Phim truyện tranh “bùng nổ” trên toàn cầu

16/10/2024 - 07:43

PNO - Không chỉ chiếu rạp, số lượng phim truyện tranh (anime) ra mắt trên các nền tảng trực tuyến trong thời gian qua đã tăng lên nhanh chóng. Nguồn lợi mà dòng phim này mang lại rất lớn nên thu hút làn sóng đầu tư từ các nhà làm phim toàn cầu.

Phát triển chưa từng có

Với các fan của anime, những tháng vừa qua có thể xem là bữa tiệc thịnh soạn của dòng phim này. Tại các rạp, trên các nền tảng xem phim có trả phí hay các ứng dụng mạng xã hội, thông tin về phim anime xuất hiện khá đều đặn. Hiện tại, nếu muốn xem anime trên màn ảnh rộng, khán giả Việt Nam có thể chọn thưởng thức Mộ đom đóm của đạo diễn kiêm biên kịch Takahata Isao. Tác phẩm ra mắt từ năm 1988 và được xem là một trong những anime xúc động nhất của Nhật Bản.

Phim Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu đạt doanh thu hơn  147 tỉ đồng tại rạp Việt
Phim Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu đạt doanh thu hơn 147 tỉ đồng tại rạp Việt

Trước đó trong các tháng Bảy, Tám, Chín, rạp Việt liên tiếp chào đón các “siêu phẩm” anime như Lock back: Liệu ta có dám nhìn lại?, Thám tử lừng danh Conan: Ngôi sao 5 cánh 1 triệu đô, Cậu bé bút chì: Nhật ký khủng long của chúng mình... Trong đó, doanh thu của phim Thám tử lừng danh Conan: Ngôi sao 5 cánh 1 triệu đô cao nhất với gần 120 tỉ đồng, vượt qua phần phim ra mắt trước đó là Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen (95 tỉ đồng). Thời điểm phim ra rạp, những đối thủ khác tại phòng vé bị vượt xa về doanh thu, suất chiếu, cho thấy sức hút của anime với khán giả Việt là rất lớn.

Sự sôi động của anime không chỉ trên màn ảnh rộng. Trong tháng Mười này, trên các nền tảng trực tuyến, nhiều loạt anime được ra mắt như Dan da dan, Blue Lock mùa 2, Ranma 1/2, Bleach: Thousand year blood war (Huyết chiến ngàn năm) phần 3, Dragon ball daima... Các dự án anime này đều có câu chuyện hấp dẫn, thậm chí nhiều kịch bản có chiều sâu, mở ra thế giới truyện tranh phong phú. Với các phần anime thành công, đơn vị sản xuất cũng nhanh chóng thực hiện các phần phim tiếp theo để tranh thủ “sức nóng”.

Không phải anime nào cũng nhận được sự quan tâm lớn của khán giả Việt. Có những phần phim doanh thu thấp, lặng lẽ rời rạp như Lock back: Liệu ta có dám nhìn lại? tuy nổi bật tại Nhật Bản nhưng chỉ thu về 2,4 tỉ đồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, số phim thắng phòng vé cũng không ít với những thương hiệu quen thuộc, trong đó có Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu thu hơn 147 tỉ đồng. Đây là con số mà nhiều nhà làm phim trong nước mơ ước, nhất là khi thị trường có nhiều cuộc “ngã ngựa”, nhiều phim nội chỉ thu vài trăm triệu đồng hay vài tỉ đồng.

Với doanh thu ấn tượng của dòng phim anime, các nhà làm phim Việt có thể nghĩ đến một tương lai cho các dự án phim hoạt hình, truyện tranh trong nước.

Đằng sau làn sông anime

Theo Hollywood Reporter, trước đây, anime được xem là thể loại phục vụ thị trường ngách - chỉ dành cho những khán giả trung thành, mê truyện tranh. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các nền tảng phát phim trực tuyến, thể loại anime phát triển nhanh trên toàn cầu. “Hiện ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đang phải “vật lộn” để đáp ứng nhu cầu gần như không thể thỏa mãn. Anime trở thành hình thức giải trí đại chúng không biên giới” - trang này viết.

Ngoài nhu cầu thưởng thức tăng cao từ khán giả, việc dòng phim anime được sản xuất nhiều còn do kinh phí sản xuất rất ít, khả năng thành công cao. Chẳng hạn phim Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận ra rạp năm 2020 chỉ tốn hơn 15 triệu USD để sản xuất nhưng thu về hơn 500 triệu USD trên toàn cầu.

Những thành công đó đã thúc đẩy các đơn vị sản xuất manga (truyện tranh), anime tại Nhật Bản nỗ lực cho ra mắt nhiều dự án chất lượng hơn nữa. Tuy nhiên, đằng sau sự lộng lẫy của dòng phim anime trên màn ảnh hay những con số doanh thu khủng, đời sống của các họa sĩ tại Nhật hoàn toàn trái ngược.

The New York Times cho biết, mỗi tháng, họa sĩ hàng đầu Nhật Bản Tetsuya Akutsu (30 tuổi) nhận được khoản tiền lương từ 1.400-3.800 USD. Anh làm việc cật lực, chỉ ngủ vài tiếng/ngày. Giới họa sĩ tại Nhật Bản đã nhiều lần phản đối vì thu nhập quá thấp. Đến nay, Hiệp hội Sáng tạo hoạt hình Nhật Bản cho biết, mức lương trung bình của họa sĩ đã tăng lên từ 29.000 USD/năm (năm 2015) lên 36.000 USD/năm (2019) và hiện đang đề xuất để tiếp tục tăng. Trong khi đó tại Mỹ, mức lương của các họa sĩ trung bình từ 65.000-75.000 USD/năm.

Thị trường anime hoạt động sôi nổi đến mức hầu hết các hãng phim hoạt hình ở Nhật đều được đặt lịch trước nhiều năm. Theo đó, áp lực mà các họa sĩ trong ngành phải chịu cũng tăng cao. Theo một bài viết trên The New York Times, Nhật Bản định hướng anime là trọng tâm phát triển, trở thành sản phẩm trong chiến lược ngoại giao nên chính quyền đang nỗ lực để gỡ khó cho nhân sự ngành này.

Hiện Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… đã đầu tư những khoản chi phí lớn cho các hãng phim Nhật để sản xuất phim. Trong thời gian tới, thị trường anime hứa hẹn có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI