Phim tết Canh Tý - không còn “tư duy truyền thống”
Không sợ “xui”, không “kiêng cữ”, nhiều phim Việt chiếu rạp tết năm nay thoải mái đưa vào những hình ảnh hồn ma, máu me, chết chóc, nước mắt… Một số phim khác đi tìm sự mới mẻ bằng việc khai thác mô-típ lạ nhằm mang đến cho khán giả những trải nghiệm chưa từng thấy trong phim Việt. Bốn phim ra rạp dịp cao điểm tết (Ba mươi tết và mùng Một), và hai phim ra rạp sau đó một tuần, hứa hẹn một mùa phim tết đa màu sắc và nhiều vị lạ.
Đi ngược truyền thống
Nhắc đến phim tết là nhắc đến những bộ phim có gia vị chủ đạo là hài, nhưng thành công doanh thu của phim tết năm ngoái Cua lại vợ bầu, một tác phẩm tình cảm lấy nước mắt người xem, thậm chí còn không “kiêng cữ”, đưa vào luôn cảnh đụng xe máu me có lẽ đã khiến tư duy phim tết năm nay có thay đổi. Các nhà làm phim mạnh dạn chạm đến những điều trước giờ truyền thống phim tết không có, mà một trong những thử nghiệm đó chính là việc tung ra phim kinh dị ngay ngày đầu năm mới.
|
Sự xuất hiện của Đôi mắt âm dương mang tính đột phá mùa phim tết vì không mang màu sắc tươi tắn như truyền thống phim tết |
Đôi mắt âm dương (đạo diễn Nhất Trung, khởi chiếu ngày 25/1, mùng Một tết) là một phim tết khác biệt nhất so với các phim tết còn lại, khi lấy kinh dị làm yếu tố chủ đạo. Chuyện phim kể về nữ họa sĩ Trang sau một tai nạn bị mất trí nhớ bỗng có khả năng kỳ lạ: nhìn thấy được những hồn ma. Không khí, màu sắc phim phảng phất nét bí ẩn, u tối, nhiều cảnh hù dọa thót tim với tạo hình những hồn ma tóc tai rũ rượi, máu me bê bết.
Trong khi yếu tố kinh dị là điểm nhấn của Đôi mắt âm dương, thì ở Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, khởi chiếu ngày 31/1), kinh dị chỉ mang tính điểm xuyết cho câu chuyện phim mang màu sắc lãng mạn giả tưởng. Phim kể về Linh (Khả Ngân thủ vai), một nữ sinh sống ở Đà Lạt phát hiện trong căn biệt thự cổ mà cả gia đình cô mới chuyển về có một “người lạ” đến từ cõi âm. Sau thời gian sống chung với linh hồn nam kia, giữa hai người nảy sinh tình cảm.
Chia sẻ về quyết định mạo hiểm đưa phim kinh dị vào mùa tết, đạo diễn Nhất Trung cho biết: “Năm ngoái sau buổi chiếu ra mắt phim Cua lại vợ bầu, nhiều người lo lắng cho tôi khi ngày tết mà làm phim nhiều cảnh nước mắt, máu me. Nhưng tôi phải đưa vào những điều đó để đi tới một thông điệp muốn truyền tải: cái gì của mình mà mình không giữ thì sẽ mất. Rốt cuộc Cua lại vợ bầu thắng lớn, cho thấy sự thay đổi đó là điều tích cực, nên năm nay tôi mạnh dạn hơn với Đôi mắt âm dương. Bản chiếu tại Việt Nam là bản dựng “dễ xem” nhất cho ngày tết, vì đã cân bằng các yếu tố kinh dị - hài hước - cảm xúc. Còn bản chiếu ở thị trường quốc tế sẽ khác, tăm tối hơn, nhiều góc khuất hơn. Tôi nghĩ dù thể loại nào, phát hành vào mùa nào, thì cứ làm phim tốt trước đã, nhất định khán giả sẽ ủng hộ”.
Cười có thông điệp
Vẫn lấy hài hước làm yếu tố chủ đạo là các phim 30 chưa phải tết, Gái già lắm chiêu 3, Tiền nhiều để làm gì và Bí mật đảo linh xà, nhưng ở mỗi phim có sự khác biệt từ mô-típ, thông điệp, cho đến quy mô đầu tư. 30 chưa phải tết (đạo diễn Quang Huy, khởi chiếu ngày 25/1) được chú ý nhất, vì mọi người tò mò với sự trở lại và thay đổi phong cách diễn của cây hài Trường Giang sau thành công của phim tết 2018 Siêu sao siêu ngố.
Trailer phim Tiền nhiều để làm gì?:
Trong phim anh vào vai Hân, một chàng trai bỏ quê lên Sài Gòn, mang theo mối hận với người cha, và sau đó quay trở về để tranh giành gia tài. Điểm mới của phim nằm ở mô-típ vòng lặp thời gian, khi mà Hân phải sống lặp đi lặp lại trong thời điểm ngày 30 tết. Đây là mô-típ ấn tượng thường thấy trong phim Mỹ như Edge of Tomorrow, Happy death day, nhưng chưa từng xuất hiện trên màn ảnh Việt. Theo đạo diễn Quang Huy, 30 chưa phải tết tràn ngập tiếng cười, nhưng bên cạnh đó vẫn có những khoảnh khắc lắng đọng để chuyển tải thông điệp ngày tết đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, sự đoàn viên, lòng hiếu đạo.
Gái già lắm chiêu 3 (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, khởi chiếu ngày 25/1) khai thác mô-típ con nhà giàu với việc mô tả cuộc sống xa hoa của một gia đình thượng lưu ở Huế. Thuộc thể loại tình cảm hài xoay quanh những góc khuất đằng sau sự xa hoa, phù phiếm và mâu thuẫn của những người phụ nữ xinh đẹp, sang chảnh trong một gia đình giàu có, phần mới nhất của Gái già lắm chiêu được đầu tư lên đến 20 tỷ đồng để mang đến cho người xem trải nghiệm về sự hào nhoáng, phù phiếm, cầu kỳ lần đầu tiên xuất hiện trong phim Việt.
Cũng có nhân vật trung tâm là những người giàu như Gái già lắm chiêu 3, nhưng Tiền nhiều để làm gì (đạo diễn Lưu Huỳnh, khởi chiếu ngày 30/1) không chú trọng mô tả cuộc sống phô trương xa xỉ, mà chỉ thông qua câu chuyện trào phúng về ba đại gia buôn gỗ lậu lập mưu giết thần chết nhằm thoát chết, để đề cập đến vấn đề thời sự: nạn phá rừng, biến đổi khí hậu - một chủ đề xã hội gai góc ít thấy trong phim tết. Riêng phim hành động giả tưởng Bí mật đảo linh xà (đạo diễn Diệp Thiên Hành - Nguyễn Duy Võ Ngọc, khởi chiếu ngày 24/1) có yếu tố mới lạ ở việc lần đầu tiên có một phim tết quy tụ dàn diễn viên Việt Nam và Hồng Kông.
Chỉ ít ngày nữa, đường đua phim tết sẽ mở màn và dự báo sẽ có sự cạnh tranh gay gắt. Thông thường nếu một mùa tết chỉ có hai phim Việt, thì khả năng cao là hai phim cùng thắng. Nhưng nếu từ ba phim trở lên sẽ có sự phân hóa doanh thu rõ rệt. Ăn khách hay không ăn khách thì chí ít cũng phải ghi nhận sự thay đổi tích cực của mùa phim tết năm nay, khi mà nhà làm phim nào cũng nỗ lực đem lại yếu tố mới lạ, giúp phim tết thoát khỏi định kiến chỉ là phim hài nhảm.
Kịch tết - đa sắc với những điểm nhấn khác biệt
Kịch tết Canh Tý - 2020 không nhiều về số lượng nhưng vẫn đủ phong cách, sắc màu khác nhau. Một điều rất đặc biệt, năm nay kịch tết có khá nhiều vở mang nội dung xoay quanh những câu chuyện gia đình, về giá trị của tình yêu thương ruột rà, và cả những gam màu khá lạ trong nỗ lực kéo khán giả trở lại với sân khấu.
Gia đình là chốn yêu thương
Mang nhiều yếu tố của vở náo kịch nhưng Giao kèo sống thật (tác giả: Nguyễn Sơn, đạo diễn: Tuyết Mai) của Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ vẫn ẩn chứa thông điệp ý nghĩa về cách thương yêu của cha mẹ dành cho con cái. Sự bảo bọc thái quá của cha mẹ đôi khi có thể biến tình yêu thương thành chiếc lồng son, giam cầm chính những đứa con. Con cái không thể cảm nhận được tình yêu cha mẹ dành cho mình, mà còn cảm thấy xa cách với đấng sinh thành. Đó cũng là nguồn cơn của những xung đột gia đình.
|
Giao kèo sống thật, vở náo kịch rộn rã tiếng cười, ẩn chứa nhiều thông điệp gần gũi về mối quan hệ cha mẹ và con cái |
Có cái tựa khá ngộ nghĩnh Ác nhân cốc (tác giả: Xuân Huy Hoàng, đạo diễn: Tuấn Khôi) của sân khấu Idecaf kể câu chuyện hài hước về gia đình ba thế hệ ở một khu phố lao động. Sự hỗn độn ở gia đình bà Lon khiến những người “mới quen” sẽ phải hốt hoảng xách dép bỏ chạy. Nhưng khi hiểu từng con người tưởng rất ồn ào, vô tổ chức đó, vẫn thấy họ thật đáng yêu bởi cái nghĩa, cái tình họ dành cho nhau. Có đủ yêu thương, họ mới cùng nhau vượt mọi thử thách; bao dung với mọi lỗi lầm, dù để tha thứ, họ có thể sẽ phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình.
Cùng khai thác thông điệp ý nghĩa từ gia đình, câu chuyện Chuyện cũ mình bỏ qua (tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo) của sân khấu Thế Giới Trẻ xoay quanh gia đình ông Hai và đôi trẻ yêu nhau Liên - Dũng, như lời khẳng định: tình yêu chân thật, không toan tính sẽ chiến thắng mọi “âm mưu” phá bĩnh, và dẫu có nhiều biến cố, hờn giận, thì gia đình vẫn là nơi chốn yêu thương của mỗi người.
Những sắc màu lạ
Sự xuất hiện trở lại của tác giả Lê Hoàng với kịch bản Mưu bà Tú ở mùa kịch tết Canh Tý là điểm nhấn đặc biệt. Vẫn lối kể châm biếm, Mưu bà Tú (đạo diễn: Vũ Minh) đặt góc nhìn hài hước về nhiều vấn đề xã hội: hoa hậu hành nghề môi giới mại dâm; một bộ phận giới trẻ dễ dàng bị cám dỗ trước những giá trị vật chất, và sẵn sàng làm mọi việc để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình, từ thỏa hiệp “lái máy bay”, đến tự bán mình vào những động mại dâm trá hình; những “anh hùng ra tay cứu mỹ nhân”…
|
NSƯT Thành Lộc và DV Hương Giang ăn ý trong nhân vật bà Tú và Anh Thư |
Một tình yêu chân thật thời nay liệu có còn? Có những tình yêu, sự hy sinh cho người mình yêu ngỡ là cao cả, nhưng chỉ đến khi bị đặt trước những lựa chọn, thì cái tôi cá nhân bao giờ cũng là kẻ chiến thắng. Mọi sự hy sinh, ra tay cứu giúp người mình yêu thương, hóa ra đôi khi chỉ là phút bốc đồng, hay cách tự tô vẽ hình ảnh cho chính mình. Lời kịch sắc sảo hệt như tính cách thường thấy của đạo diễn Lê Hoàng, khi bày tỏ quan điểm trước những vấn đề của xã hội. Nghe để bật cười thích thú, nhưng rồi sẽ phải suy ngẫm rất nhiều khi bước chân ra khỏi khán phòng.
Câu chuyện kể về những gia đình ở một vùng quê sông nước miền Tây, nhưng Tía ơi con lấy chồng (tác giả - đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc) lại là một gam màu khá đặc biệt. Ở đó không chỉ có tình yêu trắc trở giữa Gái Lớn (con gái ông Năm) với Vũ (con trai bà Sáu), mà còn là tình yêu “khác lạ” giữa Út Nhỏ (con trai ông Năm) và Hùng, một người bạn ở thành phố. Đây là một trong số những vở diễn đề tài đồng tính hiếm hoi khai thác tình yêu đồng giới khá cảm xúc với nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là tâm trạng lo lắng, hoảng loạn của những người trong cuộc, khi bị đặt vào tình thế phải công khai chuyện tình cảm của mình với người lớn trong gia đình. Là phản ứng, sự hụt hẫng của bậc làm cha mẹ khi đặt hết kỳ vọng vào con cái; là sự “giằng co” giữa chấp nhận hay phản đối tình yêu đồng giới của những người xung quanh.
NSƯT Hữu Quốc một lần nữa khẳng định khả năng và độ nhạy cảm trong dàn dựng. Rất tinh tế xây dựng lớp diễn tình yêu giữa hai nam thanh niên, người xem vẫn cảm nhận được ở đó sự lãng mạn của tình yêu, và chợt thấy thông cảm hơn với những mối tình bị mắc kẹt bởi dư luận, bởi những ánh nhìn kỳ thị của cộng đồng.
Những vở kịch tết rộn rã tiếng cười và những câu chuyện gần gũi với đời sống đã sẵn sàng, hứa hẹn mùa sôi động của sân khấu kịch nói thành phố.
|
Thảo Vân - Hương Nhu