Đề cao văn hóa gia đình
Sau 12 tập phát sóng, chương trình Phim ngắn cuối tuần (phát sóng lúc 19g50 Chủ nhật hằng tuần trên kênh truyền hình Vĩnh Long 1), dần trở thành “món ngon” không thể thiếu cho người xem vào mỗi cuối tuần, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Nói về phim ngắn, nếu các phim dạng sitcom trên VTV, HTV thường có màu sắc vui nhộn, giải trí, thì dòng phim ngắn trong chương trình này của Đài truyền hình Vĩnh Long mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, lắng đọng, bởi ý nghĩa nhân văn trong từng câu chuyện.
Qua 12 số đã phát (dự kiến dài 50 số), chủ đề Phim ngắn cuối tuần chỉ tập trung xoay quanh tình cảm gia đình, chủ yếu là mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái (tập phim Máu đào, Gia tài của ba, Mẹ già, Chiếc điện thoại, Mẹ anh mẹ em, Tiếng chổi tre), tình vợ chồng (Tình già), tình anh chị em (Người anh nuôi, Chị Hai, Chồng muộn). Ngoài ra còn có những câu chuyện về tình người (Gã hoàn lương, Cuối đường hạnh phúc).
|
Các phim trong Phim ngắn cuối tuần rất giàu ý nghĩa (trong ảnh: một cảnh trong phim ngắn Chị Hai) |
Với thời lượng chỉ 15 phút/tập, những tập phim không có thời gian diễn giải dài dòng tình tiết hay kéo rê tâm lý nhân vật, mà chuyển tải khá gãy gọn cốt truyện, những đoạn cao trào cũng được xử lý nhanh, diễn viên đều là những gương mặt tên tuổi nên nhập vai thuyết phục. Trên hết sau mỗi tập phim, người xem đều nhận ra thông điệp rất rõ ràng, không mang tính giáo điều, áp đặt mà chỉ để lại nhiều điều suy ngẫm, để mỗi người tự rút ra kinh nghiệm ứng xử.
Có những thông điệp ấn tượng như cuộc tình đẹp nhất không phải là cuộc tình của Romeo và Juliet mà là tình yêu của hai ông bà lão sống với nhau trọn đời (Tình già), nếu muốn giàu có đừng cho phép bản thân có những cái cớ xa xỉ (Gia tài của ba), gia đình không đơn thuần được tạo ra từ huyết thống mà được tạo ra từ tình cảm chân thành (Người anh nuôi).
Dù đề tài bị lặp lại, như tập Mẹ già và Chiếc điện thoại đều nói về sự vô tâm của con đối với mẹ già, hay tập Chị Hai và Chồng muộn đều là câu chuyện về một người chị luôn hy sinh cho cha mẹ già và các em, nhưng tình huống mỗi tập được dàn dựng khác nhau, thông điệp cũng phong phú, nên bớt đi cảm giác bị trùng lắp. Chẳng hạn tập Chị Hai đưa ra thông điệp “con người hơn nhau ở cách sống chứ không phải địa vị kinh tế”, còn ở Chồng muộn là “hạnh phúc không thể có được khi chữ hiếu chưa tròn”. Nhờ sự ngắn gọn cả về thời lượng lẫn cách thể hiện, mà các tập phim trong Phim ngắn cuối tuần lôi cuốn được người xem giữa thời buổi khán giả “bội thực” những phim truyền hình dài tập lê thê, lạm dụng yếu tố bi kịch.
Phim ngắn Chiếc điện thoại:
Vui và lo
Một điểm khác cũng khá thú vị của Phim ngắn cuối tuần là sự “lột xác” của một số gương mặt quen thuộc. Khán giả xem phim truyền hình vốn đã quen với một Thân Thúy Hà thường vào vai những người vợ, người mẹ sắc sảo, hung dữ, nay bất ngờ khi thấy cô hóa thân thành một phụ nữ nhà quê đen nhẻm, tảo tần, chịu thương chịu khó. Quách Ngọc Tuyên vốn gắn liền với những vai giang hồ, nay vào vai một thanh niên nghèo khổ, lam lũ.
Diễn viên Thân Thúy Hà bày tỏ: “Phim Chị Hai và Chồng muộn là hai tập phim ngắn mà nhân vật do Hà thủ vai thuộc típ Hà rất thích, đó là hình ảnh người phụ nữ chân quê đậm chất miền Tây, với những đức tính hy sinh, tảo tần, chịu thương chịu khó”.
Phương Điền - đạo diễn chương trình Phim ngắn cuối tuần - cho biết: “Kịch bản của Phim ngắn cuối tuần do ê-kíp biên tập của Đài truyền hình Vĩnh Long sưu tầm, chọn lọc từ nhiều nguồn. Mỗi tập phim là những câu chuyện phát triển từ đời sống thực, đưa ra nhiều bài học về nhân sinh quan. Cái khó của phim ngắn là thời lượng quá ít, nên tình tiết phải cố gắng súc tích, nhân vật phải sát thực tế, và cố gắng làm sao để bật lên tính cách của họ. Phim làm về tình cảm gia đình, nên khi thực hiện, đôi lúc cốt truyện cũng khiến tôi trăn trở, liên tưởng nhiều đến những người thân trong gia đình mình, nhất là những tập nói về mẹ”.
Đồng cảm với đạo diễn Phương Điền, diễn viên Trung Dũng (đóng trong tập Gia tài của ba và Chồng muộn) chia sẻ: “Hai vai diễn của tôi trong Phim ngắn cuối tuần rất nhẹ nhàng, nhưng tôi vẫn hào hứng tham gia vì câu chuyện rất nhân văn, và phim lại ghi hình ở quê nhà Vĩnh Long nên tôi cũng có dịp về nhà thăm mẹ”. Thân Thúy Hà thì cho biết cô rất thích bối cảnh căn nhà và các loại trái cây, mâm cơm trong phim, vì gợi nhớ nhiều kỷ niệm của cô thời thơ ấu ở quê nhà.
Phim ngắn Chị Hai:
Nhiều tuần qua, trong top 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất luôn có mặt Phim ngắn cuối tuần, chứng tỏ những điều giản dị, nhân văn luôn có sức lan tỏa, thu hút người xem. Bên cạnh niềm vui về hiệu quả tích cực của chương trình, đạo diễn Phương Điền tâm sự anh khá lo vì: “Mỗi tập phim thường ghi hình mất một ngày, chương trình mới quay xong 15 tập thì dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM lẫn các tỉnh miền Tây, nên đoàn phim không thể tiếp tục vì bối cảnh phim hoàn toàn diễn ra ở Vĩnh Long. Hiện nay phim đã phát đến tập 12, hy vọng sau ba tuần nữa phát hết số tập đã làm, thì dịch bệnh cũng kiểm soát được để ê-kíp lên đường làm tiếp. Còn hiện tại, ê-kíp đang tranh thủ thời gian này để hoàn thành kịch bản các tập mới”.
Hương Nhu