Phim nghệ thuật: Xem ở đâu?

05/09/2020 - 17:48

PNO - Mới đây, ứng dụng giải trí POPS đã công bố chính thức việc mua bản quyền sáu tác phẩm điện ảnh đình đám của Hàn Quốc để phát trên nền tảng này. Đây là một trong những nỗ lực của các nền tảng trực tuyến Việt Nam nhằm đưa tác phẩm chất lượng có bản quyền tiếp cận số đông khán giả.

Lúng túng việc xem phim trả phí

Việt Nam hiện có khoảng năm kênh dịch vụ trực tuyến trả tiền hoạt động nổi bật, gồm Netflix, Danet (thuộc BHD), Galaxy Play (trước là Film+, thuộc Galaxy E&M), HBO Go (thuộc nền tảng FPT Play) và gần đây là VieON. Riêng nền tảng POPS cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Mỗi nền tảng này đều hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu riêng. Nếu nội dung của POPS đa dạng ở các mảng từ show trò chuyện hỏi đáp, series phim cho đến các chương trình du lịch, ẩm thực…  VieON chủ yếu khai thác mảng gameshow và phim truyền hình dựa trên nguồn hỗ trợ nội dung từ tập đoàn mẹ Đất Việt VAC, thì bốn nền tảng đầu tiên dành nhiều ưu tiên hướng đến mảng phim truyện, gồm phim điện ảnh, series phim truyền hình.

Bộ phim tài liệu dài 85 phút có tên My love, don’t cross river của điện ảnh Hàn sau sáu năm tạo hiệu ứng xã hội tại quê nhà và Hollywood, đã cập bến rạp chiếu Việt mới đây
Bộ phim tài liệu dài 85 phút có tên My love, don’t cross river của điện ảnh Hàn sau sáu năm tạo hiệu ứng xã hội tại quê nhà và Hollywood, đã cập bến rạp chiếu Việt mới đây

Trước khi Netflix tiếp cận khán giả Việt với kho phim khổng lồ được dịch sang tiếng Việt thì Danet, Galaxy Play và HBO Go đã giới thiệu đến khán giả nhiều bộ phim hay của điện ảnh và truyền hình thế giới. Một số khán giả Việt Nam còn tiếp cận thêm các nền tảng của Apple + hay Amazon Prime. Khi các nền tảng cạnh tranh nhau, người tiêu dùng luôn là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy các phim điện ảnh phát trên những nền tảng này hoặc là phim do họ bỏ tiền sản xuất (như Netflix) hoặc mua lại bản quyền của những tác phẩm đã được phát hành tại rạp chiếu. Và phần nhiều, lượng phim được mua bản quyền từ các nhà sản xuất mang tính chất giải trí, là những phim bom tấn, siêu anh hùng hoặc phim hành động, tình cảm nổi bật như The Note Book, One Day

Nhiều khán giả bày tỏ: “Nếu là người thường xem phim rạp thì những phim phát trên các nền tảng này không còn mới nữa. Chúng tôi muốn xem các phim mới hơn, hoặc tìm xem lại các phim kinh điển, phim có tính nghệ thuật cũng không biết xem ở đâu khi các nền tảng trả tiền không có”.

“Với Netflix, tôi thường xem phim tài liệu nhiều hơn là phim điện ảnh, vì không phải phim nào họ sản xuất cũng đáp ứng được nhu cầu của tôi” - chị Quỳnh Hà, một người xem có tài khoản Netflix bày tỏ.

Không ít khán giả lúng túng trong việc “muốn xem phim nghệ thuật” có trả phí thì xem ở đâu. Khi tìm kiếm trên mạng thì tiếp cận các trang phim lậu là cách giải quyết vấn đề “nhanh, gọn, lẹ” mà rất nhiều người Việt hiện nay chọn lựa.

Thói quen khó bỏ

“Quan điểm của tôi là mọi thứ đều cần thời gian và nỗ lực của những nền tảng kinh doanh có bản quyền, để khán giả hiểu rõ hơn về quyền sở hữu trí tuệ, và “chịu khó” tìm nguồn phim tin cậy để xem. Như cách đây 10 năm, việc kiếm phim để xem không hề dễ dàng. Nếu không nhờ những địa chỉ khiêm tốn như Cinematheque hay TPD ở Hà Nội thì không biết tìm xem phim ở đâu. Internet phát triển giúp mọi người dễ dàng tiếp cận nguồn phim dồi dào cả cũ và mới. Nhưng nó nảy sinh vấn đề: các website chiếu phim lậu mọc lên như nấm. Đây là lúc các đơn vị kinh doanh phim ảnh có bản quyền cần rất dũng cảm tiếp tục đầu tư, mua phim và cạnh tranh với các đối tượng không lành mạnh của thị trường.

Thế mạnh của các website lậu là sở hữu lượng phim kinh điển dồi dào có phụ đề tiếng Việt, nên lấn lướt các nền tảng có bản quyền. Nhưng, như vậy không có nghĩa là website lậu có phim đó nên tôi xem, chứ không phải tôi muốn xem trên mấy website đó” - Tuấn Larlame, cựu du học sinh ngành điện ảnh tại Pháp cho biết.

Cây bút phê bình điện ảnh Hải Duy phân tích thêm: “Các nền tảng trực tuyến hiện nay cũng có kho phim dành cho phim nghệ thuật dù khá ít ỏi. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, bản thân các nhà làm phim nghệ thuật, phim độc lập không có nhu cầu bán tác phẩm của họ cho các nền tảng trực tuyến. Mục tiêu họ hướng đến là các Liên hoan phim (LHP) và vì thế, họ phải tuân thủ quy định về bản quyền.

Thứ hai, các nền tảng trực tuyến ưu tiên mua phim giải trí hơn là bởi nó dễ tiếp cận số đông người xem hơn. Mặt khác, họ còn đầu tư cho những tác phẩm họ sản xuất. Câu chuyện ở đây là kinh doanh và lợi nhuận. Và thứ ba, hiện nay rạp chiếu và các hãng sản xuất phim truyền thống đang bị cạnh tranh dữ dội từ các nền tảng trực tuyến. Việc họ không muốn bán những tác phẩm do họ sản xuất cho các nền tảng này cũng là điều dễ hiểu, vì quan điểm của họ là giải trí trực tuyến đang góp phần bóp chết ngành công nghiệp điện ảnh.

Tại các nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, sau khi chiếu rạp, bộ phim còn có nhiều cách khác tiếp cận những đối tượng khán giả không có điều kiện đến rạp như DVD hoặc bán cho các nền tảng trực tuyến. Không ít các câu lạc bộ (CLB) điện ảnh, trung tâm điện ảnh hoặc trường chuyên dạy về điện ảnh tại Việt Nam như Xine House, Ơ kìa Hà Nội, Cà phê thứ Bảy, CLB Điện ảnh của trường Đại học Hoa Sen, Toong, CLB Điện ảnh Hồng Hạc… tiếp cận các phim nghệ thuật theo hình thức DVD hoặc mua bản quyền tượng trưng, sau đó chiếu miễn phí (phi lợi nhuận)/ bán vé tượng trưng cho người xem, mà đa phần là những người yêu điện ảnh, muốn học và hiểu thêm về bộ môn này. 

Thực tế, nhiều năm gần đây, điện ảnh Việt chứng kiến sự mở cửa và giao thoa với nền điện ảnh của nhiều nước trên thế giới. Do đó, mỗi năm bên cạnh các phim tranh giải Oscar được các đơn vị phát hành trong nước mua bản quyền và chiếu rạp, thì các LHP của các quốc gia hay khu vực cũng thường xuyên được tổ chức. Khán giả có thể mua vé để thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn theo đúng chuẩn âm thanh, hình ảnh mà ekip làm phim dày công thực hiện.

Lê Phan 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI