PNO - Xem nhiều phim truyền hình thời gian gần đây, khán giả khó phân định ai là nhân vật chính, vì mỗi phim dành thời lượng ngang nhau cho nhiều nhân vật. Cấu trúc kịch bản theo kiểu đa tuyến này giúp phim sinh động, khán giả tha hồ thưởng thức diễn xuất của nhiều diễn viên.
Xem những phim đã và đang lên sóng gần đây như Làng trong phố, Món quà của cha, Gia đình mình vui bất thình lình, Không ngại cưới chỉ cần một lý do, Tình trạng: đã ly hôn, Dâu bể mùa xưa, Hoa vương… có thể nhận ra một điểm chung. Đó là câu chuyện dàn trải đều cho từ 2 nhân vật trở lên thay vì tập trung vào nhân vật chính như cách kể truyền thống lâu nay.
Phim Tình trạng: đã ly hôn đề cập muôn màu cuộc sống hôn nhân qua 4 nhân vật anh em Gia - Hòa - Như - Ý
Trong Gia đình mình vui bất thình lình, Tình trạng: đã ly hôn, số lượng nhân vật trọng tâm nâng lên thành 3-4 vì mỗi nhà có 3-4 anh/chị/em. Xem Món quà của cha, khán giả khó nhận ra trong 3 người con của ông Nhân là Nghĩa, Thảo, Hiếu, ai mới là vai chính. Vì mỗi nhân vật đều được dành thời lượng như nhau để khắc họa những khó khăn, rắc rối riêng và phải đối mặt với nhiều biến cố khác nhau khi trưởng thành.
Dù hệ thống nhân vật chính “nở nồi”, nhân vật nào cũng được chăm chút để có tâm tính riêng, câu chuyện riêng. Chẳng hạn, ở Gia đình mình vui bất thình lình, 3 cặp vợ chồng Công - Phương, Thành - Hà, Danh - Trâm Anh đều để lại ấn tượng đáng nhớ vì ai cũng có cá tính riêng và đều trải qua những sóng gió. Tình trạng hôn nhân của 4 anh em nhà Gia, Hòa, Như, Ý trong phim Tình trạng: đã ly hôn cũng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Một số phim sắp lên sóng vào tháng Mười một tới như Chúng ta của 8 năm sau, Chúng ta phải hạnh phúc cũng đi theo xu hướng kể chuyện “dàn hàng ngang” các nhân vật.
Đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh (phim Tình trạng: đã ly hôn) cho biết: “Tuy là câu chuyện đa tuyến, nhiều nhân vật, nhưng điểm thuận lợi là tập trung vào 2 chủ đề: cuộc sống hôn nhân và tình cảm gia đình. Bộ phim Tình trạng: đã ly hôn có nhiều sự kiện xảy ra liên tục, đa dạng, đan xen lẫn nhau, nhưng chủ đề nhất quán, xuyên suốt là gia đình, nên khán giả theo dõi câu chuyện được sát sao, mạch lạc, với nhiều sự thích thú, nhiều quan tâm và trăn trở cùng số phận các nhân vật”.
Trailer phim Chúng ta phải hạnh phúc:
Đạo diễn Đinh Thái Thụy (phim Chúng ta phải hạnh phúc) bày tỏ: “Cách kể đa tuyến chỉ gây chút khó khăn cho phía sản xuất, vì phải mời nhiều diễn viên chất lượng để đảm nhiệm các vai diễn, phục vụ cho ý đồ kịch bản phim. Bù lại sẽ tạo hiệu ứng tốt vì nhiều tuyến nhân vật đan xen sẽ giúp sinh động hơn. Còn ở góc độ người kể, tôi thấy thú vị khi chuyển tải nhiều hình tượng nhân vật trong một tác phẩm. Với kiểu phim đa tuyến, điều quan trọng là biết cách kết dính các tuyến truyện với nhau trên một tuyến truyện chính. Như với Chúng ta phải hạnh phúc, câu chuyện gồm 5 tuyến nhân vật là nhóm bạn đại học gặp lại nhau sau 17 năm ra trường, nhưng tựu trung là tuyến truyện nói về tình bạn”.
Cơ hội để ai cũng tỏa sáng
Trước đây, theo cách làm cũ, một bộ phim thường tập trung vào cuộc đời 1-2 nhân vật, thường là nam - nữ chính. Biên kịch chỉ cần chăm chút xây dựng cho tuyến nhân vật chính này, các nhân vật còn lại có tác dụng làm nền, giúp nhân vật chính bật lên. Nhân vật trọng tâm được đầu tư từ tính cách, tâm lý đến việc chọn diễn viên thể hiện. Do đó, khi phim kết thúc, ấn tượng đọng lại trong lòng khán giả chỉ có nhân vật chính, nhất là trong trường hợp diễn viên nhập vai xuất sắc. Các nhân vật phụ hầu như ít được ai nhớ đến vì đất diễn quá ít. Đây là sự thiệt thòi cho những người vào vai phụ vì thực tế cho thấy nhiều diễn viên phụ có lực diễn hơn cả diễn viên chính, nhưng do rào cản tuổi tác, ngoại hình đành chấp nhận vai trò “làm nền”.
Gia đình mình vui bất thình lình, 3 cặp vợ chồng Công - Phương, Thành - Hà, Danh - Trâm Anh đều để lại ấn tượng đáng nhớ vì ai cũng có cá tính riêng
Đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh chia sẻ: “Theo tôi, diễn xuất của diễn viên không liên quan đến các cấu trúc của kịch bản. Một diễn viên giỏi, dù đảm nhận vai trò nào, chính hay phụ, họ cũng phải làm bật lên được nhân vật, bằng tất cả sự sáng tạo của họ. Việc xây dựng nhân vật trong một kịch bản mới là điều cốt lõi trong việc phát huy diễn xuất của diễn viên. Nhân vật trong kịch bản phải rõ nét, dù là nhân vật phụ, phải được xây dựng kỹ lưỡng mới có nhiều chất liệu để diễn viên dựa trên đó mà sáng tạo”.
Cấu trúc kịch bản đa tuyến thật ra không mới, nhưng gần đây được các nhà làm phim áp dụng nhiều hơn, tạo thành một hiện tượng thú vị trên màn ảnh nhỏ. Với cách kể chuyện này, bức tranh đời sống trong phim đa dạng hơn. Những ngóc ngách, đặc tính tốt - xấu của con người được khắc họa bao quát hơn, tạo nên sự đa chiều, xem không bị nhàm chán. Thông điệp phim giờ đây được nhiều nhân vật truyền tải, do đó hiệu quả cũng tăng lên. Thêm nữa, khi không còn khoảng cách quá xa giữa nhân vật chính - phụ, cơ hội tỏa sáng được chia đều cho các diễn viên.
Trong trường hợp một nhân vật diễn chán, khán giả vẫn còn nhiều nhân vật khác để theo dõi, nắm bắt điều phim muốn nói. Chẳng hạn trong phim Không ngại cưới chỉ cần một lý do, khán giả nếu không mong đợi những cảnh có nhân vật Yến vì diễn viên diễn nhạt thì vẫn có cái để xem với tuyến truyện của cặp Đông - Huyền.
Mỗi cách làm đều có ưu - khuyết điểm. Nhưng trước mắt, cách kể đa tuyến này đang được người xem hào hứng đón nhận vì cùng một tâm lý nhưng mỗi diễn viên có cách thể hiện khác nhau, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.