Thế giới trần gian 2020 là phim tài liệu ghi lại những diễn biến trong cuộc sống của người dân Vũ Hán trong thời dịch bệnh, do đạo diễn Fan Shiguang và các cộng sự thực hiện. Phim được trình chiếu tối 26/5, mang đến cho người xem những phút giây chân thực và đầy cảm xúc.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Fan Shiguang cho biết: “Khi mới đặt chân đến Vũ Hán, tôi thấy mình như bị ném vào một thế giới khác. Vũ Hán thời điểm đó, trống rỗng đến khủng khiếp. Trên đường phố chỉ có những con mèo; còn trên bầu trời, chỉ một vài con chim bay qua. Cảm giác ấy thật khó quên”. Anh cũng miêu tả, mọi thứ thường xuyên diễn ra trong tình trạng đột ngột, kèm theo những nỗi sợ khi mọi người chưa hiểu hết về dịch bệnh nguy hiểm.
Nhóm sản xuất cho biết, lần đầu tiên họ đề xuất đến Vũ Hán để ghi hình là ngay giai đoạn rất căng thẳng nên chuyến đi không thể thực hiện. Sau đó, khi được chấp thuận, họ lại đối diện với áp lực từ gia đình. Một thành viên cho biết, mẹ anh liên tục níu tay con trai, van nài đừng tham gia chuyến đi đầy rẫy hiểm nguy này.
|
Nhóm làm phim trước khi rời Vũ Hán |
Những khu vực nguy hiểm tại Vũ Hán thời điểm đó được đánh dấu là vùng đỏ, nhằm cảnh báo người dân. Khuôn viên Bệnh viện Vũ Hán Tongji được xem là vùng đỏ của các vùng đỏ. Các bệnh nhân đều trong tình trạng nghiêm trọng. Những cái chết nhanh và đột ngột khiến mọi người sợ hãi, hoảng loạn. Đôi lúc, đội ngũ y, bác sĩ lẫn đoàn làm phim mang nặng cảm giác tội lỗi khi chứng kiến một ai đó ra đi.
Những người may mắn sống sót, được điều trị khỏi cũng không tránh được cảm xúc tiêu cực khi nhìn mọi người xung quanh lần lượt qua đời.
Đó là một bệnh nhân trẻ vừa hay tin cha mẹ mình mất. Anh lo ngại nếu mình được chữa khỏi bệnh, khi trở về nhà, liệu có còn cảm giác vui vẻ khi hai người thân yêu nhất đã qua đời? Thậm chí, trường hợp xấu nhất là chính anh cũng không thể trở về nhà trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
|
Mọi thứ ở tâm dịch luôn trong tình trạng căng thẳng, đột ngột khiến nhiều người cảm thấy áp lực. |
Đó là một bệnh nhân 81 tuổi với nhiều bệnh nền, cần cắt bỏ chân phải để giữ được tính mạng. Nhưng thời điểm đó, tại khu vực điều trị không đủ điều kiện để thực hiện cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ có cuộc họp nhiều giờ liền để đưa ra phương án cứu phổi hay chân của bệnh nhân này trước. Y tá Lu Wenwen trực tiếp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân chỉ biết ngồi nhìn ông trong tuyệt vọng, không thể tựa lưng vào tường vì cảm giác bất lực bao trùm.
Một bệnh nhân khác, từng là lính hải quân, có 3 thành viên trong gia đình đều mắc COVID-19. Họ nằm cách nhau một bức tường trong trạng thái luôn lo lắng vì không rõ người thân của mình ra sao. Một y tá đã phải dùng hết sức để truyền tải bức thư người vợ viết, động viên tinh thần chồng mình. Cô không rõ bệnh nhân có thể nghe hết hay không, nhưng đó là điều nữ y tá này có thể làm để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
|
Một bệnh nhân mà cách thành viên trong gia đình đều mắc bệnh COVID-19 |
Những cái chết của bệnh nhân cũng làm xáo trộn tâm lý đội ngũ y, bác sĩ. “Điện thoại reo liên tục trong chiếc vali, nhưng chủ nhân thì đã chết. 40 phút, không ai dám nghe điện thoại để trả lời người thân. Bởi lúc đó, chúng tôi không có cách nào giúp họ bớt đau lòng. Thật sự, khi nghĩ đến cảnh tượng gia đình của bệnh nhân đón tin dữ, chúng tôi không cầm lòng được” - một nhân viên y tế thuật lại.
Áp lực điều trị của y, bác sĩ không chỉ là chữa lành căn bệnh của thể xác mà phải xốc dậy tinh thần cho bệnh nhân, nhưng đó là một bài toán khó. Bởi chính các bác sĩ sau khi đối diện với quá nhiều điều tiêu cực, chết chóc, tang thương, họ cũng rơi vào trạng thái u uất, không thể chia sẻ cùng ai.
Các y, bác sĩ đều đến từ những vùng khác nhau, sau khi mặc trang phục bảo hộ, họ không biết người đối diện mình là ai. Họ chỉ có thể chào nhau, trao cho nhau ánh mắt động viên, khích lệ khi vô tình chạm mặt.
|
Một y tá tranh thủ chợp mắt vì quá mệt mỏi |
|
Đến từ nhiều khu vực để hỗ trợ công tác điều trị và thường xuyên mặc trang phục bảo hộ kín mít, các y, bác sĩ không biết người đối diện là ai. |
Đạo diễn Fan Shiguang cho biết trong chuyến đi này, điều khiến anh ấn tượng là bản chất con người hiện lên thuần khiết nhất. “Đó không chỉ là việc chăm sóc y tế như một trách nhiệm, mà là sự sẻ chia của cuộc sống này dành cho một cuộc sống khác. Lòng tin trở thành giá trị cốt lõi” - anh nói.
Trước khi bước vào quay phim, đội ngũ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch như: mang khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, đi ủng cao su... “Thật ngột ngạt, khó thở vì thiếu oxy. Chúng tôi chỉ trải qua một thời gian ngắn còn đội ngũ y, bác sĩ phải chịu đựng trong thời gian dài. Điều đó thật kinh khủng” - một thành viên đoàn quay phim thuật lại.
Do điều kiện đặc thù nên 50% chất liệu trong phim đều được quay bằng điện thoại. Họ cũng phải khử trùng điện thoại liên tục để tránh nguy cơ bị mắc bệnh. Các cảnh quay đều không có tính toán trước mà chỉ dựa vào tình hình thực tế.
Thông qua những thước phim này, nỗi đau của thế giới trong dịch bệnh được khắc hoạ chân thật. Có thể thấy sức mạnh con người được hun đúc từ sự tuyệt vọng. Nhưng mây đen không thể che khuất mặt trời, vì thế trong khó khăn đừng bao giờ ngừng hy vọng, đó cũng là thông điệp được đưa ra từ bộ phim đặc biệt này.
Trung Sơn (theo QQ)