Phim Notes on blindness: Thế giới vượt ngoài tầm mắt

16/05/2017 - 13:39

PNO - Cuốn phim Notes on blindness (Nhật ký trong bóng tối) diễn đạt xuất sắc về con người và nhãn quan của John H. Hull - giáo sư thần học mù lòa.

Notes on blindness ra đời năm 2016, từng đoạt danh hiệu Phim tài liệu hay nhất tại Giải thưởng phim độc lập Anh. Ở LHP châu Âu lần thứ 18, trong khuôn khổ diễn ra trong tháng 5 này, đây là một trong số 15 phim được chọn trình chiếu tại TP.HCM, Hà Nội và Huế.

So với 14 phim khác, Notes on blindness có sự khác biệt rất rõ ở chỗ mang yếu tố phim truyện tài liệu (documentary/drama). Hai đạo diễn Peter Midleton và James Spinney làm phim dựa trên cuộc đời của nhà văn kiêm giáo sư thần học John Hull và cuốn tự truyện có tên gọi Touching the Rock: An experience of blindness (Chạm vào đá núi: một trải nghiệm của người mù). 

Bộ phim nổi bật của điện ảnh Anh quốc trong năm 2016 đặc biệt ở chỗ được kể lại thông qua những trang nhật ký mà John Hull viết trong những năm tháng mù lòa. Kể từ năm 1983, sau khi phát hiện đôi mắt trở nên mờ dần, vị giáo sư của trường ĐH Birmingham bắt đầu ghi lại nhật ký về trải nghiệm, nhìn nhận về cuộc sống của mình bằng cách thu âm qua băng cassette. 

Phim Notes on blindness: The gioi vuot ngoai tam mat

Hình ảnh nhuốm màu hoài niệm của John và vợ trong phim

Những ghi chép này sau đó được tập hợp lại thành sách và Notes on blindness cũng ra đời dựa trên chất liệu ghi âm gốc đó. Từ nhật ký đến sách và phim đều có thể coi là những ghi chép đầy tính liên tưởng và thi vị về sự mất mát, tái sinh, phục hồi và khám phá về “một thế giới vượt khỏi tầm mắt”. 

Với lối kể chuyện cùng màu phim đậm chất cổ điển, hoài cổ và những khung hình chuẩn mực, giàu sức gợi, Notes on blindness bước vào cuộc sống của người đàn ông đang ở độ tuổi cống hiến John Hull và gia đình gồm vợ và năm con. Như bao người, khi nghe bác sĩ nói mắt ông có nguy cơ mờ dần và có thể không còn quan sát được nữa, John không tin.

Ông tìm cách cưỡng lại việc đó cho đến khi phải chấp nhận sự thật. Cuộc sống trước mặt và bao nhiêu dự định còn dang dở liệu sẽ trôi về đâu? Vị giáo sư ở độ tuổi 50 khi đó liệu có thể tiếp tục đứng trên giảng đường truyền thụ kiến thức cho sinh viên? Làm sao ông có thể chơi đùa cùng những đứa con nhỏ đang lớn khôn mỗi ngày?... Theo thời gian, giáo sư John Hull dần nhìn về phía sáng của biến cố vốn mang đến bước ngoặt trong cuộc đời mình.

Những cuốn băng cassette ngày càng được xếp dày hơn trên kệ. Người đàn ông mù không nhìn thấy những gì đang chuyển động trước mắt nhưng vẫn hình dung rõ về những gì đã, đang và có thể sẽ tới với mình và cả những người mù, người sáng mắt khác. 

Trong Notes on blindness, người vợ Marilyn Hull như là ánh sáng của cuộc đời John Hull. Bà cùng ông lắng nghe tiếng mưa rơi, cảm nhận rõ từng ngọn gió thổi qua, lẳng lặng thả hồn mình cùng những gợn sóng biển và vẫn tin tưởng chồng mình có thể đưa con đi học, đứng trên bục giảng như ngày nào.

Trong nhật ký ghi âm, John từng nói về vợ: “Trong những năm tháng này, những gì sống động nhất tôi nhớ là về sự tận tâm của bà. Chưa khi nào bà để lộ ra sự tiếc nuối. Thay vì thế, bà chỉ hướng đến những gì ở phía trước, bền bỉ từng ngày. Những gì bà đã làm, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ là phi thường”. Sự mù lòa không ngăn cản con đường John Hull hoàn thiện mình, trở nên “người” hơn. Điều này đã được ông nói trong một câu được trích dẫn ở cuối phim: “Để trở thành con người đúng nghĩa, người mù và người sáng đều cần đến nhau”. 

Dưới góc độ nghệ thuật, sự thú vị mà Notes on blindness mang đến là sự hòa trộn của yếu tố tài liệu với tính hư cấu. Điều đáng tiếc duy nhất ở phim có lẽ là đạo diễn chưa để lại các khoảng trống hoặc khoảng dừng cần thiết cho sự tưởng tượng của độc giả từ những đoạn nhật ký. Tuy vậy, tại Liên hoan phim châu Âu ở Việt Nam lần này, bên cạnh những tuyệt tác như Son of Saul (Con trai của Saul), The Hunt (Cuộc săn lùng), My, myself and mum (Tôi, bản thân mình và mẹ)… thì Notes on blindness thuộc số những tác phẩm điện ảnh đáng thưởng thức nhất. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI