Văn hóa nghệ thuật 2022: Trỗi dậy mạnh mẽ nhưng chưa đủ sức chuyển mình

Phim trên màn ảnh nhỏ và cuộc đổi ngôi ngoạn mục

26/12/2022 - 07:25

PNO - Phim do ê kíp phía Nam thực hiện đạt rating cao hơn những phim truyện giờ vàng của VTV, phim thuần Việt không còn bị lép vế so với phim remake. Đó là những đổi thay nổi bật trên màn ảnh nhỏ năm nay. Dòng phim bộ độc quyền trên các nền tảng mạng cũng bắt đầu tạo dấu ấn, chứ không còn mờ nhạt như trước.

Nhanh chóng thích nghi với nhịp sống mới, uyển chuyển ứng dụng lợi thế của thời đại 4.0, văn hóa nghệ thuật đã bắt nhịp trở lại nhưng chưa có những bước chuyển mình đầy lạc quan.

Nhiều điểm mới 

Nếu năm 2021, dòng phim remake làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ 2 miền với 2 đại diện đình đám là Hương vị tình thân, Cây táo nở hoa, thì năm nay chỉ có phim remake Thương ngày nắng về tạo tiếng vang. 2 phim Giấc mơ của mẹ (HTV2) và Hành trình công lý (VTV3) không thể “tạo sóng” như kỳ vọng. Bù lại, dòng phim kịch bản gốc của Việt Nam lại được yêu thích như Lối về miền hoa, Anh có phải đàn ông không, Gara hạnh phúc, Duyên kiếp, Rồi 30 năm sau, Nơi ngọn gió dừng chân, và gần đây là Mẹ rơm

Phim Trại hoa đỏ của Victor Vũ được đầu tư không thua gì một phim điện ảnh
Phim Trại hoa đỏ của Victor Vũ được đầu tư không thua gì một phim điện ảnh

Ngạc nhiên hơn cả là sự lên ngôi của phim truyền hình phía Nam. Nhiều năm nay, phim phía Bắc luôn thống trị màn ảnh nhỏ. Nhiều cơn sốt phim truyền hình cũng đều đến từ những sản phẩm do VFC sản xuất. Nhưng từ đầu năm đến nay, phim do ê kíp phía Nam thực hiện đã lội ngược dòng ngoạn mục, chiếm lĩnh tình cảm người xem. Rating phim Nơi ngọn gió dừng chân vượt qua phim truyền hình đình đám Thương ngày nắng về Đấu trí. Phim nối sóng là Duyên kiếp tiếp tục qua mặt 2 phim giờ vàng của VTV Gara hạnh phúc, Đấu trí. Mẹ rơm được đánh giá cao, trong khi phim Hành trình công lý ngày càng bị chê. 

Một thay đổi đáng khen nữa ở phim truyền hình năm nay, là tuy vẫn xoay quanh chủ đề gia đình hay bối cảnh nông thôn, nhưng các phim có góc nhìn, cách khai thác mới. Chẳng hạn, cũng là đề tài gia đình, nhưng phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ có góc khai thác tâm lý đầy khác biệt với những bộ phim trước đây, khi xoáy vào những khía cạnh của hôn nhân, sau hôn nhân, những khó xử của người trong cuộc. Phim Lối về miền hoa cũng nói chuyện về nông thôn, nhưng đề cập cuộc sống của những người trẻ, chứ không như những phim nông thôn trước đây chỉ xoay quanh chuyện về người trung niên, lớn tuổi, chuyện đất đai, làn sóng đô thị hóa. Phim Anh có phải đàn ông không? khai thác tâm tư nỗi niềm của cánh mày râu - một vấn đề ít được đề cập trên phim. Phim Đừng làm mẹ cáu lần đầu bàn đến cuộc sống của những người mẹ đơn thân. 

Phim Thương ngày nắng về
Phim Thương ngày nắng về

Phim bộ độc quyền tạo ấn tượng 

Cuộc đua kéo khách trên nền tảng mạng bắt đầu căng thẳng hơn kể từ năm nay. Thể hiện qua sự xuất hiện của nhiều bộ phim độc quyền được đầu tư khủng, phát trên các kênh truyền hình trả tiền. Galaxy Play và K+ là 2 đơn vị có nhiều tham vọng nhất trong lĩnh vực này. Trong đó Galaxy Play công bố danh sách hơn 20 phim bộ độc quyền ra mắt trong năm, với số vốn lên tới cả trăm tỉ đồng. Không chỉ nhiều về số lượng, chất lượng phim bộ độc quyền cũng được Galaxy Play chú trọng, với điểm nhấn là dòng Premium Original Series (Phim bộ độc quyền cao cấp).

Trước mắt, đơn vị này bắt tay với Mar6 Studios của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito sản xuất Phim bộ độc quyền cao cấp đầu tiên: Tứ đại mỹ nhân với dàn sao hạng A Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Jun Vũ, Phương Anh Đào. Cả hai Galaxy Play và K+ đều bắt tay với những đạo diễn điện ảnh, nhằm đưa tác phẩm đạt chuẩn tương đương phim chiếu rạp. 

Phim giấc mơ của mẹ
Phim Giấc mơ của mẹ

Hiệu quả của sự hợp tác này được thấy qua phim Trại hoa đỏ của K+ do Victor Vũ đạo diễn. Sản phẩm đầu tiên của anh ở mảng phim dài tập gây ấn tượng mạnh ở sự đầu tư chỉn chu, chất lượng hình thức và nội dung ăn đứt nhiều phim nội chiếu rạp trong năm. Sau Trại hoa đỏ, xê ri phim Bếp trưởng tới của K+ cũng gây choáng váng về sự chịu chi, khi không ngại đầu tư các vật dụng, kệ tủ lưu trữ, thiết bị bếp đúng chuẩn. Các món ăn trong phim do các đầu bếp trứ danh phụ trách, trong đó có món trị giá đến 50 triệu đồng.

Ngoài Galaxy Play và K+, Viettel Media cũng đang là đơn vị mới nổi trong lĩnh vực phim bộ trực tuyến, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cuộc chiến căng thẳng trong thời gian tới, giữa những đơn vị kinh doanh mảng này. Bộ phim Hoa hồng giấy của hãng đang lọt tốp 10 phim truyền hình được xem nhiều nhất trên Netflix. Phim là một trong những sản phẩm nằm trong chiến lược sản xuất nội dung chất lượng cao, trị giá 10 triệu USD của Viettel Media. 

Sitcom Nhỏ to chốn văn phòng:

 

Sitcom Nhỏ to chốn văn phòng - xê ri đầu tiên được phát song song trên nền tảng Danet và Netflix - sau hơn 1 tháng ra mắt, đã lọt tốp nhiều hạng mục nổi tiếng trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến. Còn trên nền tảng Danet, phim thường xuyên lọt tốp 2 phim có người xem nhiều nhất.

Thị trường kinh doanh phim trực tuyến mới phát triển mạnh chỉ 2 năm trở lại đây. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến. Đến nay, cho dù chưa thể lấy cước phí khán giả để bù đắp kinh phí sản xuất, song các đơn vị vẫn chấp nhận chịu thiệt trong thời gian ngắn để đi đường dài, vì đây là xu thế giải trí mới. Cuộc chạy đua sản xuất phim bộ độc quyền với chất lượng điện ảnh đã, đang và sẽ là hướng đi lâu dài. Điều này giúp các tác phẩm dài tập trên màn ảnh nhỏ được nâng cao chất lượng. 

H.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI