Phim truyền hình đến thời... khó

25/10/2017 - 07:40

PNO - Phim truyền hình từng có một thời hoàng kim rồi dần mất thị phần trước những cuộc 'lấn sóng' của gameshow, truyền hình thực tế. Lượng phim sụt giảm khiến đời sống của đội ngũ làm phim cũng vô cùng chật vật.

Không phải đến bây giờ gam màu xám xịt mới phủ lên diện mạo phim truyền hình Việt. Cảnh báo về cơn thoái trào đã được đưa ra từ nhiều năm trước. Khán giả từ “khát” phim Việt chuyển sang bội thực và ngán ngẩm trước những bộ phim như kịch, chất lượng làng nhàng. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của những chương trình giải trí đa dạng khác đã hút khán giả khỏi các giờ chiếu phim.

Phim truyen hinh den thoi... kho

Ra mắt hoành tráng, nhưng cuối cùng Hồ sơ lửa lại trở thành “dự án làm khổ” diễn viên

Thời điểm này, ngay cả những đơn vị làm phim truyền hình có tiếng cũng không còn mặn mà sản xuất. Từ hơn một năm nay, hãng Vietcom - đơn vị từng cung cấp nhiều bộ phim chất lượng cho HTV và THVL - đã chuyển sang làm gameshow, truyền hình thực tế. 

Công ty Sóng Vàng từng mỗi năm sản xuất đến 700-800 tập phim, giờ giảm hơn phân nửa, chuyển sang làm phim chiếu rạp. Hãng M&T Pictures duy trì được lượng phim phát sóng đều đặn trong các khung giờ được đặt hàng, nhưng nói theo giám đốc Nguyễn Thị Trúc Mai thì nhờ là công ty truyền thông, quảng cáo nên đơn vị bà mới có thể “bù qua đắp lại”.

Lasta, Sao Thế Giới cũng không còn hăng hái với những dự án đầu tư lớn. Hãng TFS (từng được xem là linh hồn của phim truyền hình phía Nam) thì gần hai năm nay không sản xuất phim nào.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc TFS bày tỏ: “Thời gian qua, phim truyền hình đã có một cuộc sàng lọc: những người có năng lực, chuyên nghiệp đã trụ lại với nghề. Những tín hiệu tốt từ các phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng… chính là sự khởi sắc mới của phim Việt”.

Phim truyen hinh den thoi... kho
Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng là 2 phim có lượng rating lớn trong thời gian qua, nhưng đó là của truyền hình phía Bắc

Rất tiếc, những bộ phim “gây sốt” ấy là của VFC - đơn vị sản xuất phim truyền hình phía Bắc. Còn truyền hình phía Nam đang chết mòn ngay trên thị trường lẽ ra phải rất sôi nổi.

Tình hình khó khăn dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất liên tục thiếu nợ, “quỵt tiền” diễn viên. Một số đơn vị chỉ làm được một, hai phim đã phá sản. Lý do dễ hiểu: phim phát sóng không đủ rating, quảng cáo như cam kết nên không được nhà đài trả tiền.

Đạo diễn Nguyễn Minh Cao

Phim truyền hình đang trong vòng xoáy luẩn quẩn: kinh phí thấp dẫn đến phim dở - khán giả ít - không có quảng cáo - kinh phí càng thấp… Đời sống của nghệ sĩ, nhân viên đoàn phim ngày càng khó khăn. Có người phải bỏ nghề, chạy xe grab; có người đi làm mà mong quay đêm để chủ không thấy mặt, đòi tiền nhà.

Đời sống của đội ngũ làm phim cũng vì thế mà bấp bênh. Diễn viên nổi tiếng còn có thể tham gia gameshow, làm giám khảo, huấn luyện viên, đóng kịch… còn diễn viên phụ, những người làm việc phía sau ống kính thì đành trôi theo phận long đong.

“Bạn bè học chung trường sân khấu - điện ảnh ngày trước đã sớm chuyển hướng kinh doanh. Giờ nhìn lại, thấy các bạn đã đi đúng. Mình trụ lại với nghề, hạnh phúc vì được sống với đam mê, nhưng đời sống khó khăn quá” - diễn viên Ngọc Lan (Lan “mập”) bùi ngùi. So với nhiều diễn viên chuyên đóng vai phụ, Ngọc Lan còn thường xuyên có vai. Dù vậy, ngoài đóng phim, chị cũng tranh thủ bán hàng online.

Rất nhiều diễn viên đã chọn kinh doanh làm điểm tựa để mong qua thời thương khó. Nữ diễn viên A.H. vừa đóng phim vừa tranh thủ bán phụ kiện “hand-made”. “Chú lùn” Trần Xuân Tiến bán ghế xếp. Nữ đạo diễn Trần Quế Ngọc, trong thời gian nghỉ sinh con, cũng tranh thủ nhập son ngoại về bán.

Phim truyen hinh den thoi... kho
Hồ sơ lửa - một dự án phim truyền hình hoành tráng nhưng cuối cùng để lại dấu ấn bằng việc... nợ tiền diễn viên

“Thời gian quay một phim dài hai, ba tháng. Thù lao cũng phải chi một phần cho trang phục, xe cộ nên tính ra thu nhập trung bình mỗi tháng không nhiều. Đó là chưa kể có những lúc không có phim mới” - diễn viên Quỳnh Lam, một trong những gương mặt nữ chính luôn được chọn trong các dự án phim xưa, tâm sự.

Trong khi chờ phim mới, Lam làm đại lý cho sản phẩm làm đẹp tự nhiên để kiếm sống. Diễn viên Hồng Kim Hạnh, gần ba năm qua không có vai, chuyển sang lồng tiếng phim, rồi làm người dẫn chương trình tin tức cho phòng truyền hình của một đơn vị báo chí.

Diễn viên Hòa Hiệp

Nhiều nhà sản xuất giờ ưu tiên các gương mặt hot chứ không cần phải là diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp. Cơ hội đóng phim của chúng tôi, vì thế, cũng không nhiều như xưa.

Vụ nợ tiền cát-sê của Sena film trong dự án Hồ sơ lửa càng cho thấy những khó khăn của diễn viên phía sau màn ảnh. Không nhận được thù lao, người thì không có tiền trả tiền thuê nhà, bị chủ ném đồ đạc ra đường; người khác không đủ tiền mua cơm ăn. Trợ lý đạo diễn Công Tiến phải bán nhẫn cưới đóng tiền học cho con.

“Tôi không nhìn thấy lối mở cho phim Việt trong thời gian tới. Nhiều dự án mình tâm đắc, muốn làm cũng không được. Phim giảm, đội ngũ làm nghề cũng giảm. Làm phim thì vất vả mà thu nhập thấp, anh em bỏ nghề cũng nhiều” - đạo diễn Nguyễn Minh Cao nói.

Diễn viên Nhã Phương nói rằng cô vẫn thích được đóng phim truyền hình vì đây mới là con đường tiếp cận công chúng cả nước. Thế nhưng, phim truyền hình Việt càng đi càng khó, mỗi lúc một lu mờ, chẳng thấy được tương lai. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI