tháng năm rực rỡ nhưng gây “bão” dư luận |
Trong khi đó ở Việt Nam, diễn viên khách mời được nhà sản xuất dùng như nhân tố tạo nên độ hot cho phim, giúp quảng bá, thu hút khán giả. Do đó, sự “bất ngờ” này luôn được báo trước. Mời được người “kén” xuất hiện, đang “ẩn dật” lại càng khẳng định đẳng cấp, độ “chịu chơi” của đoàn phim. Như trường hợp phim Tiệc trăng máu khiến người xem ồ lên với màn cameo giọng nói của ca sĩ Mỹ Tâm. Có phim “chơi lớn” gom “sao”, khiến khán giả ngộp với những tình huống thừa thãi cốt để nhét ngôi sao vào; không kịp nhớ ai, vai gì.
Việc lạm dụng sự xuất hiện thoáng qua của khách mời để PR lố cũng đem lại kết quả tương tự, thậm chí có thể khiến phim bị tẩy chay. Rất ít đoàn phim giữ kín danh tính cameo như phim Tháng năm rực rỡ. Nhưng chính vì giấu kỹ mà màn cameo của Anh Thư trong phim tạo được hiệu ứng tốt. Chỉ 5 giây xuất hiện và không 1 câu thoại nhưng cô khiến người xem vỡ òa vì nhan sắc xinh đẹp sau bao năm vắng bóng.
Cameo là một gia vị, chỉ giữ vai rất nhỏ trong phim, nhưng ấn tượng để lại có thể in sâu trong lòng khán giả không kém các vai chính. Họ chinh phục người xem không hẳn vì diễn xuất đỉnh cao trong phút giây hóa thân ngắn ngủi đó mà vì uy tín, tên tuổi và vị trí vững chãi trong lòng người hâm mộ. Không gì thú vị hơn khi thần tượng xuất hiện vào đúng những khoảnh khắc đặc biệt của phim. Cameo như một gia vị thú vị. Do đó, sẽ thật tiếc nếu những màn hóa thân nhanh như chớp đó bị đoàn phim bật mí trước khi phim ra rạp.
Hương Nhu