PNO - Đưa các phim của hãng TFS trở lại giờ “vàng”, hợp tác với tư nhân mở khung Phim Việt đặc sắc, Đài truyền hình TPHCM (HTV) đang nỗ lực lấy lại vị thế đầu đàn phim truyền hình phía Nam sau 7 năm đánh rơi phong độ.
Ngày 3/10, HTV đã tổ chức ra mắt khung Phim Việt đặc sắc (lúc 19g30 thứ Hai, Ba, Tư hằng tuần trên HTV7). Khung giờ này vốn đã có từ tháng Ba năm nay, với những tác phẩm đánh dấu sự quay lại của hãng phim TFS. Tuy nhiên, từ ngày 9/10 tới, khung Phim Việt đặc sắc sẽ là cái bắt tay dài lâu giữa HTV và đơn vị tư nhân SK Pictures. Việc hợp tác này được người trong cuộc kỳ vọng giúp phim truyền hình TPHCM lấy lại hào quang năm xưa - thời mà các bộ phim của TFS, các phim Việt giờ vàng xã hội hóa thống trị màn ảnh nhỏ phía Nam.
Một cảnh trong phim Dâu bể mùa xưa
Nhiều năm trở lại đây, trong khi phim truyền hình phía Bắc tung hoành màn ảnh nhỏ thì thị trường phim truyền hình phía Nam, dù hoạt động vẫn sôi nổi nhưng hiệu ứng khán giả không bằng. Hầu hết các phim Việt phát trên VTV1, VTV3 đều nắm giữ các thứ hạng cao trong thống kê hằng tuần lượng người xem chương trình truyền hình cả nước. Phim truyền hình phía Nam, nếu có góp mặt, cũng chỉ là phim phát trên một đài tỉnh; phim chiếu trên HTV hoàn toàn vắng bóng. Đây là sự tiếc nuối rất lớn bởi HTV vốn là nơi khởi xướng phong trào phim Việt giờ vàng, từng tiên phong mở ra rất nhiều khung giờ: 9g, 11g, 13g, 13g30, 18g, 21g30, 22g để khán giả xem phim Việt suốt 7 ngày trong tuần trên HTV7, HTV9. Hãng phim TFS thuộc HTV từng là nguồn xuất phát của những bộ phim truyền hình kinh điển, để đời cho đến ngày nay.
Kể từ năm 2016, sự bùng nổ các loại hình giải trí trên internet và game show chiếm “giờ vàng” cuối tuần, khiến HTV đánh mất vai trò trụ cột về phim truyền hình. Tuy nhiên suy - thịnh, thăng - trầm là chuyện thường tình. Sau 7 năm để mất vị thế, HTV đang có những bước chuyển mình để có thể trở lại là cánh chim đầu đàn. Mở đầu là việc đưa các bộ phim mới của TFS lên khung giờ đẹp 19g30 (thứ Hai, Ba, Tư hằng tuần) và thay đổi cách làm truyền thông cho phim theo hướng mới mẻ, hiện đại hơn, chú trọng đẩy mạnh trên nền tảng số.
Khung phim Việt đặc sắc mở màn với phim bối cảnh miền Tây Nam Bộ là Dâu bể mùa xưa (đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa) phát sóng từ ngày 9/10. Phim quy tụ dàn diễn viên hùng hậu Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Thu, Thân Thúy Hà, Khương Thịnh, Huỳnh Đông, Bạch Công Khanh. Các phim tiếp theo lên sóng là Dưới bóng bình yên (đạo diễn Văn Công Viễn), Bóng của thị thành (đạo diễn Nguyễn Minh Cao).
Ông Phan Thanh Việt - Phó tổng giám đốc SK Pictures - cho biết: “Hướng đi mà nhà đài và chúng tôi lựa chọn là tập trung làm những bộ phim có nội dung liên quan đến cuộc sống, phản ánh những mảnh đời của người dân thành phố chứ không chạy theo mô típ tình tay ba, trai xinh gái đẹp như kiểu phim Hàn Quốc. Do đó, chúng tôi không sử dụng kịch bản remake, mỗi phim thời lượng từ 30-35 tập, mỗi tập dài 45 phút và thu tiếng trực tiếp”.
Đông tay vỗ nên kêu
Phim truyền hình phía Nam lâu nay vẫn sản xuất đều đặn nhưng tiếng vang không còn như xưa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi này do vấn đề kinh phí. Bà Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Khai thác phim truyện HTV - cho biết: “Làm phim truyền hình hiện nay khó nhất là phải có tiền để tái đầu tư. Ngày xưa phim lớn, phim nhỏ cũng đều có quảng cáo, phim hay sẽ thu hút được nhiều quảng cáo. Nhưng bây giờ, phim hay cũng như quăng một viên đá vào hồ nước rộng, nhiều người xem không có nghĩa là thu lại được nhiều tiền như trước. Do đó, mọi thứ phải co kéo, dẫn đến chất lượng khó bảo đảm”.
Giờ thì với cái bắt tay giữa HTV với SK Pictures, khó khăn về kinh phí đã được giải quyết. Theo bà Phạm Trường Sơn, việc chọn đơn vị tư nhân để đổi mới khung giờ vàng thay vì sử dụng lực lượng hãng TFS là hướng đi hợp lý vì: “Đài đã đầu tư vào TFS. Phim của TFS cũng có khung giờ riêng đang hợp tác rất tốt với Viettel Media. Nhưng ở góc độ khách quan, đài cần nguồn thu quảng cáo để làm phim tốt, vì làm phim truyện đòi hỏi kinh phí cao. Đơn vị tư nhân có điểm mạnh là trường vốn, am hiểu thị trường, có cách tiếp cận, góc nhìn mới. Do đó đài vẫn tiếp nhận 2 cách sản xuất phim là tại chỗ (hãng TFS) và hợp tác với tư nhân”.
Tiền không quyết định phim hay nhưng phim muốn hay không thể chi ít tiền. Ngoài vòng luẩn quẩn đó, phim truyền hình phía Nam còn khó đột phá do yếu khâu kịch bản, diễn viên. Bà Phạm Trường Sơn chia sẻ: “Dù nhà đài đã nhiều lần khuyến khích các biên kịch nhưng người viết vẫn ngại chạm đến những đề tài hóc búa, gai góc. Diễn viên trong Nam làm nhiều việc chứ không chỉ đóng phim nên ít có thời gian toàn tâm với vai diễn; trong khi diễn viên miền Bắc chủ yếu sống bằng việc đóng phim nên họ dành sức cho vai diễn nhiều hơn”.
Nhìn lại, ngành sản xuất phim truyền hình phía Nam đang phân mảnh, thiếu người cầm cờ có tiềm lực tài chính đủ mạnh để tập hợp các đơn vị sản xuất gia công. Sự gia nhập của đơn vị tư nhân như SK Pictures ở sân chơi phim truyền hình đang mở ra cơ hội quy tụ các đơn vị gia công làm phim có uy tín để chung tay gầy dựng lại uy tín, vị thế cho phim truyền hình TPHCM nói riêng và phía Nam nói chung.