Phim sitcom: Đi mãi chẳng thành đường

29/08/2018 - 18:09

PNO - Trước tình hình làm phim khó khăn hiện nay, sitcom vẫn là thể loại được nhiều nhà sản xuất ưu tiên sản xuất. Nhưng...

Khái niệm phim sitcom (situation comedy - hài tình huống) giờ được hiểu theo nhiều cách, khiến sitcom Việt hoặc giống phim truyền hình “cắt khúc” hoặc giống tiểu phẩm hài nhiều tập.

Phim sitcom: Di mai chang thanh duong
Xin chào hạnh phúc - một trong những dự án sitcom thành công ở thời điểm này

Một trong những dự án sitcom dài hơi được khen ngợi và có rating khá cao ở thời điểm này là bộ phim Xin chào hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Dương, phát lúc 20g, thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, trên VTV3). Phần 3 của phim đang triển khai, nâng tổng số tập phim lên gần 300 tập.

Phim không tập trung khai thác tiếng cười, chủ yếu hướng đến những câu chuyện nhân văn, bài học về giá trị của hạnh phúc và quy tụ nhiều diễn viên được yêu thích: Chí Tài, Việt Hương, Cát Phượng, Minh Nhí, Thu Trang, Tiến Luật…

Sức hút của Xin chào hạnh phúc là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sòng phẳng thì đây giống như một chuỗi phim ngắn hơn là một phim sitcom. Ông Trần Anh Dũng - Phó giám đốc hãng phim Vietcom - cho biết, đơn vị phấn đấu thực hiện các tập phim gần với chất điện ảnh nhất, với nhiều yêu cầu về nội dung, ý nghĩa, sức hấp dẫn của tình tiết và tính thuyết phục của các nhân vật. Các ý tưởng được triển khai, xây dựng thành những câu chuyện hoàn chỉnh, riêng biệt.

Cùng thời điểm, VTV3 cũng đang phát bộ phim sitcom Sắc màu phái đẹp lúc 21g10, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Phim lên sóng từ đầu năm 2014, kéo dài đến nay, mỗi tập chỉ có thời lượng 20-25 phút, chủ yếu tạo tình huống gây cười. Tuy nhiên, xem phim lại không cười được do những khiên cưỡng, kiểu cố chọc cười nhiều lúc kém duyên của các diễn viên.

Ngay cả bộ phim Việt hóa từ kịch bản ăn khách Gia đình vui nhộn, phát sóng cách đây không lâu, với sự tham gia của Quang Minh - Hồng Đào, cũng chẳng tạo được dấu ấn.

Thành công nhất của thể loại sitcom Việt hóa đến giờ vẫn chỉ có Cô gái xấu xí năm 2010, của hãng phim Việt, đã giải thể; xa hơn nữa là Bộ tứ 10A8 (2009) hay Bà mẹ nhí - bộ phim làm nên tên tuổi Angela Phương Trinh hơn 10 năm trước. Một số dự án sitcom dài hơi từng giữ chân được khán giả có thể kể đến: 5S online, Tiệm bánh hoàng tử bé, Ngũ long công chúa, Gia đình là số một

Phim sitcom vẫn chiếm sóng các kênh truyền hình. Ngoài hai bộ phim đang phát trên VTV3 kể trên còn có Oan gia bùm chéo, Tám công sở (VTV9), Gia đình 4.0 (VTV2), Sến 365 plus (truyền hình Hà Nội)… Sau series Bố là tất cả, HTV7 vừa lên sóng bộ phim sitcom Ngôi sao khoai tây, Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc.

Các đơn vị sản xuất phim sitcom đều chung chia sẻ: làm phim thể loại này ít tốn kém. Phim có thời lượng ngắn, hài hước, dễ xem. Dẫu vậy, phim sitcom đi mãi vẫn chưa thành đường. Hầu hết phim phát thời gian qua đều một màu: có hài hước nhưng lại giống tiểu phẩm kịch, tình tiết gây cười gượng ép.

Vẫn theo mô hình làm việc của phim truyền hình dài tập, kịch bản phim sitcom được giao cho những nhóm viết. Ý tưởng được triển khai, tình tiết được thảo luận, cân đối cho vừa với kịch bản phim. “Vietcom có đội ngũ biên kịch khoảng 10 người cho dự án sitcom của đơn vị. Kịch bản một tập phim có khi sửa đến năm, bảy lần. Đạo diễn tham gia ngay từ khâu chỉnh sửa. Chúng tôi nhận phản hồi từ khán giả và cố gắng hoàn thiện dần, bám sát tiêu chí ban đầu. Nhưng phải nói rằng, bài toán khó vẫn nằm ở chi phí đầu tư. Phim sitcom yêu cầu thu tiếng trực tiếp, mình lại không có phim trường đúng nghĩa. Thuê bên ngoài thì không quản được tạp âm. Nhiều bối cảnh không thực hiện được vì không đủ tiền” - ông Trần Anh Dũng chia sẻ.

“Yếu tố quan trọng hàng đầu của phim sitcom nằm ở kịch bản, phải hấp dẫn. Thế nhưng hiện nay, biên kịch không có nhiều thời gian đầu tư cho từng tập phim. Hơn nữa, thời lượng mỗi tập sitcom đều ngắn, không đủ đất để thỏa sức sáng tạo” - một nhà sản xuất bày tỏ.

Khởi từ bộ phim đầu tiên: Lẵng hoa tình yêu (2004), thể loại sitcom xuất hiện tràn lan và dần đi vào ngõ cụt từ đề tài đến sự hài hước. Thất bại của nhiều phim thể loại này chính là bỏ quên đường dây câu chuyện, thông điệp chính mà lại sa đà vào kiểu chọc cười, lắm khi phản cảm. Vẫn biết, phim sitcom có thể là giải pháp tạm thời trong tình cảnh khó khăn của các nhà làm phim, nhưng nếu mãi xem đó là thể loại “dễ làm, dễ ăn” thì vẫn chỉ là những dự án dài, dở, khiến khán giả quay lưng.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI