Vượt quá giới hạn
Những bộ phim truyền hình gây tiếng vang tại châu Á thường xuyên vấp phải tranh cãi được xem là "chuyện ngàn năm" của xứ kim chi. Hầu hết ý kiến trái chiều xuất phát từ sai sót của kịch bản và ê-kíp sản xuất phim, bởi những đề tài mới lạ thường đi kèm với sự mạo hiểm, và trong số đó dễ dàng bị quy kết vào phi thực tế. Tuy nhiên không thể chối cãi, đó chính là sức hấp dẫn riêng của các bộ phim này.
Khác với mọi năm, những tranh cãi nảy lửa trong 6 tháng đầu năm 2020 lại đến từ những đề tài gia đình, thể loại phim melodrama (hài lãng mạn) quen thuộc. Bứt phá khỏi "quỹ đạo" an toàn, đạo diễn và các biên kịch rất táo bạo khi mạnh dạn triển khai các phân cảnh giường chiếu, cởi mở hơn trong vấn đề tình dục nhưng vì vậy cũng đón nhận không ít sự phản đối của dư luận, nhiều bình luận công kích lên đến đỉnh điểm.
|
Cảnh nóng gây tranh cãi trong Thế giới hôn nhân. |
Ngay cả tác phẩm nắm giữ kỷ lục rating cao nhất lịch sử đài cáp Thế giới hôn nhân, dù được dán nhãn R (không dành cho khán giả dưới 19 tuổi) nhưng các cảnh ân ái trong phim vẫn khiến công chúng đỏ mặt. Tiếp nối Thế giới hôn nhân, Graceful Friends (Hội bạn cực phẩm) cũng mở màn bằng loạt cảnh quay nóng bỏng như hình ảnh nạn nhân lõa thể trong vụ án mạng, hay vợ của nhân vật Choon Bok (Jung Suk Yong thủ vai) xem phim người lớn để thỏa mãn tâm sinh lý.
Gần như chưa có tiền lệ khi tác phẩm đang gây nên mâu thuẫn cực điểm lại đến từ dòng phim melodrama, thể loại vốn được yêu mến bởi những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Backstreet Rookie (tựa Việt: Cửa hàng tiện lợi Saet Byul) không có cảnh nóng mạnh bạo nhưng những cảnh quay gợi dục khi nữ sinh trung học phổ thông hút thuốc lá, ngang nhiên ôm hôn người đàn ông trưởng thành cho thấy sự ngây thơ và thiếu tinh tế của đơn vị sản xuất. Đây là phim bị phản ứng dữ dội nhất tại Hàn trong nửa đầu năm 2020.
Theo Soompi, Cửa hàng tiện lợi Saet Byul hiện nhận 6.384 đơn khiếu nại dân sự được đệ trình lên trên trang web của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KOCSC), một số người thậm chí còn kêu gọi nhà đài tẩy chay phim.
|
Hạ cánh nơi anh có những chi tiết được cho là phi thực tế. |
Thành viên KOCSC Park Sang Soo lý giải: “Nhiều khiếu nại dân sự là vì Backstreet Rookie được đánh giá 19+, nhưng đoàn phim đã cố gắng thay đổi nó thành 15+. Tuy nhiên, họ đã bất cẩn khi chỉnh sửa kịch bản. Ngôn ngữ mang nặng tính khêu gợi được sử dụng một cách bừa bãi. Mặc dù là một bộ phim truyền hình, nhưng tác hại về đạo đức và cảm xúc đối với thanh thiếu niên là rất lớn.”
Chính sự mạo hiểm vượt quá giới hạn này lại gây nên tác dụng ngược, khiến tỷ suất người xem của phim thiếu ổn định, lên xuống thất thường trong 8 tập vừa qua, và bản thân đài SBS có nguy cơ đối mặt với khiển trách, xa hơn là kỷ luật sau khi KOCSC đưa ra kết luận cuối cùng.
Sự thông thoáng trong cơ chế duyệt phim
Khác một số quốc gia châu Á, cơ chế kiểm duyệt phim truyền hình Hàn Quốc khá thoáng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo của các đơn vị sản xuất, nhất là sau khi làn sóng Hallyu lan tỏa toàn châu Á và thế giới.
Tại Hàn, đài truyền hình phát sóng tác phẩm sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong khâu kiểm duyệt. Trong quyền tự kiểm duyệt của mình, các nhà đài không ngại đề xuất và triển khai những kịch bản độc lạ, thậm chí đụng chạm đến vấn đề chính trị, tệ nạn xã hội…
Ngay cả khi căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang vẫn không thiếu những K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) từ hành động đến tình cảm khai thác về mối quan hệ này trên các đài trung ương (SBS, KBS và MBC), cũng như đài cáp (tvN, OCN và JTBC) như Mật danh Iris (2009), Hậu duệ mặt trời (2016), Điệp vụ Bắc Hàn (2018), Hạ cánh nơi anh (2020)...
|
Siêu phẩm Hậu duệ mặt trời gây sốt toàn châu Á khai thác đề tài quân nhân Triều Tiên. |
Cách làm này đương nhiên không tránh khỏi tranh cãi. Ngay khi Hạ cánh nơi anh lên sóng, Đảng Tự do Thiên chúa giáo Hàn Quốc đệ đơn khởi kiện nhà đài tvN - đơn vị chịu trách nhiệm phát sóng tác phẩm vì cho rằng phim đề cao, lãng mạn hóa hình tượng quân nhân cùng cuộc sống ở Triều Tiên.
Hồi đáp lại, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KOCSC) và các nhà đài vẫn không xử phạt hay có biện pháp mạnh tay như cắt bớt phim hoặc dừng phát sóng… bởi họ nhận thức rất rõ, sản phẩm nghệ thuật vẫn có quyền hư cấu nhất định. Và bản thân các nhà sản xuất phim cũng rất sòng phẳng khi luôn để dòng phụ đề trước mỗi tập phim: “Mọi nhân vật, sự kiện trong bộ phim đều không có thật”.
Còn những tác phẩm có cảnh nóng cũng thuận lợi qua ải nhờ hệ thống phân loại, nhán dãn phim dành cho một số độ tuổi nhất định. Chỉ khi nào đụng đến thuần phong mỹ tục như cổ xúy ngoại tình (Thế giới hôn nhân), phân biệt chủng tộc và những cảnh gợi dục ảnh hưởng đến thanh thiếu niên (Cửa hàng tiện lợi Saet Byul… KOCSC sẽ chủ động làm việc với ê-kíp đoàn phim, đánh giá mức độ vi phạm và đề nghị chỉnh sửa hoặc làm mờ chi tiết nhạy cảm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
|
Cửa hàng tiện lợi Saet Byul là bộ phim bị phản đối nhiều nhất tại Hàn Quốc nửa đầu năm 2020. |
Nếu ở Việt Nam, các đài truyền hình chưa kiểm soát và bao quát các bộ phim, chương trình phát sóng trên màn ảnh nhỏ và các bản được đăng tải trên YouTube, dẫn đến tình trạng những bản full phát trên các trang mạng còn nguyên những đoạn phải cắt bỏ khi kiểm duyệt, thì ở Hàn Quốc, vấn đề này được quy định rất rõ ràng.
100% thời lượng các sản phẩm lên sóng đài truyền hình sẽ được đưa nguyên bản lên kênh YouTube chính thức của nhà đài mà không được quyền thêm bớt, nhằm hạn chế sai sót, gây tranh cãi ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của dự án. Nếu vi phạm, phía đối tác sẽ phải bồi thường về mặt tài chính theo hợp đồng đã ký với nhà đài, nhưng tình huống này rất khó xảy ra bởi hầu hết phim lẫn gameshow đều do chính các đài sản xuất và biên tập.
Dẫu còn một số ý kiến trái chiều nhưng có thể thấy rõ, sự chuyên nghiệp trong sản xuất và những quy định cụ thể về cơ chế kiểm duyệt của xứ kim chi đã đóng góp lớn trong sự phát triển và thành công chung của phim truyền hình Hàn Quốc.
Chung Thu Hương