Phim "nhồi" quảng cáo, khán giả "ngộp"!

22/09/2013 - 15:45

PNO - PN - Sự cố phim Lửa Phật đang bị các cơ quan chức năng xem xét xem có quảng cáo rượu hay không đã một lần nữa khơi lại những bực mình của khán giả với tình trạng quảng cáo trá hình tràn lan trong phim Việt. Vì nhồi nhét quá nhiều...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hiện kinh phí thực hiện một phim truyện nhựa ít nhất cũng tốn năm-bảy tỷ đồng, phim truyền hình khoảng bốn-sáu tỷ đồng/30 tập - số tập trung bình của một phim hiện nay. Việc huy động vài tỷ để làm phim không hẳn là chuyện khó nhưng với một thị trường nhỏ bé như Việt Nam, khả năng thu hồi vốn rất bấp bênh nên để giảm chi phí, đồng nghĩa với việc hạn chế mức độ rủi ro, đơn vị đầu tư tất yếu phải tìm đến các nhà tài trợ. Nếu một mẩu quảng cáo 30 giây trên truyền hình (TVC) có giá khoảng 30-60 triệu/phút thì mức giá tài trợ cho phim chỉ từ 5-10 triệu đồng/phút. Một phim truyền hình chiếu xoay vòng được nhiều kênh, phim chiếu rạp thì sau khi phát hành vòng một ở các thành phố lớn còn len lỏi đến các tỉnh thành nhỏ ở vòng chiếu thứ hai. Nghĩa là, tầm phủ sóng của sản phẩm quảng cáo rộng hơn, tần suất lặp lại nhiều lần hơn. Như vậy so với việc thực hiện một TVC, hình thức tài trợ cho phim có lợi hơn nhiều.

Phim
Váy hồng tầng 24 không khác gì phim quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm

Kết quả của những cú bắt tay đôi bên cùng có lợi này hiển thị khá rõ trong khâu bối cảnh, trang phục và đạo cụ. Chẳng hạn, hầu hết bối cảnh chính của phim Long ruồi quay ở khách sạn W. và S. - hai bất động sản của nhà tài trợ chính; các góc quay trong phim Mỹ nhân kế đặc tả mọi ngóc ngách của resort N. ở Khánh Hòa... Ở phim truyền hình, khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được phát huy tối đa. Gia cảnh các nhân vật dù khác nhau thế nào thì trong nhà cũng đều xài chung một nhãn hiệu chăn drap gối nệm, nấu nướng lúc nào cũng xài đúng một hiệu dầu ăn; trên kệ bếp, bàn ăn luôn có sẵn chai nước tương, nước mắm nhãn hiệu nào đó; ăn cơm xong già trẻ bé lớn trong nhà đều mời nhau nhai kẹo chewingum…

Người thực hiện việc đưa sản phẩm vào phim là đạo diễn. Nếu đạo diễn lồng ghép khéo léo khán giả sẽ đỡ thấy phản cảm. Ngược lại, người xem rất bực mình. Trong Sài Gòn Yo! hai nhân vật nữ chính đứng cạnh những chiếc ti vi 3D to đùng, dõng dạc giới thiệu về chiếc ti vi, quanh họ cũng đầy những banner quảng cáo cho dòng ti vi này. Trong Cưới ngay kẻo lỡ, nhân vật nam cải trang nữ đưa miếng băng vệ sinh lên mũi... ngửi khen thơm. Phim truyền hình Chuyện tình mùa thu, nhân vật nam là con nhà giàu, đi du học ở nước ngoài về nhưng hễ vào nhà hàng là gọi chai trà xanh. Phim Bí mật Eva có cảnh cả nhà ăn phở, người vợ cầm chai nước mắm xịt lia lịa vào tô của chồng con. Phim Blog nàng dâu các nhân vật mua sắm hay mua quà tặng đều đến đúng một cửa hàng thời trang. Phim Váy hồng tầng 24 đang phát thì không khác gì một phim quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm.

Tình trạng nhồi nhét sản phẩm quảng cáo vào phim một cách lộ liễu không chỉ là “bệnh” riêng của phim Việt mà phim Trung Quốc, Hàn Quốc cũng mắc phải. Tuy nhiên, Trung Quốc, Hàn Quốc luôn giám sát chặt chẽ và kịp thời tuýt còi những phim vi phạm. Một số phim của Hàn Quốc như I miss you; Cheongdamdong Alice; That winter, the wind blows đã bị Ủy ban tiêu chuẩn Hàn Quốc cảnh cáo hoặc phạt tiền do lồng ghép quảng cáo quá đà. Luật quảng cáo trong phim truyền hình nước này cũng quy định rõ việc sử dụng từ ngữ, lời thoại có ý ám chỉ tới sản phẩm hay mức độ lặp lại hình ảnh sản phẩm… Trong khi đó ở ta, Luật Quảng cáo chỉ chung chung, không quy định chi tiết về thời lượng, hình thức quảng cáo trong phim ảnh nên các cơ quan chức năng không biết dựa vào đâu để bắt bẻ. Hậu quả: khán giả bị buộc phải chấp nhận “sống chung với lũ” dài dài.

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI