Từ sau “hiện tượng” Về nhà đi con, đề tài gia đình trở thành dòng phim chủ đạo trên màn ảnh nhỏ. Dù chủ đề không mới, nội dung chỉ quanh quẩn các mâu thuẫn vợ - chồng, cha mẹ - con cái, mẹ chồng - nàng dâu, mẹ kế - con chồng, anh chị em… nhưng có thể thấy nỗ lực làm mới để giữ chân khán giả của các nhà làm phim.
Nhiều mà vẫn gây “sốt”
Sau gần nửa năm phát sóng, bộ phim Hướng dương ngược nắng (phát trên VTV3) đã kết thúc và tiếp tục để lại nhiều tranh cãi. Kể từ Về nhà đi con cách đây hai năm, màn ảnh nhỏ mới có thêm một bộ phim gây xôn xao dư luận như vậy. Người xem háo hức chờ đón tập sau, tranh cãi về các tình tiết ngay cả khi phim đã đưa ra cái kết có hậu cho các nhân vật.
Ngoài Hướng dương ngược nắng (VTV3), có Cây táo nở hoa (HTV2) cũng đang gây sốt. Ngoài các phim kể trên, màn ảnh nhỏ “giờ vàng” còn đang phát những phim khai thác đề tài tình cảm gia đình là Hương vị tình thân (VTV1), Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng (VTV3), Kiếm chồng cho mẹ chồng (HTV7). Các phim trước đó như Trở về giữa yêu thương (VTV1), Trói buộc yêu thương, Ngày em đến (VTV3) cũng đề cao tình cảm gia đình.
|
Sau Hướng dương ngược nắng, các phim Thương con cá rô đồng, Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân tiếp tục khẳng định sức hút của dòng phim gia đình |
Sức hút của các phim có thể thấy qua những con số lượt xem như tập đầu tiên Cây táo nở hoa có sáu triệu lượt người xem, và đến nay, sau 27 tập phát sóng vẫn chạm mốc hai đến ba triệu lượt người xem/tập. Hướng dương ngược nắng nhận hàng trăm lời bình luận sau mỗi tập phim, kể cả các clip hậu trường. Không chỉ xem phim, bình luận trên YouTube, nhiều khán giả còn vào tận cả trang cá nhân của các diễn viên để bày tỏ cảm xúc.
“Khổ” nhất là các diễn viên thủ vai phản diện bị chửi không thương tiếc, như lời NSƯT Hạnh Thúy từng thổ lộ: “Đôi khi tôi có chút chạnh lòng khi đọc bình luận của khán giả, vì những từ ngữ nặng nề, gay gắt”. Lý giải về sức hút của những bộ phim gia đình, biên kịch Ngọc Bích (phim Thương con cá rô đồng) cho biết: “Vì ai cũng có gia đình, nên đây là chủ đề gần gũi, các nhà làm phim có nhiều chất liệu để khai thác và dễ chạm đến trái tim người xem. Nhà sản xuất cũng chuộng dòng phim này, vì làm đỡ tốn hơn những bộ phim khai thác ngành nghề hay công việc...”.
Áp lực sau những thành công
Gia đình là chủ đề muôn thuở của mọi người, mọi nhà, nên các nhà làm phim sẽ gặp khó khăn khi tập trung khai thác đề tài cũ này. Thành công từ những phim đi trước như Sống chung với mẹ chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Về nhà đi con… trở thành áp lực cho những phim sau đó. Không khó nhận ra đã có sự lặp lại ở dòng phim này trong cách xây dựng nhân vật, nhất là khi các phim lại phát sóng gần nhau: những bà mẹ yêu thương con đến mức độc đoán (bà Lan - Trói buộc yêu thương, bà Hoài - Hãy nói lời yêu), mẹ kế bênh con ruột, ghét con riêng của chồng (bà Điệp - Ngày em đến, bà Bích - Hương vị tình thân), người con lớn trong nhà luôn bảo bọc các em (Ngọc - Cây táo nở hoa, Thương - Thương con cá rô đồng). Sự lặp lại còn được thấy ở sự hiện diện của nhân vật “tiểu tam”: Linh (Đừng bắt em phải quên), Châu (Cây táo nở hoa), Diễm Loan (Hướng dương ngược nắng), Trâm (Hãy nói lời yêu)…
Trailer phim Cây táo nhở hoa:
Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận các nhà làm phim đã nỗ lực để đem đến sự mới mẻ cho người xem. Nhân vật nữ chính không nhất thiết phải hiền lành, nữ tính mà chuyển sang cá tính, thậm chí có lúc “đầu gấu” như Minh (Hướng dương ngược nắng), Nam (Hương vị tình thân). Những người mẹ trong phim cũng không còn cam chịu, hy sinh mà rất mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ con mình như bà Bạch Cúc (Hướng dương ngược nắng), bà Hoài (Hãy nói lời yêu), bà Sa (Hương vị tình thân), bà Lan (Trói buộc yêu thương).
Tất nhiên không phải cách làm mới nào cũng được lòng khán giả, chẳng hạn việc xây dựng hình ảnh con của phe “tiểu tam” như Minh tài giỏi lấn lướt con phe “chính thất” trong Hướng dương ngược nắng hay nhân vật “người thứ ba” như Diễm Loan, Linh cứ nhơn nhơn không chút hổ thẹn.
Biên kịch Khánh Hà (phim Về nhà đi con, Hương vị tình thân) chia sẻ: “Đề tài gia đình dễ khai thác do chất liệu có nhiều, nhưng cũng vì quen thuộc nên làm khó biên kịch. Chúng tôi phải làm mới cái cũ trên cơ sở ở mỗi thời điểm chọn cách tiếp cận khác nhau, dựa trên sự quan sát ý người xem. Chẳng hạn ngày trước các nhân vật chính thường được xây dựng theo mô-típ hoàn hảo, nhưng nếu làm theo cách này, khán giả không còn thích nữa. Nhân vật hiện nay phải có vấn đề hơn, đa chiều chứ không một màu như xưa”.
Biên kịch Ngọc Bích cũng cho biết: “Quan trọng là tìm ra được góc nhìn mới, lát cắt mới. Như từ trước đến nay, phim gia đình hay xoay quanh vấn đề con cái hiếu thảo, tranh giành thừa kế, ít phim nói về vai trò của người con lớn trong gia đình. Đó là lý do tôi viết Thương con cá rô đồng”.
Trailer Thương con cá rô đồng:
Biên kịch nỗ lực thay đổi cách tiếp cận đề tài, xây dựng nhân vật, còn đạo diễn cũng cố gắng làm mới bằng cách chọn diễn viên. Như cách đạo diễn Võ Thạch Thảo “lột xác” diễn viên Nhã Phương và Thúy Ngân trong Cây táo nở hoa. NSND Thu Hà gây bất ngờ khi rũ bỏ hình ảnh hiền dịu để hóa thân thành một Bạch Cúc sắc sảo, thủ đoạn trong Hướng dương ngược nắng. Hay những sự tái xuất ấn tượng sau nhiều năm vắng bóng của diễn viên Nguyệt Hằng, Trúc Mai (Hãy nói lời yêu), Quách Thu Phương (Đừng bắt em phải quên, Hương vị tình thân).
Bằng những cố gắng làm mới, dòng phim gia đình đã, đang và sẽ duy trì độ nóng trên màn ảnh nhỏ, vì suy cho cùng, mọi vấn đề trong xã hội vẫn xuất phát từ gia đình.
Hương Nhu