Phần phim Người phán xử tiền truyện vừa kết thúc, bị chê nhiều hơn khen. Sắp tới, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sẽ thực hiện phần ngoại truyện cho phim Phía trước là bầu trời, sau khi các trích đoạn phim của 17 năm trước được “khai quật” trên mạng xã hội.
Đây là phản ứng kịp thời với nhu cầu khán giả. Nhưng điều đáng lo ngại là phim “ăn theo” rất hiếm khi thành công.
|
NSND Hoàng Dũng vẫn diễn xuất ấn tượng với vai ông trùm Phan Quân, nhưng không cứu nổi Người phán xử tiền truyện
|
Đào khoai trên đất hạn
Rất nhiều phim gây chú ý của VFC thời gian qua có kịch bản Việt hóa từ phiên bản phim truyền hình ăn khách của nước ngoài. Nhờ sức hút của Người phán xử, VFC đã làm thêm phần “tiền truyện”.
Đáng tiếc, phần ăn theo của ê-kíp Việt đã thực sự gây thất vọng. Bản phim chính thức được chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh, văn hóa Việt, nhưng vẫn dựa trên nền câu chuyện hấp dẫn của bản gốc Israel. Phần tiền truyện thì lời thoại kém sâu sắc, tràn đầy bạo lực, cảnh nóng, thêm chút gia vị hài hước và nhảm nhí.
“Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là thói quen của nhiều nhà sản xuất hiện nay. Những thứ ăn khách sẽ nhanh chóng được khai thác cho đến khi bão hòa, cạn kiệt, thậm chí chán ngấy. “Lịch sử ăn theo” của phim Việt chưa thấy thành công đặc biệt nào, chỉ toàn thất bại. Ngay cả với phim Tuổi thanh xuân, từng thành công rực rỡ với phần 1, nhưng phần 2 (cũng có sự xuất hiện của những gương mặt diễn viên thần tượng trong phần 1) lại gây thất vọng lớn về nội dung.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng có một Hoa cỏ may đình đám vào năm 2001, nhưng đến phần 3 (phát sóng năm 2016) thì không còn tạo được chút dấu ấn nào. Cùng thời điểm Hoa cỏ may phần 3 phát sóng, Lưu Trọng Ninh có phim Thương nhớ ở ai chất lượng, thu hút hơn nhiều.
Hào quang của Những ngọn nến trong đêm từ 14 năm trước không cứu nổi sự nhạt nhòa của Những ngọn nến trong đêm phần 2. Kịch bản được trao vào tay biên kịch kỳ cựu Đặng Minh Châu, phim được nhà sản xuất kiêm diễn viên Mai Thu Huyền đầu tư lớn, nhưng thất bại vẫn là thất bại.
|
Hoa cỏ may phần 3 bị chê từ tập đầu cho đến tập cuối |
Phim truyền hình Việt hiện vẫn chưa thoát cảnh lệ thuộc vào kịch bản ngoại. Khi mà các biên kịch Việt chưa đủ sức làm nên những kịch bản phim đáng mong chờ thì việc khai thác thêm phần mới từ những kịch bản ngoại ăn khách lại càng là một thách thức - y như việc vác mai đào khoai trên đất hạn.
"Chỉ mong phim Việt như xưa"
Thời vàng son của phim Việt từng có những Hương phù sa, Dốc tình, Gọi giấc mơ về, Vòng xoáy tình yêu, Cổng mặt trời, Dưới cờ đại nghĩa… được khán giả đánh giá cao về chất lượng lẫn nội dung. Sự phát triển ào ạt của phim truyền hình một thời, dưới chính sách ưu đãi phim nội, đã khiến nhiều nhà làm phim lẫn khán giả kỳ vọng vào những “bom tấn” phim truyền hình.
Thậm chí có đơn vị đã đặt mục tiêu thực hiện những dự án lớn để có thể xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Nhưng rồi chính những đơn vị trụ cột, đủ tiềm lực đầu tư dự án lớn cuối cùng lại rút lui trong im lặng. Không khí làm phim truyền hình hiện giờ chỉ là liệu cơm gắp mắm - có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, càng rẻ càng tốt. Mộng mơ xuất khẩu phim Việt trở thành viển vông.
Giờ thì, mong muốn của khán giả lại hết sức đơn giản: “Phim Việt được như xưa”. Chỉ thế thôi đã khó. Một thế hệ diễn viên thành danh, nổi tiếng nhờ phim truyền hình “xưa” giờ trở thành lớp diễn viên dàn bao cho những gương mặt mới. Cơ hội được trao những vai diễn để đời với họ không nhiều nữa.
|
Cho đến nay, Gọi giấc mơ về vẫn là tên phim được nhắc đến của Minh Hằng, Huỳnh Đông |
Trong khi đó, những gương mặt “hot” (có thể hút quảng cáo) hoặc người mới (trả cát-sê ít) xuất hiện ngày càng nhiều trên màn ảnh nhỏ, lại chưa thể tạo được sức bật thế hệ. Hệ quả là phim truyền hình ngày càng chắp vá, vay mượn, quẩn quanh. Phim “ăn theo” cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng cũng khó được lòng khán giả.
Tiền truyện, hậu truyện, ngoại truyện là kiểu phim thường thấy ở phim ảnh Trung Quốc. Nhưng ngay cả với điện ảnh Hoa ngữ những năm qua, kiểu phim này vẫn bị khán giả chê bai.
Điện ảnh Việt cũng từng có một điển hình thất bại của kiểu phim “hậu truyện”: tác phẩm Sài Gòn Tây Du Ký (bộ phim điện ảnh đầu tay của nhạc sĩ Nhất Trung). Dàn diễn viên gồm ca sĩ Phương Thanh, Huy Khánh, Diễm My 9X… đã không cứu nổi nội dung phim khá tào lao về hành trình của thầy trò Đường Tăng ở TP.HCM thời hiện đại.
Một khi chất lượng nguồn kịch bản trong nước vẫn yếu đến mức đáng tội nghiệp thì việc ăn theo những tác phẩm đình đám của nước ngoài hay ăn theo chính thành công của những bộ phim cũ chỉ dẫn đến thất bại và sự thất vọng nơi khán giả.
|
Diệp Nguyễn