Phim truyền hình ra chợ tìm khán giả

21/06/2018 - 18:34

PNO - Việc đoàn phim 'Gạo nếp gạo tẻ' ra chợ tiếp thị phim mới đây đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đó là tự “hạ giá” hay giải pháp hay trong nỗ lực đưa phim đến với công chúng?

Phim truyen hinh ra cho tim khan gia
Đoàn phim Gạo nếp gạo tẻ ra chợ Bà Chiểu (TP.HCM) giới thiệu phim và giao lưu cùng khán giả

Trước đây, mỗi phim truyền hình chuẩn bị lên sóng đều có buổi ra mắt rầm rộ. Nhiều bộ phim được sự chú ý cũng nhờ khâu quảng bá. Nhưng vài năm gần đây, trong cảnh èo uột chung, công tác PR cho phim gần như bị bỏ qua, khiến phim truyền hình thêm bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các game show.

Có thể thấy rõ sự khác biệt. Cùng phát trên HTV2, nhưng Gạo nếp gạo tẻ (Việt hóa từ phim Wang’s Family của Hàn Quốc, phát lúc 20g) lại có sức thu hút vượt trội so với bộ phim Sóng xô lẽ phải (phát ở khung 19g).

Không quá xuất sắc, nhưng Sóng xô lẽ phải là phim xem được. Nếu được quảng bá tốt hơn, có thể phim sẽ không mất lợi thế cạnh tranh so với nhiều phim phát cùng thời điểm. Trước sức ảnh hưởng của nhiều bộ phim truyền hình phía Bắc, phim phía Nam ngày càng yếu, một phần cũng do thiếu quảng bá.

Hiện nay, việc quảng bá phim chủ yếu qua mạng xã hội. Đơn vị nào cũng tích cực lập fanpage, chia sẻ trailer, clip hậu trường… Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, có đến 74,5% khán giả xem phim truyền hình Việt thuộc lứa tuổi trên 50 - không phải ai cũng dùng mạng xã hội, nhiều người còn không biết đến công nghệ. Nếu chỉ quảng bá phim qua mạng, có lẽ là chưa đủ.

“Các nhà làm phim điện ảnh cũng phải tích cực tổ chức các chương trình cinetour để quảng bá phim, tại sao truyền hình lại không? Đối tượng của phim truyền hình chủ yếu là các bà nội trợ, nên tôi cho rằng ra chợ tiếp thị phim là cách tốt nhất. Đoàn phim chúng tôi đã dành hai ngày để đến chợ Hòa Hưng, Bà Chiểu, Gò Vấp và Thị Nghè. Nhiều người nghĩ, chợ là chốn xô bồ, chụp giật, làm vậy là tự hạ giá trị phim. Nhưng tôi tin rằng mình đã chọn đúng nơi. Ê-kíp cũng đã bàn thảo kỹ trước khi quyết định chọn chợ để giao lưu” - đạo diễn Hoàng Anh chia sẻ.

Việc ra chợ tiếp thị phim quả là chưa có tiền lệ. Diễn viên nổi tiếng thường được mặc định phải xuất hiện ở những nơi sang trọng, trong những buổi ra mắt phim đình đám. Nhưng các gương mặt của Gạo nếp gạo tẻ như Lê Phương, Thúy Ngân… đã bỏ qua những hào nhoáng ấy để khoác trang phục giản dị, đi vào các ngõ chợ, để nhận về bao tình cảm thật từ những khán giả có xem và yêu thích bộ phim.

Phim truyền hình Philippines gây sốt màn ảnh nhỏ Việt một dạo cũng nhờ đơn vị nhập phim đã “chịu chơi”, bỏ tiền mời các diễn viên chính sang Việt Nam giao lưu. Trong khi đó, phim Việt trong nước, nhất là truyền hình phía Nam, ngày càng ít được quảng bá.

“Cũng muốn lắm chứ, nhưng kinh phí sản xuất phim thấp, mọi thứ đều phải tiết giảm, nên cũng không dễ gì có một khoản tiền để quảng bá phim” - một đạo diễn ưu tư. Cách làm của đoàn phim Gạo nếp gạo tẻ ít tốn kém, nhưng rõ ràng đã hiệu quả. Đã đến lúc bỏ qua những định kiến để các nhà sản xuất, nhà làm phim tìm đến khán giả. Có thế mới mong tạo sức sống cho phim truyền hình Việt ở thời điểm này. 

Thời “hoàng kim” của TFS, đơn vị rất chú trọng việc kết nối diễn viên - khán giả. Tăng Thanh Hà, Kim Hiền… từng tham gia giao lưu cùng công nhân các khu chế xuất, thời điểm phim phát sóng. Nhiều đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu với đoàn phim tại TP.HCM hoặc ở các tỉnh, thành. Đó là cách mang phim đến gần hơn với khán giả, lắng nghe phản hồi của dư luận.

DIỆP NGUYỄN

Đại diện nhà sản xuất D.I.D Group: 
Ra chợ để tiếp cận khán giả thật

Đối với chúng tôi, chợ là kênh truyền thông nhanh và hiệu quả nhất, đã được chứng minh qua nhiều đợt quảng bá cho các chương trình khác trước đây. Chợ là nơi tập trung lượng khán giả chính của phim truyền hình Việt đề tài gia đình.

Quảng bá phim tại chợ cũng là cơ hội để diễn viên cảm nhận được tình cảm của khán giả dành cho vai diễn. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen dành cho Gạo nếp gạo tẻ tại các chợ mà đoàn phim đến. Nhiều người cho biết, lâu lắm rồi họ mới được xem một bộ phim ưng ý như thế.

Tiếp thị hay quảng bá chỉ là công cụ để khán giả biết đến phim. Chất lượng phim mới là quan trọng nhất. Hiện tại, Gạo nếp gạo tẻ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Trung bình các tập phim trên kênh YouTube của HTV2 thu hút từ 3-5 triệu lượt xem cùng hàng ngàn lượt bình luận. Mỗi đơn vị sản xuất đều có mục đích và chiến lược riêng, nhưng sự ủng hộ của khán giả là cái quyết định cuối cùng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI