Gạo nếp gạo tẻ (ĐD Nguyễn Hoàng Anh, vừa lên sóng HTV2 lúc 20 giờ các ngày trong tuần), một lần nữa tiếp nối dòng phim Việt hóa trên màn ảnh nhỏ. Năm 2017, hầu hết các phim đình đám, có giải thưởng trong và ngoài nước đều có kịch bản từ phiên bản ăn khách của truyền hình các nước. Từ nay đến cuối năm 2018, màn ảnh nhỏ sẽ còn phát sóng nhiều phim Việt hóa khác. Kịch bản nội giờ đếm trên đầu ngón tay.
Chỉ Việt hoá mới gây sốt?
Biên kịch – ĐD Nguyễn Hoàng Anh nói rằng chị đã chỉnh sửa rất nhiều để kịch bản Gạo nếo gạo tẻ phù hợp với văn hóa Việt. Đây cũng là một trong những dự án được D.I.D TV đầu tư chăm chút – sau series phim Cô Thắm về làng.
|
Phim Hàn Quốc vẫn được Việt hóa nhiều nhất trên màn ảnh nhỏ. Trong ảnh là cảnh phim Gạo nếp gạo tẻ.
|
Gạo nếp gạo tẻ vừa lên sóng ba tập đầu tiên, đã thấy những mâu thuẫn kịch tính trong mối quan hệ gia đình. Cốt lõi của câu chuyện bắt đầu từ tình thương thiên vị của mẹ dành cho hai cô con gái, liên đới đến việc phân biệt đối xử với cả hai con rể. Tình huống đặt ra tạo nên chuỗi xung đột xuyên suốt phim.
Phiên bản Việt có lẽ phù hợp với khán giả là các bà nội trợ. Chưa thể nói trước về mức độ có thể “gây sốt” của Gạo nếp gạo tẻ so với phim Sống chung với mẹ chồng trước đó, nhưng cũng có thể nói phim khai thác đề tài ở góc nhìn mới lạ so với nhiều phim truyền hình trước đây.
Trên trường quay, ĐD Phương Điền cũng vừa kết thúc phần ghi hình phim truyền hình Giông bão. Đây lại là kịch bản được chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ có khởi nguồn từ Trung Quốc. Sau hàng loạt phim xưa chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Giông bão là phim hiếm hoi của dòng phim này mang “cốt ngoại hồn nội”.
|
Giông bão - một bộ phim được chuyển thể từ vở Lôi Vũ vừa hoàn tất phần ghi hình
|
Một trong những phim khán giả có thể xem trong tương lai gần nhất là Mối tình đầu của tôi (chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc). Một đơn vị cũng vừa mua bản quyền phim Vì sao đưa anh tới chuẩn bị Việt hóa. Những dự án Việt hóa từ các phim truyền hình ăn khách của nước ngoài này luôn được các nhà sản xuất đầu tư lớn, lựa chọn những gương mặt “sao” của màn ảnh.
Không phải phim nào cũng thành công (chủ yếu bị so sánh và chê như Ngôi nhà hạnh phúc, Glee Việt Nam...). Nhưng sự xuất hiện của những gương mặt diễn viên được yêu thích cùng sự quảng bá rầm rộ, bao giờ các phim này cũng tạo được sự chú ý vượt trội.
ĐD Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam VFC nói rằng phần lớn phim của đơn vị là Việt hóa. Chỉ khác biệt hơn là VFC không chỉ chọn kịch bản Hàn mà khai thác kịch bản từ rất nhiều quốc gia khác nhau, như Người phán xử của Israel, Khúc hát mặt trời của Nhật Bản… Gần như VFC tạo được sức sống khác cho những bộ phim Việt hóa này mà ít bị so sánh, đối chiếu. Một phần không nhiều khán giả xem được phiên bản gốc, mặt khác ê-kip Việt cũng đã tạo được sản phẩm tốt đủ làm vừa lòng người xem.
Tuy nhiên, chính vì các nhà làm phim đều nương vào kịch bản Việt hóa như một cứu cánh, nên màn ảnh nhỏ cũng không khác gì màn ảnh rộng, chủ yếu chỉ có những sản phẩm vay mượn từ nước ngoài. Còn kịch bản Việt đủ sức hấp dẫn ở thời điểm này, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
|
Người phán xử được Việt hóa khá thành công
|
Còn ai làm phim Việt?
Khoảng 5 năm trở lại đây, không khí làm phim truyền hình phía Nam không còn sôi động như trước. Đến cả những đơn vị sản xuất từng được xem là có tiềm lực, chịu trách nhiệm làm phim phát sóng các khung giờ phim Việt cũng đã dần bỏ cuộc.
Sóng Vàng – đơn vị từng sản xuất mỗi năm hàng ngàn tập phim, hiện tại đã chỉ sản xuất nhỏ giọt. Trong khi đó Vietcom film đã chuyển hẳn sang khai thác các chương trình truyền hình. Sena film sau cú vỡ nợ dự án phim Hồ sơ lửa nay đã im hơi lặng tiếng, Sao Thế Giới chuuyển sang “thầu” phát sóng phim tồn kho của TFS. Còn lại lác đác vài tên nhà sản xuất trụ lại với phim truyền hình: Khang Việt, M&T Pictures, CJ Blue…
Diễn viên Vân Trang – gương mặt từng nổi lên từ các phim truyền hình Lối sống sai lầm, Sông dài…sau thời gian kết hôn, sinh con chỉ còn nhận lịch diễn kịch hoặc tham gia sự kiện, dẫn chương trình. Cô cho biết vẫn nhận được lời mời đóng phim truyền hình nhưng lại không gặp kịch bản hay nên hầu như không tham gia. Thay vào đó, cô dành thời gian trống học nâng cao về marketing.
Đội ngũ diễn viên trẻ bổ sung vào phim truyền hình rất nhiều, nhưng qua rồi thời phim Việt có thể làm nổi bật tên tuổi người mới. Nên cho dù nỗ lực đóng phim liên tục, nhiều gương mặt trẻ vẫn cứ “lờ đờ, nhàn nhạt” theo phim. Còn những gương mặt nổi tiếng một thời giờ chuyển sang làm ĐD, nhà sản xuất, kinh doanh, tham gia chương trình truyền hình...
|
Hồ sơ lửa - dự án phim 1.100 tập đã bị bỏ dở...
|
Mang tâm tư muốn làm phim truyền hình cho thiếu nhi, kể từ sau phim Cuộc phiêu lưu mùa hè đã hơn 5 năm trước, nhưng ĐD Nguyễn Minh Cao nói rằng anh hầu như không thể tìm thấy kịch bản nào đủ tâm đắc. “Lẽ nào lại chuyển thể kịch bản từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?” – anh trăn trở.
Các sân chơi truyền hình thực tế, gameshow và hài kịch đã dần chiếm thị phần. Kể cả trẻ nhỏ cũng ngày càng có nhiều sân chơi tài năng. Phim Việt từ lâu đã mất hút phim truyền hình dành cho thiếu nhi – một khoảng trống chừng như không thể nào bù đắp được.
Phim có giải vẫn chìm nghỉm
là phim đã cho diễn viên trẻ Xuân Văn có cơ hội nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Giải Cánh diều 2017, nhưng bộ phim có vẻ như đã chìm nghỉm trong suốt thời gian phát sóng. So với sức hút đình đám của nhiều phim truyền hình VFC, màn ảnh phía Nam gần như nguội dần sự quan tâm của khán giả. Ngay cả bộ phim phản ánh những vấn đế nóng của nông thôn hiện đại Bên kia sông (ĐD Phạm Ngọc Châu, TFS sản xuất, được phát sóng mới đây) cũng không tạo được một chút dư luận.
Xuân Văn trong Lẩn khuất một tên người
Một thế hệ ĐD từng làm nhiều phim truyền hình có dấu ấn trước đây nay cũng “buông tay gác kiếm”, mà nói theo ĐD Phạm Ngọc Châu là nhiều khi muốn làm cũng khó tìm kịch bản hay.
|
Diệp Nguyễn