Thời gian gần đây, các phim tài liệu được nhiều chủ rạp đón nhận, doanh thu hòa vốn thậm chí khá hơn cả nhiều phim truyện ngoại. Khi các nhà làm phim tài liệu tích cực thay đổi cách làm, chủ rạp và công chúng cũng bắt đầu nhìn nhận khác về dòng phim này.
|
Cảnh chen nhau mua vé xem phim tài liệu Lửa Thiện Nhân ở Hà Nội
|
Đến thời “hữu xạ tự nhiên hương”
Mười ngày sau buổi ra mắt tại TP.HCM, bộ phim tài liệu của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo - Swann Dubus đã tìm được nhà phát hành chính thức: Galaxy Distribution. Từ ngày 12/10, Đi tìm Phong đã đến với khán giả TP.HCM và Hà Nội tại 18 rạp trong bốn hệ thống rạp của Galaxy, CGV, Lotte Cinema, Cinestar. Đây là cái kết có hậu cho một tác phẩm tài liệu - thể loại rất khó tìm đường ra rạp, đa phần chỉ chiếu ở các trường học, hội thảo hoặc phát trên các kênh truyền hình đại chúng. Việc phim thu được 13,5 triệu đồng tiền vé tại buổi ra mắt vào ngày 2/10 cũng phần nào phản ánh độ “hot” của phim.
Đi tìm Phong là phim tài liệu thứ hai trong năm nay được phản hồi tích cực từ việc chiếu thương mại. Trước đó, vào tháng Ba, phim Bước chân an lạc về thiền sư Thích Nhất Hạnh, do BHD phát hành, cũng được các rạp khác ngoài hệ thống như CGV, Galaxy nhận chiếu.
Ban đầu, những rạp ngoài hệ thống BHD chỉ xếp lịch chiếu theo kiểu nể nang nhau, nhưng khi nhận ra sức hút của phim, đã chủ động mở rộng suất chiếu. Đa số các suất chiếu lấp đầy rạp 50-70%, có suất đầy rạp. Kết quả: phim trụ rạp được đến bốn tuần tại BHD và đạt doanh thu vượt trội so với nhiều phim ngoại do BHD nhập, phát hành thời điểm đó.
Phim Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang, ra rạp năm 2016, đã chiếu được khoảng 300 suất, phục vụ gần 15.000 khán giả. Hiện tượng “cháy vé” đã xảy ra, tạo đà cho tác phẩm Đáng sống (gồm ba bộ phim tài liệu hiện thực Mầm sống, Đáng sống và Một con đường) cũng của Đặng Hồng Giang, được các chủ rạp rộng cửa săn đón vào năm 2017.
|
Một cảnh trong Đi tìm Phong |
Đáng sống được chiếu tại tất cả các cụm rạp của BHD tại Hà Nội, TP.HCM. Riêng tại rạp Tháng 8 ở Hà Nội, trong tuần đầu công chiếu, chùm phim được chiếu tới 6 suất/ngày, sau đó là 3 suất/ngày và có buổi “cháy vé”. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, chiếu năm 2015, có lúc đạt 30 suất chiếu/ngày tại cụm rạp lớn của CGV và trụ rạp gần ba tháng.
Nỗ lực hay là chết
Kể từ sau “cơn sốt” Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, “đầu ra” của phim tài liệu tại thị trường Việt Nam đã có, nhưng vẫn còn là cánh cửa khá hẹp mà đa phần chỉ phim tư nhân mới lách qua được. Sở dĩ chỉ những nhà làm phim độc lập, tư nhân chiếm thế thượng phong khi đưa phim tài liệu ra rạp vì họ có cách làm phim tiệm cận xu thế phim tài liệu thế giới, nội dung không mang nặng tính tuyên truyền, nên dễ chiếm thiện cảm của khán giả.
Nếu như phim tài liệu cũ thường làm theo kịch bản có trước - giống như những mẩu tin kéo dài thành 30-40 phút, được lấp đầy bằng hình ảnh và lời bình thì những phim tài liệu gây chú ý như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đáng sống, Hồn bướm hay gần nhất là Đi tìm Phong chú trọng đến phong cách kể chuyện bằng hình ảnh, mạnh dạn tìm cách sáng tạo giữa sự thật, tìm tòi sử dụng các thủ pháp lạ.
Trong Đi tìm Phong, nhân vật được trao máy để tự quay trong phần lớn cảnh phim khiến bộ phim như một cuốn nhật ký bằng hình tự nhiên - điều mà đạo diễn, quay phim đôi khi không thể “bắt” được.
|
Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng |
Đoàn phim Hồn bướm bí mật đặt máy quay tại phòng trọ của nhân vật chính, ghi lại từ những câu chuyện đời thường tranh cãi đến các hành động quan tâm nhau hay mỗi lần tiêm hoóc-môn cho nhau. Phim cũng có lúc bay bổng, lãng mạn như một bộ phim truyện khi đạo diễn - diễn viên Kim Khánh tái hiện khoảnh khắc chuyển giới bằng cách nghệ thuật hóa hình ảnh nhân vật chính Jessica - mang thân hình phụ nữ chưa hoàn thiện - được bao bọc trong kén bướm, chấp nhận chịu bị nhánh dây leo siết chặt cơ thể, từ từ lột xác để trở nên xinh đẹp.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chọn cách kể chuyện trực tiếp qua việc sống cùng với các nhân vật trong Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng một thời gian dài, để ghi lại mọi sự thật, kể cả sự cố đoàn lô tô gặp hỏa hoạn. Lửa Thiện Nhân của Đặng Hồng Giang mang chút màu sắc báo chí trong cách kể chuyện, bởi anh vốn là một nhà báo. Riêng phần kịch bản, anh khéo léo kết hợp với người chuyên viết kịch bản văn học là Đoàn Tuấn để thêm chất văn chương lãng mạn và dùng nhạc Phú Quang để “mềm hóa” tứ của câu chuyện.
Những tư duy làm phim tài liệu mới mẻ, táo bạo này có thể khiến đường dây kịch bản bị chệch so với hình dung ban đầu của đạo diễn, cho ra những hình ảnh phim đôi khi không đảm bảo chất lượng. Nhưng bù lại, phim có hơi thở cuộc sống - điều mà lâu nay phim tài liệu Việt Nam theo kiểu cũ không làm được.
Hương Nhu