Theo thống kê mới nhất của Vietnam - Tam (Hệ thống định lượng khán giả Việt Nam), tại khu vực TP.HCM, đứng đầu top 10 chương trình được khán giả xem nhiều nhất là phim Con gái bố già của đạo diễn Phương Điền, phát trên kênh THVL1, vượt qua cả những chương trình “hot” như: Thách thức danh hài, Người kể chuyện tình, Nhanh như chớp, Solo cùng Boléro, Tuyệt đỉnh song ca…
Giải mã sức hút Con gái bố già
Thật ra, đề tài phim Con gái bố già không mới. Đài Truyền hình Vĩnh Long trước đây cũng có phim Con gái ông trùm, chưa kể hàng loạt phim hình sự, hành động kiểu xã hội đen, thế giới ngầm đã được khai thác đầy rẫy trên phim truyền hình.
|
Con gái bố già - đốm sáng trên hành trình tìm lại khán giả của phim truyền hình phía Nam |
“Tôi biết đề tài này có thể đã nhàm chán với khán giả nên tôi phải làm mới, làm thật khác. Ngoài chuyện mời những diễn viên nổi tiếng, hợp vai, chúng tôi còn sang Hồng Kông ghi hình. Đánh đấm trên phim cũng phải cho ra trò. Hình ảnh tội phạm, giang hồ cần xây dựng cho gai góc và cần nhất là có riêng số phận, tâm lý đa chiều” - đạo diễn Phương Điền bày tỏ.
Con gái bố già không gây chú ý ngay từ đầu như những phim Người phán xử, Quỳnh búp bê, Tình khúc bạch dương… nhưng người xem dần bị cuốn vào các tình tiết, cách kể với nhiều nút thắt mở. Những tuyến nhân vật đối kháng được xây dựng với số phận ẩn, tâm ý khó đoán. Cả vai chính diện lẫn phản diện đều có thể mang đến cảm xúc cho người xem.
|
DV Thân Thúy Hà và Trọng Khang trong phim |
Tất nhiên, thành công đó còn là sự chăm chút của nhà sản xuất và ê-kíp làm phim. Từ tạo hình nhân vật đến hành động, nhạc phim đều cho thấy sự công phu, nghiêm túc, góp phần “lấy lại niềm tin” cho phim truyền hình phía Nam sau thời gian dài hoàn toàn lép vế trước các game show, chương trình truyền hình.
Tìm lại khán giả
Rất nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho tình hình phim truyền hình phía Nam “bết bát” mấy năm qua. Nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là con người. Thời phim truyền hình ăn nên làm ra, hàng loạt nhà sản xuất nhảy vào làm phim, chủ yếu nhắm vào lợi nhuận.
Nhiều đạo diễn nhận dự án mà không chú trọng chất lượng, chỉ ham làm nhanh làm nhiều. Diễn viên chạy show liên tục hết phim này đến phim khác, không chú tâm vai diễn. Mọi thứ đều qua loa, dễ dãi. Hãng phim TFS vốn là đơn vị chủ lực, được khán giả tín nhiệm, lại không sản xuất phim.
Phim hay khan hiếm, ngày càng rơi rụng trên các kênh truyền hình. Những khung giờ trước đây dành cho phim truyền hình Việt nay dành sóng cho phim nước ngoài. Mấy năm nay, thể loại phổ biến nhất vẫn là sitcom - ít kinh phí, dễ làm, ít rủi ro.
|
Phim Con gái bố già quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng. Trong ảnh một cảnh diễn của Lê Bê La và Nhật Kim Anh. |
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc TFS - cho rằng, đã dần thấy tín hiệu lạc quan của phim truyền hình Việt. Nhưng theo nhìn nhận trước đây của chính ông, vẫn chỉ mới thấy dấu ấn của phim truyền hình phía Bắc, thông qua các phim Zippo, mù tạt và em; Tuổi thanh xuân; Khúc hát mặt trời hay gần đây nhất là Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt, Người phán xử, Quỳnh búp bê…
Còn phía Nam, mọi thứ chỉ như mới quay trở lại quỹ đạo. Có ý kiến cho rằng, quãng thời gian phim Việt “thoái trào” cũng là để sàng lọc vàng thau. “Cuối cùng, chỉ những đơn vị sản xuất có tiềm lực, những nhà làm phim có nghề mới đủ sức trụ lại đến thời điểm này. Những nhìn nhận phim Việt sa sút cũng chỉ phản ánh đúng một phần nào thôi.
Vẫn có nhiều người làm nghề tâm huyết, cần mẫn trên phim trường. Chỉ có điều, hiện tại, rất cần có thêm những đề tài hay, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, được dư luận quan tâm. Cần nhất là phim đó phải được làm đến nơi đến chốn” - một nhà biên kịch kỳ cựu nói.
Trailer phim Con gái bố già:
Phim truyền hình hiện còn phải cạnh tranh với phim chiếu mạng. Thị phần thay đổi, thói quen xem phim của khán giả cũng thay đổi. Phim truyền hình không thể cứ theo kiểu cũ mà làm. Nói như đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh, muốn phim Việt lan tỏa, nhà làm phim cũng phải biết cách đưa phim đến gần công chúng.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm. Trường hợp thành công của Gạo nếp gạo tẻ là một minh chứng. Bộ phim này, thậm chí nhà sản xuất đã bỏ hết 14 tập đã ghi hình, làm lại từ đầu vì “hình ảnh và diễn xuất chưa đạt yêu cầu”; chấp nhận thiệt hại đến hàng tỷ đồng để “có được một bộ phim tử tế” cho khán giả.
Đạo diễn Phương Điền: “Cần đầu tư đúng và làm mới mình”
Vì sao nhiều phim của VFC gây sốt, tạo dấu ấn? Tôi cho là vì họ đã đầu tư đúng, dám làm, dám chịu trách nhiệm với các đề tài nóng. VFC không ngại đầu tư lớn, nhất là với những phim cần quay bối cảnh nước ngoài, mua kịch bản Việt hóa đắt đỏ, luôn mời những gương mặt “hot”… Khi nhà sản xuất không gò ép chi phí, yêu cầu bớt cái này cái kia mà để đạo diễn tự do sáng tạo, đặt chất lượng lên hàng đầu, tôi tin sẽ có phim hay.
Thêm vào đó, đạo diễn cũng phải tự biết cách làm mới mình, thay đổi phương thức thể hiện, tìm kiếm chìa khóa làm nên sự hấp dẫn cho bộ phim. Cần nghiêm khắc và cẩn trọng với tác phẩm mình đang chịu trách nhiệm. Hãy làm cho khán giả tin vào câu chuyện mình kể, đừng làm phim kiểu lấy được, ào ào cho xong.
|
Diệp Nguyễn