Phim truyền hình: Vì sao kẻ ăn không hết, người lần không ra?

15/03/2018 - 13:32

PNO - Màn ảnh phía Bắc thời gian qua có rất nhiều phim đình đám, đoạt giải trong và ngoài nước. Trong khi đó, phim truyền hình phía Nam lại hoàn toàn lép vế.

Quan trọng là cách làm

Có một giai đoạn, phim Việt hoàn toàn bị game show và các chương trình truyền hình thực tế lấn át. Nhưng từ phim Tuổi thanh xuân, VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) đã dần lấy lại khán giả. Liên tục sau đó là những bộ phim gây sốt: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt, Chiều ngang qua phố cũ, Tình khúc bạch dương… Ngay cả những phim không được chiếu ở khung giờ vàng của VTV vẫn tạo dấu ấn riêng. Ngoài Thương nhớ ở ai còn có Lặng yên dưới vực sâu (cả hai phim đều rơi vào khung giờ được cho là khó xem: 14 giờ 30 phút thứ Bảy, Chủ nhật).

Phim truyen hinh: Vi sao ke an khong het, nguoi lan khong ra?

Tình khúc bạch dương - bộ phim tạo được dư luận của VFC gần đây, bối cảnh được ghi hình tại Nga

Phía sau những thành công này là cách VFC đã làm: không ngại bỏ hàng năm trời để Việt hóa kịch bản phù hợp với khán giả Việt, đầu tư lớn cho những phim cần ghi hình ở nước ngoài. Tuổi thanh xuân, Tình khúc bạch dương, Matxcơva mùa thay lá… có bối cảnh lung linh, cuốn hút. Các đạo diễn phía Nam, vì kinh phí eo hẹp, có khi chỉ đạo diễn đơn độc đi quay, về ghép vào phim hoặc quay theo kiểu khách du lịch, có khi chỉ là giả cảnh.

Đạo diễn Phương Điền, khi biết Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được đầu tư làm kỹ xảo gần 2.000 bối cảnh xưa, đã lắc đầu: “Với điều kiện làm phim phía Nam, điều đó là bất khả thi”. Những thỏa hiệp đến giới hạn cuối của đạo diễn trong việc tiết giảm chi phí đã khiến cho phim truyền hình phía Nam ngày càng kém chất lượng, sáng tạo của người làm nghề cũng mai một. Đã từng có vị “vua trường quay” ca thán: “Chán, nhưng vẫn phải làm”. Tiền ít, việc hiếm, nhân lực ngày một giảm, nhiều người bỏ nghề, đơn vị sản xuất phá sản, tan tác… 

Bao giờ khôi phục vị thế

Không khí làm phim truyền hình phía Nam tất bật nhất hiện nay chỉ còn vài đơn vị: CJ, D.I.D, Sóng Vàng... Những đơn vị từng đóng vai trò chủ lực một thời hiện đã dần mất hút. Hãng Vietcom từng nuôi mộng làm những bộ phim giá trị, mấy năm nay cũng rẽ sang làm show truyền hình. Công ty Sao Thế Giới biệt tăm. Lasta, Let’s Việt cũng không có dự án nào trong năm 2017.

Senafilm, sau biến cố đổ nợ với dự án phim 1.001 tập Hồ sơ lửa, đã im hơi lặng tiếng. Còn lại M&T Pictures cáng đáng một số khung giờ phim trưa và tối, nhưng tiềm lực tài chính của đơn vị phần lớn là nhờ làm truyền thông, quảng cáo. Hệ lụy là có rất nhiều quảng cáo được lồng ghép trong phim.

Phim truyen hinh: Vi sao ke an khong het, nguoi lan khong ra?

Bên kia sông được thực hiện từ năm 2014, tồn kho đến nay mới được lên sóng

“TFS trước đây đâu thua gì VFC. Nhiều dự án được đầu tư rồi tồn kho vì thiếu sóng. Mọi thứ càng đi vào ngõ cụt” - một đạo diễn từng gắn bó với TFS nhiều năm tiếc nuối. Thị trường phim Việt phía Nam, gần nửa thập niên, được trao cho các công ty tư nhân. Nhưng kiểu làm phim “ăn xổi” đã khiến phim Việt bế tắc. Tiết giảm tối đa kinh phí, làm nhanh làm ẩu, ngại bối cảnh xa, kịch bản hời hợt… đã khiến phim truyền hình chết mòn.

Thiếu kịch bản hay là nguyên nhân chủ yếu khiến phim truyền hình sa sút. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, nguồn kịch bản của VFC cũng khan hiếm. Khoảng 40% kịch bản được mua bản quyền từ nước ngoài. Thế nhưng, cùng là Việt hóa, phía Bắc được khen, phía Nam lại bị chỉ trích. Thất bại của Glee Việt Nam là một minh chứng.

Sitcom Gia đình là số một (Việt hóa từ phiên bản Mỹ) cũng không gây cười ấn tượng. Sắp tới, hai dự án Việt hóa: Mối tình đầu của tôi, Vì sao đưa anh tới cũng khiến khán giả lo ngại về chất lượng. Sự khác biệt nằm ở khả năng Việt hóa cẩn trọng theo tương quan văn hóa, lối sống người Việt.

Biên kịch Hoàng Anh nói, sau mỗi dự án, chị đều dành thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, cảm xúc. Trong khi đó, ê-kíp viết kịch bản của nhiều đơn vị phải làm việc liên tục, kịch bản chia nhau hoàn thiện từ đề cương chi tiết. Vốn sống chưa dày, thời gian gấp rút là thách thức quá lớn với những biên kịch trẻ. Đó là chưa kể việc biên kịch lẫn đạo diễn đều bị đơn vị sản xuất chi phối: hoặc thêm chi tiết hài, hoặc tạo tình huống phù hợp để quảng cáo, thêm đất diễn cho những “gương mặt đại diện thương hiệu”…

Đơn vị hiếm hoi còn tạo được niềm tin, hứng khởi cho khán giả là Đài Truyền hình Vĩnh Long. Phim được đặt hàng phát sóng trên THVL1 (khung 8g, các ngày trong tuần) luôn có vị thế riêng: Tình kỹ nữ, Con đường hoàn lương, Con gái chị Hằng, Ải mỹ nhân, Ông trùm… 

May còn có phim xưa

Niềm an ủi của phim truyền hình phía Nam thời gian qua là vẫn còn có phim khai thác bối cảnh, đề tài xưa - thể loại còn sức hút. Có thể nhắc đến một số phim được yêu thích: Trò đời, Ngọn cỏ gió đùa, Phận làm dâu, Hoán nhân tâm, Thế thái nhân tình, Nợ đời, Kim duyên tiền định

Phim truyen hinh: Vi sao ke an khong het, nguoi lan khong ra?
Mộng phù hoa - phim lấy cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời cô "Ba Trà"

Nổi bật trên sóng VTV3 thời điểm hiện tại là Mộng phù hoa, lấy cảm hứng từ cuộc đời của “Đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn” - cô Ba Trà. Đạo diễn Trần Quế Ngọc cho biết, chỉ dám gọi Mộng phù hoa là phim xưa chứ không khẳng định giai đoạn 1930 - 1940 như bối cảnh sống của cô Ba Trà thật.

“Hiện nay, bối cảnh, đạo cụ, phục trang… cho đề tài xưa rất khó tái hiện đúng”- Trần Quế Ngọc chia sẻ. Khán giả buộc phải chấp nhận tính tương đối về bối cảnh của dòng phim này. Đạo diễn Phương Điền, sau khi lặn lội tìm bối cảnh cho phim Giông bão (chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ), cũng phải thừa nhận rằng, không gian hiện đại đã chi phối, thậm chí xóa hoàn toàn dấu xưa. Bối cảnh hiếm hoi nên sự trùng lặp từ phim này đến phim khác là điều không thể tránh khỏi.

Ngay cả những phim được dựng cảnh tại phim trường cũng không tái hiện thuyết phục những đại cảnh. Không có gì và không một ai và Tơ hồng vương vấn thiếu vắng những cảnh quay khu chợ, đường phố, hào lũy… Phần lớn bố cục đều được thu hẹp, tận dụng cận cảnh, góc máy. Vì thế, phim nào cũng để lại cảm giác tiếc nuối do tái hiện chưa trọn vẹn. 

Đạo diễn trẻ thổi một làn gió khác

Phim truyền hình phía Bắc liên tục phát triển, tạo cơ hội cho những đạo diễn trẻ. Sự xuất hiện của Khải Anh, Bùi Quốc Việt, Bùi Tiến Huy… đã mang đến cho khán giả những câu chuyện hết sức trẻ trung, phù hợp với lối sống giới trẻ hiện tại. Bà nội không ăn pizza, Đi qua mùa hạ, Trái tim có nắng, Zippo, mù tạt và em, Vệt nắng cuối trời, Đầm lầy bạc… chính là dấu ấn của những tên tuổi trẻ.

Phía Nam, cơ hội cho những gương mặt trẻ thường rơi vào phim sitcom. Dù chưa tạo được dư luận mạnh mẽ, phim của họ vẫn hài, đẹp, năng động, tươi mới, lãng mạn như trong Tiệm bánh hoàng tử bé, Tám công sở, Xin chào ông chủ… 

Đạo diễn Phạm Ngọc Châu:  Bản lĩnh từ chối, hoặc đánh mất mình

* Phim truyền hình thăng trầm ra sao, theo ông?

- Điều kiện làm phim truyền hình phía Nam giờ đang gặp khó, đi xuống thấy rõ. Người làm nghề giỏi có thể xử lý được những thiếu hụt, khiếm khuyết từ kịch bản đến hiện trường. Nhưng nếu bị đơn vị sản xuất chi phối quá nhiều thì rất khó. Khi đó, hoặc đạo diễn phải thỏa hiệp, hoặc phải bản lĩnh từ chối. Đó là một cuộc đấu giữa cái tôi cá nhân và mưu sinh. Cả một “đoạn trường tư tưởng”.

* Có phải thị trường đã đánh bật các đạo diễn tâm huyết?

- Thị trường và định hướng của nhà đài. Nếu các đài đầu tư, dành khung giờ đẹp, có chính sách hợp lý cho phim Việt, tình hình có thể được cải thiện. Trước đây, hãng TFS gần như là trụ cột của phim truyền hình phía Nam, có thể xem là “đối trọng” của VFC. Nhưng sau này, vì nhiều lý do, sóng cho phim của TFS không còn nữa. Hàng trăm tập phim đã hoàn thiện tồn ứ đến nay mới được xếp sóng. Thời thế lúc này lúc khác. Nhưng vấn đề phim truyền hình bây giờ đã không còn phụ thuộc vào cá nhân người làm nghề nữa.

* Trong nỗ lực “giải cứu” phim truyền hình, kịch bản luôn là vấn đề nan giải nhất?

- Tôi không cho rằng, nguồn kịch bản đang cạn kiệt hay thiếu đề tài hay. Vấn đề là ai sẵn sàng đầu tư cho những tác phẩm lớn. Tôi tin, nếu chất lượng phim được đưa lên hàng đầu, sẽ có phim hay ngay. Nên kiếm lợi nhuận bằng cách nâng chất lượng phim lên chứ không phải hạ giá thành xuống, bình dân hóa phim truyền hình, rồi dễ dãi chạy theo game show.

Diệp Nguyễn (ghi)

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI