edf40wrjww2tblPage:Content
“Cầm máy quay vui lắm!”
Ông Mười Thành, người cầm máy quay bộ phim Trên cánh đồng cha ông (Develop father’s rice and homeland, thời lượng ba phút) đã nói như thế sau những ngày làm "đạo diễn" ngay trên thửa ruộng nhà mình.
“Vui vì được quay cánh đồng gắn bó với mình và những gì bà con mình làm lâu nay. Vui vì đã giữ được miếng đất của ông cha để lại. Nhớ hồi sau giải phóng, gia đình tôi chẳng có trâu cày. Tôi cuốc đất mà ngao ngán. Nhưng rồi từng ngày cây lúa cũng lên xanh. Mỗi lần đi thăm ruộng thấy lòng phơi phới, riết rồi quen dần. Nghĩ công sức lao động của mình bao nhiêu năm cũng xứng đáng” - ông bộc bạch.
Những người nông dân chân lấm tay bùn ở miền quê nghèo này ai cũng gắn đời mình với ruộng đồng hàng thập kỷ. Cũng vì thế mà góc nhìn của họ trong những thước phim vừa dung dị, gần gũi, vừa nói lên được những khó khăn thách thức và nỗ lực trong suốt mấy mươi năm ròng rã nắng mưa.
Điều làm nên sức hút tự nhiên của những bộ phim chính là sự chân chất, hồn hậu của những người nông dân. Cuộc sống và suy nghĩ của họ được thể hiện trên những thước phim ngắn dung dị, mộc mạc như chính con người họ. Đến cả câu “Bây giờ là máy đang quay phải không?” vẫn được giữ nguyên trong phim ngắn của “đạo diễn” Bảy Ước.
Những câu nói như: “Nè ngó lên cái coi Chuột”, “Chưa ăn cơm sao mà ăn bánh mì vậy Lùn”, “Cho ông nội hun cái nha hôn?”, “Dễ thương quá bây!”, “Để tau quay bả một cái”… như gia vị đặc biệt khiến những thước phim không hề nghệ thuật, không ngôn ngữ điện ảnh hay lời thoại trau chuốt mà vẫn khiến người xem cảm thấy vô cùng thú vị.
Cuộc thi năm nay có chủ đề Nông trại và gia đình (Farm and Family), được Ban tổ chức Youfarm toàn cầu chọn vì lý do: hơn 500 triệu trong số 570 triệu nông trại trên toàn thế giới được các hộ gia đình điều hành. Bởi thế, ngoài câu chuyện về quá trình khẩn hoang, bốn phim ngắn còn là câu chuyện của tình yêu thương, đồng cam cộng khổ và nối nghiệp đồng áng của nhiều thế hệ.
“Tôi về nơi này năm 1978, hồi đó nước ngập lênh láng như biển, hoang đàng chi địa nhìn thấy ghê lắm. Dần dần mới được khai phá cho đến được như bây giờ” - ông Mười Nên nhớ lại. Trong những thước phim ngắn của mình, ông gửi gắm: “Có gì cũng phải bám ruộng mà sống” khi người con trai tâm sự rằng làm ruộng vất vả mà tiền thu một năm không bằng hai tháng đi làm công nhân.
Đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh hướng dẫn tác nghiệp cho "đạo diễn" nông dân Mười Thành
Yêu hơn đồng lúa quê mình
Đạo diễn (ĐD) Tạ Nguyên Hiệp - người đã ăn ngủ cùng nông dân suốt thời gian tham gia dự án, nói: “Lúc trình bày ý tưởng xong, các bác nói… không hiểu gì hết, thôi cứ làm đi, nói tới đâu làm tới đó. Thời gian đầu trao máy quay vào tay các bác, lúc thì out nét (mất nét), lúc dư sáng, khung hình bị rung lắc… Lâu nay nhiều người cứ nghĩ nông dân tảo tần, lam lũ nhưng có làm việc cùng mới thấy họ rất giỏi về khoa học kỹ thuật, rất ham học hỏi. Cho nên các bác học cách sử dụng máy quay cũng rất nhanh”.
Bà Dương Vân Anh - người giám sát dự án cho biết, nông dân tham gia dự án trên toàn cầu được khuyến khích dự thi bằng máy quay điện thoại thông minh. Nhưng điện thoại của bốn gia đình nông dân ở đây được chọn chỉ có chức năng… nghe - gọi. Ban tổ chức đã hỗ trợ mỗi “đạo diễn” một máy chụp ảnh có chức năng quay phim. Các nhà làm phim chân đất tự do đưa vào ống kính hình ảnh nào thấy thích.
Có xem hậu trường làm phim mới thấy các “đạo diễn” có cách tác nghiệp rất đa dạng: đi chân đất trên những con đường mấp mô, mặc… quần tà lỏn lội ruộng, lội kênh để có những cú dolly (lia máy) theo nhân vật; nhóm đạo diễn chuyên nghiệp trở thành… phụ quay (ba ĐD trẻ Tạ Nguyên Hiệp, Trịnh Đình Lê Minh và Nguyễn Hữu Tuấn đã cùng hỗ trợ nông dân làm phim trong dự án này).
Quay phim xong, thấy thêm yêu đồng ruộng quê mình là chia sẻ chung của các nhà làm phim chân đất, vì “ngó cái gì thấy cũng quen mà sao lên phim nó đẹp quá”. Bốn phim với thời lượng rất ngắn nhưng đã cho người xem trải nhiều cảm giác đẹp đẽ về cánh đồng. Lồng ghép trong những câu chuyện đời thường giản dị ấy là tình yêu dành cho đồng ruộng, gia đình và cuộc sống.
Dù điều kiện sống có khó khăn nhưng toát lên trên hết vẫn là tinh thần lạc quan, hào sảng, yêu đất yêu người và sự gắn bó máu thịt với đồng ruộng quê nhà của những người nông dân. Gần như các nhà làm phim chân đất tận dụng hết những gì mình có đưa vào khung hình: đám trẻ con ở truồng tắm mưa, đàn gà, con chó, chuồng bò, chuồng heo, bờ kênh, rặng dừa và cả… cầu tõm; bố cục rất… đa dạng, những cú lia máy cũng thật bất ngờ… Tất cả làm nên những thước phim chân quê ấn tượng.
TIỂU QUYÊN
Hai phim của nông dân Việt được chọn vào top 30 Youfarm toàn cầu
Theo kết quả bình chọn từ trang web Youfarm quốc tế, hai trong bốn bộ phim ngắn do nông dân Việt Nam thực hiện đã lọt vào top 30 của cuộc thi YouFarm toàn cầu. Đó là phim Cha và con (The farmer and his son, ĐD Mười Nên) và Trên cánh đồng cha ông (Develop father’s rice and homeland, ĐD Mười Thành). Đây cũng là hai phim được chọn trao giải cao nhất của ban tổ chức Youfarm - Cánh đồng quê tôi.
Hai phim còn lại: Nhà nông và công nghệ (Technology and Farming, ĐD Bảy Ước) và Ruộng nhà tôi (My farming, my family, ĐD Năm Sữa) được trao giải ba và giải khuyến khích. Người đoạt giải sẽ nhận được chuyến đi khắp châu Á, khởi hành từ Canberra (Úc - nơi diễn ra lễ trao giải) và giao lưu cùng các gia đình nông dân quốc tế.