Thời mà các nhà làm phim tư nhân đã tự lập và khẳng định vị thế cả trong và ngoài nước, thì “phim nhà nước” vẫn còn mang những khái niệm “bầu sữa ngân sách”, “phim cúng cụ” - cứ đầu tư lớn rồi sống chết mặc phim.
Cao hơn bầu trời: 50 tỷ đồng, 5 năm và... 1 tập
Sau gần năm năm kể từ ngày khởi quay, bộ phim Cao hơn bầu trời (dài 50 tập, do công ty TNHH MTV Phim Giải phóng thực hiện, được sự hỗ trợ của Tổng cục chính trị và Quân chủng Phòng không - Không quân) mới được lên sóng. Nhưng mừng đâu chưa thấy, chỉ sau tập đầu tiên (phát lúc 14g, ngày 7/11, trên kênh VTV9, dự kiến phát định kỳ từ thứ Hai đến thứ Sáu ở khung giờ này), phim đột ngột… xuống sóng. Nhà đài giải thích, phim tạm ngưng phát vì “APEC”. Thay vào đó là bộ phim dài tập của Hàn Quốc - Cô ấy thật tuyệt.
|
Phim Cao hơn bầu trời được đầu tư đến 50 tỷ đồng, nhưng làm ì ạch suốt 5 năm, lặng lẽ lên sóng 1 tập rồi… ngưng
|
Diễn viên Thiên Bảo - vai nam chính trong phim, ngậm ngùi nói anh cũng không hiểu vì sao một bộ phim được đầu tư lớn, lần đầu làm về cuộc chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - năm 1972 lại bị đối xử như vậy.
Trước ý kiến cho rằng phim bị dừng có thể vì phần kỹ xảo chưa tốt, nội dung chưa thuyết phục, đạo diễn (ĐD) Trần Ngọc Phong khẳng định: “Nội dung, kỹ xảo được hội đồng duyệt phim của Cục điện ảnh, các đơn vị hỗ trợ, đặt hàng xem qua và cho đánh giá tốt. Lịch chiếu được dời có thể đến 24/11. Hợp đồng phát sóng với nhà đài được ký rõ ràng cả rồi, chỉ là thời gian phát sóng chậm trễ một chút. Nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận rằng đây là không phải là phim dễ dàng thu quảng cáo, nên không mong chờ Cao hơn bầu trời được xếp vào những khung giờ vàng khác của VTV”.
Ngày Cao hơn bầu trời lên sóng, ĐD Trần Ngọc Phong bày tỏ trên trang cá nhân: “Phim này mình làm ĐD hậu kỳ, nói nôm na là mình làm việc nhặt nhạnh những viên gạch trong đống đổ nát để xây lại từng ngôi nhà, khi mà những người “chủ thầu” tiền nhiệm đã tiêu sạch tiền làm phim, để lại một đống xà bần và nợ nần”.
Anh chia sẻ: “Khi đến tay tôi thì phim không còn một đồng kinh phí nào cả. Tôi và ê-kíp phải vận động kinh phí xã hội hóa. Cũng may là chi phí cho khâu hậu kỳ không đáng kể, chủ yếu là chúng tôi bỏ công mà làm”.
ĐD Trần Ngọc Phong chỉ lo phần hậu kỳ cho phim, còn ĐD chính là Lê Ngọc Linh, nhưng người đầu tiên được chọn giao dự án Cao hơn bầu trời lại là ĐD Xuân Cường. Ê-kíp của ĐD Xuân Cường quay được mấy tập đầu rồi ngưng, ĐD Lê Ngọc Linh nhận nhiệm vụ phải quay lại từ đầu.
Theo ĐD Lê Ngọc Linh, phần phim thô đã được giao đúng tiến độ yêu cầu (tức vào năm 2013). Cùng năm này xảy ra lùm xùm kiện tụng - biên kịch Phạm Thùy Nhân tố công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng không trả đủ tiền thù lao chỉnh sửa kịch bản (kịch bản gốc của đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc).
|
Cao hơn bầu trời khai thác giai đoạn lịch sử Điện Biên Phủ từ năm 1965-1975 |
Sau đó, công ty Phim Giải Phóng được cổ phần hóa thành công ty cổ phần Phim Giải Phóng, quay phim Đặng Phúc Yên lên vị trí giám đốc, thay cho ông Nguyễn Thái Hòa. Trở thành công ty cổ phần cũng là lúc những người lãnh đạo mới phải đối diện với tình cảnh nợ nần chồng chất từ người tiền nhiệm - đổ nợ đến mức phim được đầu tư gần 50 tỷ đồng mà không có cả chi phí làm kỹ xảo.
“Điện ảnh nhà nước toàn bị ăn xén ăn bớt thì làm sao mà có phim hay được” - một diễn viên ca thán. “Chừng nào còn tư duy bao cấp thì sẽ còn đủ chuyện. Phải làm thế nào thay đổi tư duy bao cấp thì mới thay đổi được bộ mặt điện ảnh bao cấp này” - ĐD Trần Ngọc Phong ngậm ngùi.
Phim nhà nước chỉ bỏ kho?
Dù thời điểm phát sóng bị chậm trễ, phim truyền hình quốc doanh vẫn đến được với công chúng vì phát miễn phí. Cái đáng bức xúc trong vấn nạn phim quốc doanh nằm ở những bộ phim điện ảnh tiền tỷ ế khách. Khi soi chênh lệch giữa tiền đầu tư và tiền bán vé, sự lãng phí càng lộ rõ.
Trong số những bộ phim tiền tỷ của điện ảnh quốc doanh, Những người viết huyền thoại (vốn 10 tỷ đồng) và Mỹ nhân (vốn 16 tỷ đồng) là hai phim thu được tiền nhiều nhất: đạt… nửa tỷ đồng; các phim còn lại, doanh thu chỉ mang tính tượng trưng, thậm chí Sống cùng lịch sử hầu như không có người xem khi mang ra chiếu thương mại. |
Nhìn lại những bộ phim điện ảnh quốc doanh tốn kém “khủng” mà không khỏi xót xa vì thời gian càng về sau nguồn tiền càng tăng: Đất nước đứng lên (1995 - 1,9 tỷ đồng), Tổ quốc tiếng gà trưa (1996 - 2,5 tỷ đồng), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997 - 3,4 tỷ đồng), Bông sen (1998 - 4 tỷ đồng), Hà Nội 12 ngày đêm (2002 - 7 tỷ đồng), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (2003 -15 tỷ đồng), Cầu Ông Tượng (2005 - 16 tỷ đồng), Sống cùng lịch sử (2014 - 21 tỷ đồng). Tất nhiên việc tăng này có yếu tố trượt giá, nhưng tựu trung, các phim bạc tỷ này đều thiếu vắng người xem.
Thật khó đòi hỏi điều gì ở một bộ phim mà ngay từ khâu kịch bản đã xác định là làm vì mục đích tuyên truyền chứ không đầu tư chất lượng, nghệ thuật nhằm bán được nhiều vé. Nhưng thước đo của một tác phẩm chính trị cũng nằm ở chỗ phim tuyên truyền đến được với bao nhiêu khán giả.
|
Phim Mỹ nhân được đầu tư 16 tỷ đồng và thu về được... nửa tỷ đồng |
Xét theo tiêu chí này, phim Nhà nước hoàn toàn thất bại vì không coi trọng công tác quảng bá, thể hiện qua việc không tính chi phí phát hành vào quá trình làm phim. Kết quả là không ai biết gì về phim trước khi chiếu. Kể cả những phim được đánh giá cao như Tâm hồn mẹ, Những người viết huyền thoại, Người trở về cũng khó thu hút khán giả.
Kinh phí marketing của các phim tư nhân trong nước luôn lên đến con số tỷ đồng - chiếm 30% - 50% chi phí sản xuất, còn phim Nhà nước tốn bạc tỷ để làm nhưng tiền PR lại nhỏ giọt. Chi phí quảng bá của Sống cùng lịch sử là 50 triệu đồng, và 10 triệu đồng cho Những người viết huyền thoại.
Hai năm nay, dòng phim truyện Nhà nước đặt hàng không còn được sản xuất, dù trên giấy tờ thì năm 2015 và 2016 đã có bốn kịch bản được duyệt là Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo, Xã tắc. Nguyên nhân do thông tư hướng dẫn đấu thầu làm phim, trải qua chục năm thảo luận, vẫn chưa được các ban ngành thông qua nên Bộ Tài chính không cấp kinh phí nữa.
Đây được xem là quyết định sáng suốt vì không lý gì tiền thuế của nhân dân cứ mãi bị chi vô tội vạ cho những dự án kém hiệu quả. Phương thức đấu thầu làm phim chắc chắn sẽ có trong tương lai, nhưng liệu đó có phải là lối thoát để giúp những bộ phim Nhà nước tài trợ thoát khỏi cảnh “đắp chiếu, bỏ kho”? E là không, bởi chỉ khi nào tư duy về phim đặt hàng chưa thay đổi, vẫn chỉ cố nặn ra những bộ phim kỷ niệm theo thời vụ và không chú trọng công tác phát hành thì khả năng là sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ.
Xếp xó rồi lãng quên
|
Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
|
Vụ phim truyền hình đầu tư “khủng” rồi xếp xó đau đớn nhất có lẽ là phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Dự án được thực hiện nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với kinh phí sản xuất 109 tỷ đồng. Phim chỉ được chiếu vài tập thẩm định rồi ngưng.
VTV cũng hủy lịch phát sóng phim này trước phản ứng dữ dội của công chúng về việc phim quá giống Trung Quốc - từ bối cảnh đến trang phục. 109 tỷ đồng đổ sông đổ bể, chỉ còn lại bài học kinh nghiệm xương máu cho những người làm nghề.
Diệp Nguyễn - Nguyễn Ngọc