Phim ngắn Việt ra quốc tế: Phép thử cho ai?

13/12/2018 - 09:46

PNO - Phim ngắn Việt đích thị là phép thử cho các nhà làm phim mới nhưng cũng đồng thời thử luôn trí não người xem, bởi những cách thể hiện của người làm phim mang tính 'thể nghiệm' nhiều đến mức khán giả trong nước còn thấy xa lạ.

Phim ngắn được xem là phép thử tay nghề của các nhà làm phim trẻ và giờ đây họ không chỉ thử ở các sân chơi trong nước mà còn muốn vươn xa hơn, ra các liên hoan phim quốc tế. Nhưng trên đường ra thế giới, phim ngắn Việt có thật chỉ là phép thử dành cho đạo diễn hay còn cho ai nữa? Đó là băn khoăn còn lại sau cuộc thi phim ngắn đầu tiên mà tác phẩm được chọn sẽ được hỗ trợ đưa đi dự thi quốc tế.

Sau gần 6 tháng phát động, “Dự án phim ngắn CJ” - cuộc thi phim ngắn đầu tiên mà người làm phim ngoài việc nhận được kinh phí thực hiện còn được ban tổ chức hỗ trợ đưa phim tham dự các liên hoan phim uy tín trên thế giới - đã kết thúc vào ngày 4/12.

Trong số 250 dự án, rốt cuộc chỉ có bốn dự án được chọn tài trợ với mức 200 triệu đồng/tác phẩm. Các tác phẩm này, gồm: Ngọt, mặn (Dương Diệu Linh); Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Phạm Thiên Ân); Một khu đất tốt (Phạm Ngọc Lân), Ba lô hồng (Chu Ánh Nguyệt) sẽ lên đường “chinh chiến” ở các liên hoan phim quốc tế.

Phim ngan Viet ra quoc te: Phep thu cho ai?
Cảnh làm phim Ba lô hồng - một trong bốn phim ngắn được chọn trong “Dự án phim ngắn CJ”, có kết thúc khá đánh đố người xem

Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, phía Hàn Quốc đã chọn được năm tác phẩm, gồm: Sera của tôi (DeokGeun Kim), Vì chúng ta không biết chúng ta là ai (SeungYup Han), Địa chỉ liên lạc (JeeIee Kang), Sangju (JeongYoon Cha) và Cô bạn nhiều lông (MulGeol Kang).

Lâu nay, khán giả Việt Nam chỉ được xem những sản phẩm “made in Vietnam” chứ chưa từng được xem phim Việt lẫn phim nước ngoài trong cùng một cuộc thi dành cho phim ngắn. “Dự án phim ngắn CJ” là cơ hội hiếm hoi để công chúng có dịp so sánh phim ngắn trong nước và nước ngoài, để từ đó nhận ra những phim ngắn Việt sắp đem chuông đi đánh xứ người là phép thử cho đạo diễn hay khán giả.

Có một trùng hợp khá thú vị khi có đến 7 phim ngắn ra mắt hôm bế mạc cuộc thi đều lấy hình ảnh phụ nữ làm trung tâm, phản ánh những vấn đề của nữ giới như khủng hoảng tuổi vị thành niên của bé gái, chuyện phá thai, bạo hành gia đình, chồng ngoại tình, nỗi niềm nội trợ... Có điều, nếu phim của các đạo diễn Hàn có cốt truyện dễ hiểu, mở và kết gọn ghẽ thì phim Việt khá đánh đố người xem, bởi kết thúc phim hay bỏ ngỏ.

Chẳng hạn, với Ba lô hồng, khi cảnh phim cuối cùng hiện ra: người phụ nữ làm nghề thu gom rác đặt chiếc ba-lô hồng xuống chiếc ghế bố - nơi con trai bà đang nằm, người xem băn khoăn tự hỏi, rốt cuộc trong ba-lô chứa gì, người đàn bà này rốt cuộc là người xấu hay tốt. Kết phim Ngọt, mặn không cho thấy kết quả trận đánh ghen mà ngay từ đầu được cho là trọng tâm câu chuyện. Trong khi đó, xem năm phim Hàn, diễn biến tâm lý, tình cảm cùng cái kết dành cho nhân vật đều được trình bày rõ ràng, đến nơi đến chốn. 

Khán giả bình thường khó mà hiểu được ý tưởng “coi mình là trung tâm vũ trụ” của Hãy tỉnh thức và sẵn sàng khi những gì diễn ra trên màn hình là cảnh ba người thanh niên đang ngồi bàn tán về một tai nạn giao thông mới xảy ra gần nơi họ nhậu và một cậu bé bán hàng rong xuất hiện. Cậu bé bị tố lấy tờ 500.000 đồng của một trong ba thanh niên nên người khách rượt theo cậu bé đòi lại tiền để rồi quay lại bàn nhậu với đôi chân bị một vết rách dài chảy máu ròng ròng.

Kể cả khi biết được bí mật về phim là cảnh quay được thực hiện với một cú máy dài (long shot) - một thử thách dành cho đạo diễn - người xem cũng không cảm nhận được giá trị, sự cần thiết của việc làm này.

Trái lại, trong Vì chúng ta không biết chúng ta là ai, khán giả thích thú với cách thể hiện hóm hỉnh câu chuyện một cô gái chỉ nhổ răng khôn nhưng lại trầm trọng hóa nỗi đau của mình, muốn cả thế giới phải quan tâm - thông qua cảnh đài truyền hình tổ chức đưa tin, phỏng vấn bác sĩ nhổ răng cho cô; cô gái phát loa phóng thanh về tình trạng đau sau khi nhổ răng cho cả rạp phim cùng biết và yêu cầu nhân viên soát vé phải thông cảm cho một người đau răng như cô vào rạp xem phim, dù cô không có vé.

Phim ngan Viet ra quoc te: Phep thu cho ai?
Cảnh quay trong Hãy tỉnh thức và sẵn sàng- một phim ngắn của Phạm Thiên Ân sẽ được phát triển thành phim truyện dài

Phim ngắn không phải qua kiểm duyệt, cũng không chịu áp lực doanh thu nên là nơi để đạo diễn thỏa chí sáng tạo. Nói phim ngắn Việt đích thị là phép thử cho các nhà làm phim mới nhưng cũng đồng thời thử luôn trí não người xem, bởi những cách thể hiện của người làm phim mang tính “thể nghiệm” nhiều đến mức khán giả trong nước còn thấy xa lạ.

Sức mạnh của phim ảnh nằm ở chỗ vượt ra khỏi rào cản ngôn ngữ để ngay cả người xem bình thường cũng hiểu được những thông điệp mang tính toàn cầu, như nhận định của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - một trong năm giám khảo của “Dự án phim ngắn CJ”: “Liên hoan phim quốc tế chú trọng những tiếng nói riêng, những câu chuyện quen thuộc, những mối quan tâm thường nhật trong xã hội, được nhìn bằng khung hình riêng của đạo diễn”.

Nhưng khi sử dụng cùng ngôn ngữ mà phim ngắn Việt còn gây khó hiểu cho số đông thì liệu có ai cảm được khi ra quốc tế? 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI