edf40wrjww2tblPage:Content
Với năm phim Việt và bốn phim ngoại ra rạp, mâm cỗ mùa Tết cũng ê hề như năm ngoái, nhưng không phim nào chạm đến được những con số ấn tượng như 62 tỷ đồng của Nhà có năm nàng tiên hay 60 tỷ đồng của Mỹ nhân kế như Tết 2013. Bộ phim Tết đông khách nhất năm nay là Cô dâu đại chiến 2, theo thông tin từ nhà sản xuất kiêm phát hành Galaxy thì hiện đã vượt qua con số 40 tỷ đồng. Phim Năm sau con lại về thu 30 tỷ (8/2). Ba phim còn lại Hai Lúa, Cưới chạy và Cuộc chiến với chằn tinh chưa công bố thông tin tiền vé.
Trước Tết, cứ ngỡ với việc số cụm rạp được mở ra nhiều hơn, phim Việt chiếu Tết sẽ dễ dàng đạt doanh thu “khủng” nhưng điều đó đã không xảy ra. Việc doanh thu phim Việt chiếu Tết 2014 sụt giảm không hẳn vì do tăng một phim so với năm trước khiến thị phần bị chia nhỏ thêm mà cái chính là do phim Tết năm nay quá đơn điệu, nhàm chán. 4/5 phim đều là hài! Màn ảnh thiếu hẳn những thể loại từng có ở những mùa Tết trước như phim ca nhạc Giải cứu thần chết (Tết 2009), Những nụ hôn rực rỡ (Tết 2010); phim kinh dị Khi yêu đừng quay đầu lại (Tết 2010), Lời nguyền huyết ngải (Tết 2012); cổ trang-dã sử như Thiên mệnh anh hùng (Tết 2012). Phim Cuộc chiến với chằn tinh dù thuộc thể loại cổ trang nhưng không thể tính vào, vì không phải là tác phẩm được sản xuất cho Tết 2014 mà do trục trặc trong khâu phát hành từ dịp Tết 2013 nên mãi năm nay mới tìm được ra rạp.
Những thử nghiệm định dạng 3D như từng có ở phim Tết 2011 Bóng ma học đường, phim Tết 2013 Mỹ nhân kế cũng không có. Sự nghèo nàn còn thể hiện ngay trong khâu đầu tư cho bối cảnh, phục trang của các phim. Nếu các mùa Tết trước, những bộ phim Những nụ hôn rực rỡ, Thiên mệnh anh hùng hay Mỹ nhân kế khiến khán giả trầm trồ với những thước phim mô tả cảnh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng, những góc quay sáng tạo hoặc những bộ trang phục được thiết kế cầu kỳ, đẹp mắt thì bối cảnh phim Tết năm nay thu hẹp lại với nhà cửa, phố xá ở đô thị hoặc làng quê. Hiếm hoi là phim Hai Lúa chịu khó sang tận Campuchia ghi hình nhưng do phong cách làm phim đậm chất truyền hình hơn điện ảnh nên người xem chẳng cảm nhận được hiệu quả về mặt hình ảnh.
Chất lượng phim Cưới chạy khiến khán giả...bỏ chạy
Hình thức đã vậy, nội dung phim Tết 2014 lại càng kém các năm trước. Cô dâu đại chiến 2 dù là tác phẩm vượt trội nhất nhưng so với phần một nói riêng và những sản phẩm của đạo diễn Victor Vũ từ trước đến nay nói chung thì hoàn toàn thua sút. Phim Năm sau con lại về tuy thông điệp đậm tính nhân văn nhưng kết cấu phim rời rạc, cốt truyện đơn giản, lối kể dài dòng, tính cách nhân vật được khắc họa sơ sài cộng thêm kiểu gây cười bằng cách tạo hình quá xưa cũ (thể hiện rõ nhất là hóa trang đầu tóc của các nhân vật giang hồ).
Phim Hai Lúa khá hơn một chút khi thỉnh thoảng xen được những tình huống kịch tính, tuy nhiên, cũng như Năm sau con lại về, khó có thể coi Hai Lúa là một tác phẩm điện ảnh mà giống như một màn tấu hài kéo dài hoặc một tập phim truyền hình hài thì đúng hơn. Hai gương mặt nữ được chờ đợi trong phim là hoa hậu Diễm Hương và ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi gây thất vọng hoàn toàn khi một người (Diễm Hương) thì giọng thoại không cảm xúc, nét diễn đúng nghĩa “bình hoa di động” (cũng khó đòi hỏi gì hơn khi đây là lần đầu cô đóng phim), còn người kia (Phương Mỹ Chi) thì phô diễn giọng hát không đúng lúc làm người xem bật cười vì cách xử lý tình huống của đạo diễn hết sức giả tạo. Riêng phim Cưới chạy thực sự như một gáo nước lạnh dội vào mặt khán giả vì cảnh trí quá đơn giản, dựng phim cẩu thả, âm nhạc sử dụng hỗn tạp, xây dựng tính cách nhân vật vô duyên, đầy rẫy những tình tiết phi lý.
Cuộc chiến với chằn tinh - bộ phim được xem là bất ngờ của mùa phim Tết năm nay - tuy được làm chỉn chu, tâm huyết, đầu tư công phu về bối cảnh, trang phục; ý tưởng mới lạ; diễn viên diễn tốt nhưng lại cũng mắc điểm yếu trong khâu kể chuyện là dàn trải, lê thê. Kỹ xảo 3D của phim chưa thật mượt mà như mong đợi.
Khán giả Việt Nam lâu nay vốn dễ tính, huống hồ chi với dòng phim “bánh mứt” như phim Tết thì người xem càng không quá câu nệ. Tuy nhiên, khi bỏ tiền ra ủng hộ phim Việt, ít nhất khán giả cũng phải được thưởng thức những tác phẩm đáng với đồng tiền. Rõ ràng chính những người làm phim đang tự giết mình khi vẫn giữ cách làm chạy theo mùa vụ.
Nguyễn Ngọc