Phim Quỳnh Búp Bê có đáng bị cấm phát sóng?

11/07/2018 - 18:02

PNO - Lên sóng được sáu tập trên kênh VTV1, bộ phim Quỳnh Búp Bê đã nhanh chóng tạo sóng dư luận và... bị ngừng phát sóng.

Tựa phim nằm trong top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam ngay giữa mùa World cup. Phim nhận được nhiều lời khen, nhưng cũng vấp phải không ít chỉ trích vì “quá nhiều cảnh nóng, bạo lực”, dẫn đến việc bị dán nhãn 18+ và giờ tạm dừng phát sóng.

Phim Quynh Bup Be co dang bi cam phat song?
Quỳnh Búp Bê có thể bị cấm phát sóng, dù là một phim hay

Quỳnh Búp Bê có gì?

Bộ phim về đề tài buôn bán phụ nữ, mại dâm này hấp dẫn ngay từ tập đầu tiên, bắt đầu bằng cuộc chạy trốn của Quỳnh Búp Bê (vai chính, do diễn viên trẻ Phương Oanh Oanh đảm nhận) khỏi bọn buôn người.

Số phận dẫn dắt Quỳnh đến “động” Thiên Thai của tú ông Cấn (NSƯT Nguyễn Hải). Từ đó, một thế giới ăn chơi và số phận các nhân vật cũng được mở ra, với Lan “cave” (Thanh Hương), My “sói” (Thu Quỳnh)...

Với đề tài này, Quỳnh Búp Bê không tránh được những cảnh quay nhạy cảm, bạo lực. Đó là những trận đòn giáng xuống Quỳnh vì nhiều lần bỏ trốn, cảnh bọn ma cô đánh đập các cô gái mại dâm; trang phục các nhân vật nữ có phần hở hang cùng với những cảnh “đi khách chuốc rượu” trong nhà hàng, khách sạn…

Nhưng sự thật cần được nhìn nhận: Quỳnh Búp Bê mang đến sự khốc liệt chân thật, cả đau xót và thương cảm, chứ không chỉ thuần khai thác cảnh nóng, bạo lực để câu khách. Cần có những khung hình ấy, phim mới thể hiện được gần nhất hiện thực xã hội.

Mấu chốt vẫn là những thân phận trên phim đã được kể bằng góc nhìn khách quan và lòng trắc ẩn. Rất nhiều phân cảnh lắng đọng có thể lấy nước mắt người xem về thân phận của các nhân vật nữ lỡ sa chân vào động quỷ. Và trong cuộc sống nhơ nhớp ấy, vẫn thấy rõ tình người. Đó là những chi tiết rất đắt để khán giả ngồi lại với bộ phim có “bạo lực” nhưng đủ sức rung động này.

Quỳnh Búp Bê cũng đã làm được điều mà không nhiều phim truyền hình thời gian qua có thể làm: tạo dấu ấn cho các diễn viên chính lẫn các vai phụ, thứ chính (như Thu Quỳnh với vai My “sói”, Doãn Quốc Đam vai Cảnh, Trọng Lân vai Phong…).

Bối cảnh phim chỉ có khu trọ của các cô gái làng chơi và không gian xa hoa của nhà hàng Thiên Thai, nhưng không tạo cảm giác quẩn quanh, nhàm chán. Phim hấp dẫn nhờ cách xây dựng nhân vật và tình tiết lôi cuốn, thoại ổn.

Đẽo cày giữa đường

Quỳnh Búp Bê hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một phim “hot”. Sau thời bị phim Việt hóa lấn át, nay mới có một phim truyền hình “made in Vietnam” khá hay như Quỳnh Búp Bê.

Tuy nhiên, trưa 10/7, đã có thông tin bộ phim sẽ bị ngưng phát sóng. Trước đó, tối 9/7, phim cũng đột ngột bị rút khỏi trang VTV Giải trí, sau đó hiển thị lại. Hiện lịch phát sóng của VTV1 ngày 12/7 cũng đã được thay bằng bộ phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường. Đại diện VTV chưa xác nhận tin ngưng phát sóng, hẹn sẽ cung cấp thông tin chính thức trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết, ông và ê-kíp vẫn đang hoàn thành các phân cảnh cuối của phim. Câu hỏi là: chuẩn mực nào cho yếu tố “nóng, bạo lực” trên phim truyền hình, khi Quỳnh Búp Bê đã qua cửa kiểm duyệt của VTV, rồi bị cấm cửa vì dư luận. Nên chăng cấm hẳn phim hoặc tiết chế các yếu tố được cho là “nóng, bạo lực” ngay từ đầu?

Việc khán giả cho rằng, phim không phù hợp với trẻ em, khiến nhà đài chữa cháy bằng cách dán nhãn 18+. Nhưng điều này cũng khó thuyết phục, bởi không thể cấm được trẻ em xem những thứ phát trên truyền hình miễn phí, được đăng tải công khai trên YouTube. Điều cần thiết là phụ huynh phải định hướng cho trẻ xem phim có nội dung phù hợp.

Lâu nay, công chúng luôn đòi hỏi tính chân thật, thuyết phục của phim truyền hình, nhưng đôi khi chính công chúng lại phản biện ngược với mong muốn. Các cơ quan chức năng thì lắm lúc lúng túng, cứ cái gì không quản được hay có ồn ào là cấm hoặc buộc tạm ngừng. Liệu rồi phim ảnh sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng “an toàn dịu êm”?

Ai sẽ dám làm đến cùng những vấn đề nóng của xã hội, ai sẽ còn tâm huyết để dựng lên những câu chuyện khốc liệt của hiện thực xã hội? Nhìn từ lĩnh vực xuất bản, đã chẳng còn mấy tác phẩm văn học đương đại viết về hiện thực xã hội một cách chân thực, khốc liệt, đúng nghĩa. Một phần cũng từ lý do “dễ bị cấm cửa” này. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI