Phim tài liệu tôn trọng sự thật: Sức hấp dẫn và lằn ranh đạo đức

13/09/2021 - 06:52

PNO - Phim tài liệu "Ranh giới" gây chú ý với cộng đồng khi phản ánh chân thực một cách khốc liệt “trận chiến” với COVID-19 tại một bệnh viện. Nhờ tôn trọng sự thật, bộ phim đã tạo được tiếng vang, nhưng cũng chính yếu tố này lại gây ra những tranh luận trái chiều.

Sự chân thật gây tranh cãi 

Phim tài liệu Ranh giới ghi lại hành trình các y, bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM đang cật lực cứu chữa những thai phụ F0. Bộ phim đã tạo được tiếng vang lớn vì “phơi bày” sự thật khắc nghiệt ở một trong những nơi điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng - điều mà bấy lâu, chưa thước phim nào lột tả được trọn vẹn. 

Rất nhiều người rơi nước mắt trước thực tế đang diễn ra với bệnh nhân và lực lượng y tế tuyến đầu ngày đêm giành sự sống. Nhưng cũng có khán giả lo ngại cách mà tính chân thật đang được thể hiện. Đó là khi một sản phụ nói với chồng trong hơi thở đứt quãng: “Em sợ lắm, anh ơi!”, là một thai phụ khác buộc phải bỏ đi sinh linh đang mang để giữ mạng sống, là người cha khóc nấc vì con gái đột ngột lìa đời... Có quá nhiều sự thật tàn khốc khiến người xem phải rùng mình, lo sợ và đặt câu hỏi: Việc khai thác nỗi đau trực diện, không làm mờ gương mặt bệnh nhân như thế, liệu có quá bất nhẫn? 

Hình ảnh trong phim tài liệu Ranh giới
Hình ảnh trong phim tài liệu Ranh giới

Có người nhắc lại trường hợp một cầu thủ đội tuyển Đan Mạch  bị đột quỵ trên sân cỏ trong một trận dấu ở vòng chung kết giải vô địch châu Âu vừa qua, đồng đội của anh lập tức đứng sát vào nhau, quây thành một “tường rào” để không ống kính nào bắt được khoảnh khắc đau thương ấy. Cách ứng xử của đội bóng được ngợi ca hết lời, vì hạn chế tối đa việc gây thương tổn cho gia đình cầu thủ gặp nạn. Đưa một pha ứng xử của quốc tế so với những sự thật khốc liệt được thể hiện trong Ranh giới, khán giả cho rằng bộ phim đang xoáy sâu vào nỗi đau và gây tổn thương cho bệnh nhân, và cả gia đình của họ. 

Câu chuyện Ranh giới đang gặp không phải hiếm với thể loại tài liệu. Từ nhiều năm nay, mỗi khi một bộ phim tài liệu nào đó gây được tiếng vang, hẳn nhiên, đi cùng với đó là nhiều câu hỏi về sự chân thật của thể loại này. Nội dung càng thật, càng chạm đến khán giả, thì sự thật có khi rơi vào trường hợp quá nhạy cảm lại gây tranh luận.  

“Sự chân thật trong thể loại tài liệu là yếu tố quan trọng. Tôi tin đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã có những tiết chế nhất định khi chọn nội dung đưa lên phim, vì thời gian ở bệnh viện trong nửa tháng, nguồn tư liệu quay được sẽ vô cùng nhiều, và chính anh cũng nói rằng so với phim, có những sự thật còn đau lòng hơn. Tôi thấy đã có sự chắt lọc, gọn gàng, đủ để đẩy cảm xúc người xem, không có yếu tố câu khách bằng sự bi kịch”, đạo diễn Hùng Phương chia sẻ.

Sự thật đặt trongkhuôn khổ luật pháp

Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết trước khi bấm máy, anh đã được sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại khu K1 và bệnh nhân. Anh nói, có nhiều sự thật còn đau lòng hơn những thước phim khán giả vừa xem. Anh không tùy tiện quay cận mặt một số thai phụ, đã có sự xin phép, và thậm chí anh vẫn giữ liên lạc với họ. Sắp tới, phần hai của phim mang tên Ngày con chào đời, dự kiến ra mắt ngày 22/9 sẽ cho khán giả thấy rõ hơn chân dung của một số thai phụ F0 thông qua những chia sẻ, tâm tư từ họ. 

Từng thực hiện phóng sự tại Bệnh viện E, Hà Nội cách đây hơn 15 năm, đạo diễn Hùng Phương cho biết anh hiểu được quy trình của một ê-kíp phim tài liệu. Đầu tiên, họ phải được sự cho phép của lãnh đạo bệnh viện, của y, bác sĩ đang trực tiếp chữa trị, và tất cả bệnh nhân xuất hiện trên khung hình.

“Ngày đó, tôi thực hiện dự án phim tài liệu cho VTV. Ê-kíp gồm bốn người bắt đầu ghi hình sau khi lãnh đạo bệnh viện cho phép. Chúng tôi luôn tìm cách khai thác, tránh làm phiền y, bác sĩ và bệnh nhân, nếu trong tình huống nào đó, họ không đồng ý quay, chúng tôi phải dừng lại. Khi xem Ranh giới, tôi hiểu đạo diễn đã tiết chế từ góc máy, lời thoại và sự hiện diện của nhân vật, tôi tin đã có sự đồng thuận giữa đôi bên”, đạo diễn Hùng Phương nói.

Đạo diễn - NSND Lê Hồng Chương - một đại diện kỳ cựu của dòng phim tài liệu, từng đảm nhận vị trí Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - cho biết: “Đối với phim tài liệu, đạo diễn phải tôn trọng hiện thực, nhưng họ có quyền chọn đưa vào phim bao nhiêu phần trăm hiện thực đó, đưa vào những cảnh quay cụ thể nào để thể hiện thông điệp. Đạo diễn không nên né tránh hiện thực, tuy nhiên, họ phải có lập trường và quan điểm nghệ thuật vững vàng. Quan điểm ấy phụ thuộc vào cách sống, cách nghĩ, tính thiện bên trong mỗi người. Phẩm chất của người làm sáng tạo rất quan trọng”. 

Theo NSND Lê Hồng Chương, khi đạo diễn phim tài liệu đã chọn hình ảnh nào xuất hiện, thì họ phải chịu trách nhiệm với nhân vật và với từng khung hình. Trước đây, ông đã từng quay phim về những người mắc HIV/AIDS, và mất rất nhiều thời gian để thuyết phục họ ghi hình.

Hình ảnh các y bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi khiến người xem xúc động
Hình ảnh các y bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi khiến người xem xúc động

“Tôi có thể quay giấu mặt, quay từ đằng sau nhân vật, nhưng trong nghệ thuật, việc để rõ gương mặt bao giờ cũng hiệu quả hơn, vì ánh mắt, nụ cười sẽ thể hiện cảm xúc mạnh hơn bất cứ ngôn từ nào. Tôi thuyết phục nhân vật, nhưng không được quyền quyết định thay họ, mà chỉ được phép quay rõ mặt khi họ đồng ý. Trường hợp không xin phép được, tôi mới buộc phải làm mờ mặt”, đạo diễn Lê Hồng Chương nói thêm.

Cuộc tranh luận xung quanh phim tài liệu Ranh giới vẫn chưa dừng lại khi mỗi bên đều giữ vững lập trường của mình. Tuy nhiên, với những người làm nghệ thuật, có một nguyên tắc phải nằm lòng: Mọi sự sáng tạo đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, không ai có quyền sử dụng hình ảnh của người khác nếu chưa được phép. Và một trong những quy tắc bất thành văn trong nghề báo là không sử dụng hình ảnh quá nhạy cảm, trong đó có những hình ảnh về cái chết.  

Dù vậy, phải thừa nhận rằng bộ phim đã giúp công chúng hiểu nhiều hơn những vất vả, gian lao của đội ngũ y tế, và cảm nhận sự khủng khiếp mà đại dịch mang đến để từ đó mỗi người trang bị tốt cho mình tâm thế phòng dịch hơn chống dịch, góp phần vào nỗ lực chiến thắng đại dịch của đất nước. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã lường trước phản ứng từ dư luận, nhưng vẫn chọn cách để nhân vật xuất hiện trọn vẹn, đó là lựa chọn cho thấy quan điểm làm nghề và lập trường của anh. 

Khánh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI