Phim truyền hình chỉ dành cho các bà nội trợ?

23/02/2019 - 09:00

PNO - Khẳng định giới trẻ không thường xuyên theo dõi phim truyền hình nhưng đạo diễn Võ Việt Hùng cũng cho biết, đối tượng của truyền hình không hẳn chỉ là các bà nội trợ.

Trong thời điểm nhiều đơn vị sản xuất, phát hành phim truyền hình than trời do kinh phí eo hẹp, diễn viên lao đao vì thu nhập thấp, một vấn đề khác được đặt ra rằng phải chăng kịch bản kém hấp dẫn, lối thể hiện cũ kỹ nên lâu dần, người xem hết mặn mà với phim truyền hình?

Đạo diễn Võ Việt Hùng cho biết: “Theo trào lưu công nghệ 4.0, khán giả xem phim tại rạp cũng như trên đài truyền hình sẽ giảm. Nhu cầu sự hưởng thụ cá nhân tăng cao đồng nghĩa với việc giải trí trên mạng. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh không đầu tư vào khâu quảng cáo của đài nữa. Cho nên, không thể nhàn nhàn đưa những tác phẩm dở, không ra gì thậm chí bình thường lên phim. Làm sao có thể đưa hoài một món ăn cho khán giả?”.

Nam đạo diễn cho rằng phải đầu tư vào khâu kịch bản, nội dung. Với phim truyền hình, không cần xuất sắc như bom tấn, siêu phẩm điện ảnh nhưng phải chất lượng, hấp dẫn về mặt nội dung. Và điều tạo nên sức hấp dẫn là kịch bản phim phải gắn với hơi thở cuộc sống như câu chuyện về nạn buôn người, ma tuý đá, gian lận kinh doanh đang gây nhức nhối.   

Phim truyen hinh chi danh cho cac ba noi tro?
Diễn viên Quý Bình đóng vai nam chính trong Trà táo đỏ. Sau 3 năm tạm ngưng diễn xuất để tập trung vào các hoạt động nghệ thuật khác, Quý Bình lo lắng khi đảm nhận vai nam chính.

Thế nhưng, trong một thời gian dài và đến hiện tại, phim truyền hình Việt vẫn đang khai thác những câu chuyện quen thuộc về hình ảnh người phụ nữ bất hạnh, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống; mô-típ mẹ chồng, nàng dâu; tuyến nhân vật chịu nhiều bi kịch vì nghèo khổ, thất thế... Với Trà táo đỏ, bộ phim đang phát sóng lúc 20 giờ trên đài Vĩnh Long 1 từ thứ 2 – thứ 7 cũng là câu chuyện quen thuộc với khán giả: Một cô gái nghèo khó, hiền lành đứng trước hấp lực của đồng tiền và đánh mất bản thân. Về sau, cô gái phải trả giá vì những lỗi lầm đã mang.

Trả lời về việc chỉ khai thác những bi kịch của người phụ nữ, đó có phải là cách để “chiều lòng” những bà nội trợ - khán giả quen thuộc của phim truyền hình, biên kịch Võ Uyên Dung của phim Trà táo đỏ cho biết: “Trong những kịch bản viết cho rất nhiều bộ phim, tôi đều đẩy nhân vật đến tận cùng bi kịch, tận cùng trải nghiệm của một con người rồi nhìn nhận mình, nhìn lại cuộc đời để biết ta đến cuộc đời này để làm gì. Khi viết về một số phận đầy bi kịch, đau thương tôi đều để nhân vật có nhiều sự lựa chọn, nếu chọn cái ác thì cuối cùng bạn sẽ phải trả giá. Tôi cũng khẳng định, kịch bản tôi viết không chỉ dành cho các bà nội trợ mà hướng đến khán giả mọi lứa tuổi”.

Trailer phim Trà táo đỏ:

 

Đạo diễn Võ Việt Hùng của phim cũng nói thêm: “Nội dung gay cấn và có nhiều bi kịch là yếu tố hấp dẫn của một bộ phim. Nếu nói yếu tố này dành cho những bà nội trợ thì không phải. Tôi nghĩ khi phim hấp dẫn thì mọi đối tượng sẽ tò mò tìm đến, hoàn toàn không định hướng phim cho bà nội trợ mà đường dây kịch bản trở thành như thế. Nội dung kịch bản hay hay không hay là nằm ở yếu tố hấp dẫn, bất ngờ và bi kịch trúc trắc”.  

Về việc phải nâng chất lượng phim truyền hình bắt đầu từ nội dung kịch bản, biên kịch Võ Uyên Dung cho rằng việc nâng chất lượng không khó nhưng khó thể thực hiện với nguồn kinh phí eo hẹp.

“Hàn Quốc, Nhật Bản, họ có định hướng lớn, thuộc hàng vĩ mô. Còn với ta, tiền thì nhỏ giọt mà đòi kịch bản hay, đạo diễn tốt, diễn viên tốt thì xin lỗi, bây giờ ê-kíp của chúng tôi không làm việc vì tiền”, biên kịch Võ Uyên Dung cho biết.

Phim truyen hinh chi danh cho cac ba noi tro?
Hình ảnh người phụ nữ lam lũ, chịu nhiều khổ cực quen thuộc với phim truyền hình Việt.

Nữ biên kịch lấy ví dụ về kinh phí thực hiện phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng trên đài VTV3. Mỗi tập, kinh phí bỏ ra từ 300 – 500 triệu thì chỉ cần 1 nửa số tiền đó, biên kịch Võ Uyên Dung khẳng định chất lượng Trà táo đỏ sẽ được nâng lên gấp nhiều lần.

Thực tế, có rất nhiều dự án kinh phí eo hẹp nhưng sức bật nội dung vượt trội, tác động đến người xem mạnh mẽ. Nhiều dự án truyền hình được đầu tư "khủng" nhưng kịch bản thì ngô nghê, nhiều sạn và phim không có dấu ấn gì.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI