Bình mới rượu cũ
Tuần qua, đoàn làm phim Chạm vào hạnh phúc của đạo diễn, biên kịch Mai Long đã có các buổi thử vai (casting) tại 2 miền Nam - Bắc để tìm kiếm những gương mặt mới phù hợp với vai diễn. Chạm vào hạnh phúc là phiên bản điện ảnh dài 120 phút, được phát triển từ thành công của 2 phần web drama cùng tên. Phần 3 tiếp tục mang đến những câu chuyện dung dị về hành trình tranh đấu để khẳng định giá trị của hạnh phúc, tình thân, sự yêu thương, đoàn kết.
|
Sắp tới màn ảnh rộng đón nhận 2 phim phát triển từ web drama là Biệt đội rất ổn (trên) và Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng (dưới) |
Theo đạo diễn, biên kịch Mai Long, phim sẽ bấm máy vào tháng Ba tới và dự kiến ra rạp vào dịp 20/10 hoặc Giáng sinh năm nay. Mai Long cho biết: “So với web drama, bản điện ảnh được đầu tư với kinh phí gấp 10 lần, có sự tham gia của cả diễn viên quốc tế, bối cảnh mở rộng sang ghi hình ở Hàn Quốc, Ba Lan”.
Thời gian tới, màn ảnh rộng sẽ có 2 phim khác từ web drama là Biệt đội rất ổn (khởi chiếu ngày 31/3) và Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng (khởi chiếu ngày 28/4).
Biệt đội rất ổn tận dụng điểm mạnh về giải trí của web drama Gia đình cục súc để phát triển câu chuyện mới có sự tham gia của gia đình Bảy Cục. Độ hài hước của bản chiếu rạp dự báo tăng gấp đôi bản chiếu mạng khi 4 thành viên Cục (Võ Tấn Phát đóng), Súc (Nguyên Thảo đóng), Quạu (Ngọc Phước đóng), Quọ (Ngọc Hoa đóng) cùng 2 nhân vật mới Phong, Khuê trong phi vụ đánh tráo 1 chiếc vòng đính hôn bằng kim cương quý giá.
Phim Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng cũng tận dụng sự yêu thích dành cho dàn nhân vật trong 3 phần web drama Chuyện xóm tui, nhưng thay vì câu chuyện dàn trải cho nhiều nhân vật, bản chiếu rạp chỉ tập trung kể về việc Nhót (Thu Trang đóng) đi tìm chồng và hàn gắn với người cha suốt ngày say xỉn. Theo ê kíp phim, bản điện ảnh vẫn giữ cái hồn đã làm nên dấu ấn của bản web drama, nhưng có những thay đổi, nâng cấp nhằm tạo nên sự bất ngờ, thú vị.
|
Pháp sư mù: Ai chết giơ tay- Một trong số những bộ phim chiếu rạp phát triển thành công từ web drama |
Không thể vội
Xu hướng làm phim điện ảnh có nguồn gốc từ web drama đã có từ năm 2019 và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả qua thành công phòng vé của Bố già, 2 phần phim Chị Mười Ba, Pháp sư mù (từ web drama Ai chết giơ tay). Tuy nhiên, cũng có phim thất bại như Mưu kế thượng lưu, Mến gái miền Tây, cho thấy những con số triệu view hay thành tích lọt top thịnh hành của bản web drama chưa đủ để bảo chứng độ ăn khách khi ra rạp. Và dù thành công hay thất bại, chưa bao giờ những phim phát triển từ web drama được đánh giá là tác phẩm điện ảnh chất lượng, dẫu người làm phim đã cố gắng “nâng cấp”, thêm thắt nhiều cái mới.
Cùng với sự phát triển của hình thức xem phim tại gia, các web drama cũng nở nồi không kém. Nhiều web drama được đầu tư không thua gì phim điện ảnh. Nhưng để đưa 1 web drama phát triển thành bản phim chiếu rạp lại là câu chuyện khác. Nói về lợi thế của việc làm phim rạp nguồn gốc từ web drama, đạo diễn, biên kịch Mai Long cho biết: “Thuận lợi là phim đã được truyền thông trước qua web drama, nhà làm phim đo lường được chủ đề và phim đã có được lượng khách nhất định. Ngoài ra, do đã có sản phẩm chứng minh nên việc tìm nhà đầu tư, tài trợ cũng dễ hơn. Chạm đến hạnh phúc 3 là dịp để tôi thử sức với sân chơi mới”.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp đồng tình: “Năng lượng yêu mến được tích tụ qua web drama giúp phim thuận lợi về mặt truyền thông. Vào phim cũng đỡ mất nhiều thời gian để giới thiệu về các nhân vật vì khán giả đã biết họ qua web drama”. Đạo diễn Luk Vân - người làm khá nhiều web drama được đánh giá cao - cho rằng: “Thuận lợi nữa là phim thừa hưởng sẵn nội dung, dàn diễn viên, chỉ cần phát triển thêm nếu chuyển thành bản điện ảnh”.
Không phải xuất phát từ vạch số 0 cho khâu quảng bá, “ăn sẵn” được nội dung, diễn viên nhưng những phim gốc tích từ web drama gặp khó vì nhiều vấn đề khác. Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ: “Khó nhất là phải bứt diễn viên ra khỏi ngưỡng diễn của web drama, phải diễn chân thật và có độ tinh. Kiểu diễn quăng miếng qua lại với bạn diễn là lợi thế của web drama nhưng không phù hợp với điện ảnh vì điện ảnh cần nhịp điệu chính xác, không thể để diễn viên nhây. Cũng liên quan chuyện diễn viên, diễn xuất, bản điện ảnh cần có thêm sự góp mặt của những nghệ sĩ đã thành danh ở địa hạt điện ảnh. Về câu chuyện, cấu trúc phim điện ảnh khác cấu trúc phim ngắn 30 phút nên nội dung cần co cụm hơn bản web drama nhưng phải đủ kịch tính”. Xung quanh chuyện biến ngắn thành dài, đạo diễn Luk Vân cũng tỏ ra e ngại ở khâu kịch bản: “Nội dung web drama vốn dài vì làm nhiều tập, chuyển thành bản điện ảnh dễ bị thiếu trước hụt sau. Tính cách các nhân vật không khắc họa được trọn vẹn, khán giả không xem bản web drama trước đó sẽ khó hiểu hết”.
Ai làm nghệ thuật cũng mong đạt đến nấc thang mới trong sáng tạo. Phát triển web drama thành phim điện ảnh là một cách. Tuy nhiên, 1 bộ phim chiếu trên mạng dễ được người xem đón nhận hơn 1 tác phẩm ra rạp bán vé. Có rất nhiều khó khăn cần phải lường trước khi quyết định nâng cấp web drama thành phim điện ảnh.
Hương Nhu