Phim tâm lý hình sự “được mùa”

07/05/2024 - 07:39

PNO - Kịch bản phim dựa trên những vụ án có thật, xoáy vào góc độ tâm lý tội phạm, cập nhật thêm các vấn đề thời sự là những yếu tố duy trì sức hấp dẫn cho dòng phim tâm lý hình sự đang rộ lên gần đây. Một số phim đã ra thêm phần tiếp theo.

Sức hút từ “chuyện có thật”

Những ngày này, khán giả theo dõi phần 2 bộ phim Kẻ sát nhân cô độc (HTV7) đang bị cuốn vào cuộc truy lùng của đội K13 đối với Kha - kẻ bị nghi ngờ là thủ phạm vụ án Vô diện giết người, đập nát mặt. Để phá án, Hoàng dùng khả năng đặc biệt đọc vị tâm lý tội phạm nhằm “đấu” trực tiếp với kẻ ẩn mình ngoan cố.

Khác với phần 1, chìa khóa để phát triển câu chuyện phần 2 nằm ở tâm lý nhân vật, cụ thể là Hoàng - người mang căn bệnh hoang tưởng đa nhân cách. Vấn đề tâm lý tội phạm được đẩy mạnh hơn bằng việc đi tìm những uẩn khúc, hố đen sinh bệnh để qua đó nêu bật thông điệp nhận thức về sức khỏe tâm thần - căn bệnh của thời đại. Những sáng tạo của biên kịch, đạo diễn như đưa trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm Cổng xanh vào hỗ trợ phá án cũng đem lại sự mới mẻ, tính thời sự cho phim.

Phim Nữ luật sư mới lên sóng dựa trên 2 vụ án oan có thật, hứa hẹn nối dài sức hút cho dòng phim tâm lý hình sự
Phim Nữ luật sư mới lên sóng dựa trên 2 vụ án oan có thật, hứa hẹn nối dài sức hút cho dòng phim tâm lý hình sự

Nếu như sức hấp dẫn của Kẻ sát nhân cô độc 2 nằm ở màu sắc hư cấu khi phá án bằng cách thôi miên đi vào tiềm thức, tâm thức tội phạm thì series Lệnh truy nã, Ranh giới trắng đen (đang phát trên HTV7), Giải mã trọng án (đang phát trên Sài Gòn TV Movie) thu hút ở yếu tố “chuyện có thật”. 3 loạt phim xây dựng kịch bản dựa trên tình tiết từ những vụ án có hoặc được lấy chất liệu từ những câu chuyện pháp đình. Tuy nhiên, mỗi phim có thủ pháp dàn dựng khác nhau.

Ranh giới trắng đen đơn thuần chỉ tái hiện, phục dựng những tình huống, những vụ án từng xảy ra trong đời sống. Giải mã trọng án lai giữa phục dựng hiện trường và phim truyền hình, có đọc lời bình minh họa. Lệnh truy nã được làm theo dạng phim ngắn, hình ảnh có chất điện ảnh hơn và mỗi câu chuyện có sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý tội phạm. Các loạt phim này nhận được nhiều lượt xem, thu hút bình luận khen chê trên YouTube, cho thấy độ quan tâm của người xem với dòng phim này. Loạt phim Lệnh truy nã đang phát của mùa 2.

Yếu tố “thật” cũng là sức hút của phim Đội điều tra số 7 phần 1 (phát trên An ninh TV và các nền tảng OTT như Galaxy, FPT Play, TV360). Phim dựa trên 2 chuyên án có thật của ngành công an là vụ giải cứu cháu bé người Nhật mới hơn 7 tháng tuổi vào năm 1999 và vụ phá đường dây ma túy của ông trùm Văn Kính Dương năm 2021. Với lợi thế đơn vị sản xuất là Điện ảnh Công an nhân dân, các cảnh quay hành động cháy nổ, vây bắt trong phim đều diễn ra thật 100%, đem lại hiệu quả mãn nhãn cho người xem. Nhận được nhiều phản hồi tích cực, phần 2 đang được triển khai. Phim Nữ luật sư lên sóng ngày 5/5 trên SCTV14 có thể coi là phần mới thuộc loạt phim hình sự Hồ sơ lửa đình đám cách đây 7 năm. Phim lấy chất liệu từ 2 án oan có thật là vụ án Vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén.

Nỗ lực cho dòng phim “khó nhằn”

Dòng phim tâm lý hình sự hay hình sự có yếu tố điều tra phá án luôn có sức thu hút người xem bởi những cuộc đấu trí giữa phe chính diện, phản diện và thế giới nội tâm phức tạp của kẻ thủ ác. Những tình tiết gay cấn cũng kích hoạt tư duy và thử tài phán đoán của người xem. Không phải đơn vị sản xuất nào cũng có điều kiện cho ra đời những phim hình sự tốn kém như kiểu Đội điều tra số 7 hay Bão ngầm nên tâm lý hình sự là hướng khai thác được ưa chuộng hơn hẳn. Công cuộc điều tra phá án không nặng tính “dàn binh bố trận” ngoài thực địa mà nghiêng nhiều về giải mã, phân tích tâm lý tội phạm, khai thác ẩn ức trong quá khứ của nhân vật.

Các nhà làm phim cũng cố gắng cập nhật tính thời sự. Công nghệ đi vào công cuộc phá án trong Kẻ sát nhân cô độc 2, Đội trọng án (Truyền hình Vĩnh Long). Xem Biệt dược đen, khán giả biết đến nước khoái - một loại ma túy mới đang được giới trẻ ưa chuộng.

Phim Kẻ sát nhân cô độc phần 2 đang phát khai thác sâu hơn góc độ tâm lý  tội phạm
Phim Kẻ sát nhân cô độc phần 2 đang phát khai thác sâu hơn góc độ tâm lý tội phạm

Chia sẻ về cái khó của làm phim tâm lý hình sự, đạo diễn Trần Đức Long - cha đẻ 2 phần phim Kẻ sát nhân cô độc - cho biết: “Thể loại phim tâm lý hình sự châu Á có nhiều nhưng Việt Nam khá ít, vì nghiên cứu các loại bệnh rất phức tạp, kinh phí không đủ và quan trọng là người viết phải am hiểu nhiều. Để làm phim Kẻ sát nhân cô độc, tôi phải đọc nhiều sách tâm lý, xem nhiều phim của nước ngoài để khi cầm đến kịch bản sẽ tìm được cái riêng cho mình. Ví dụ như cách đặt góc máy thế nào, quay trong bao lâu, bao nhiêu cú máy để người xem tiếp cận diễn biến tâm lý nhân vật, vì đôi lúc trên phim trường chỉ có 1 diễn viên diễn. Ngoài ra, tôi còn tính toán kết hợp yếu tố âm nhạc ngay tại hiện trường để giúp diễn viên có thêm cảm xúc với vai diễn”.

Yếu tố “chuyện có thật” là cái hấp dẫn người xem nhất ở dòng phim này. Nhưng “thật” không có nghĩa được phép phơi bày tất tần tật nghiệp vụ công an. Đây cũng là cái khó của các nhà làm phim. Ở góc độ biên kịch, tác giả Châu Thổ (phim Nữ luật sư) tìm cách giảm độ khốc liệt của sự thật được nhà văn Lại Văn Long mô tả trong tiểu thuyết Lật án tử hình mà phim dựa theo: “Phim Nữ luật sư thuộc thể loại tâm lý hình sự. Thông qua 2 nhân vật - vợ chồng nhà báo Thái Trung - luật sư Kim Kiều, tôi cài vào cuộc đấu tranh đi tìm công lý sự xung đột vợ chồng để phát triển cân bằng tuyến tình yêu gia đình và công lý. Tiểu thuyết rất hay, nhưng nặng, nên khi viết kịch bản, tôi phải làm nhẹ đi bằng thoại, bằng việc đưa ra lý lịch nhân vật, đẻ thêm nhân vật để lý giải động cơ phạm tội”.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI