Những ai theo dõi phim chiếu rạp tại VN hẳn đã bất ngờ vì tuần qua có đến hai phim Nga và một phim Nhật ra rạp - chuyện hiếm hoi ở VN, vì phim của hai nền điện ảnh này chỉ thảng hoặc xuất hiện ở một sự kiện nào đó, chứ chưa từng “kéo nhau” ra rạp như hiện tượng trong ngày 17/3 vừa qua.
|
Phim Nhật Quyển sổ từ thần |
Phim tâm lý hình sự tội phạm Quyển sổ tử thần của Nhật chuyển thể từ truyện tranh Death Note - một trong những huyền thoại manga nổi tiếng. Hai phim Cô dâu ma và Công chúa ma cà rồng của xứ sở bạch dương đều là phim kinh dị; trong đó Cô dâu ma dựa trên một câu chuyện có thật còn Công chúa ma cà rồng thì pha thêm yếu tố khoa học viễn tưởng, được xem là tác phẩm kết hợp giữa Twilight và Men in Black - hai loạt phim nổi tiếng của Hollywood. Tính từ đầu năm đến nay, đã có bốn phim Nga trình chiếu tại VN (hai phim kia là Không gian mê hoặc và Siêu chiến binh).
Trên thế giới, Nga và Nhật đều là những nền điện ảnh lớn nhưng lại ít phổ biến ở nước ngoài. Ở VN thì dòng phim chủ lực ra rạp lâu nay chỉ là phim Mỹ, VN; thỉnh thoảng mới thấy phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Hiện thị trường chiếu bóng tăng trưởng mạnh, dẫn đến sự nở nồi của các đơn vị phát hành phim, nên bắt đầu phát sinh nhu cầu tìm nguồn phim mới, bởi các phim của Hollywood gần như đã nằm trọn trong tay hai “ông lớn” là CGV, Galaxy. Có lẽ, đó là cơ hội để phim Nga, Nhật được đưa vào VN.
|
Phim Nga Công chúa ma cà rồng |
Món ngon ăn mãi cũng chán nên người xem cũng tò mò muốn tìm những món mới. Năm 2013, Mật mã Dyatlov, một phim theo phong cách giả tài liệu dựa trên câu chuyện về chín nhà thám hiểm trẻ mất tích bí ẩn năm 1959 đã mang phim Nga trở lại với rạp Việt sau hơn hai thập niên vắng bóng. Năm 2015, khán giả VN có dịp làm quen với phim Nhật chiếu thương mại qua tác phẩm kinh dị Xi nê… ma, kể về nhóm bạn trẻ muốn khám phá những nỗi khiếp sợ kinh hoàng tại ngôi nhà ma Senritsu Meikyu - địa danh có thật ở Nhật.
Nếu phim Nga chiếu ở VN thường là những tác phẩm viễn tưởng, phô trương kỹ xảo (Mafia: Trận chiến sinh tử, Trò ma thuật, Không gian mê hoặc) thì các phim Nhật được chọn phát hành lại chủ yếu là hoạt hình và kinh dị - dòng phim sở trường của điện ảnh đất nước mặt trời.
Ông Châu Quang Phước, quản trị dự án của BHD, đơn vị phát hành phim Quyển sổ tử thần cho biết: “Quyển sổ tử thần là xê ri phim trinh thám hàng đầu tại Nhật, dựa trên bộ truyện tranh cùng tên Death Note từng được chuyển thể thành phim hoạt hình và loạt phim live-action nên thu hút một lượng lớn khán giả là fan của truyện. Họ hào hứng xem và so sánh với các phiên bản cũ rất rôm rả. Văn hóa Nhật nhìn chung vẫn còn hơi xa lạ với khán giả Việt, không gần gũi như Hàn Quốc, nên phim Nhật ra rạp chủ yếu hướng đến lượng fan của anime, manga. Việc nhập phim cũng mang tính thăm dò, mở đường, chưa đặt mục tiêu lợi nhuận”.
Có lẽ đó cũng là lý do khiến những ai không phải tín đồ của truyện tranh, hoạt hình Nhật khó bỏ tiền ra rạp xem Shin Godzilla: Sự hồi sinh, Doraemon: Tân Nobita và nước Nhật thời nguyên thủy, Thám tử lừng danh Conan: Cơn ác mộng đen tối, Once piece film: Gold, Pokémon XY&Z: Volkenion và Magiana Siêu máy móc - những phim Nhật đã chiếu ở VN trong các năm 2015, 2016.
Với phim Nga, việc tìm kiếm sự đồng cảm của khán giả VN càng khó hơn, không chỉ vì khoảng cách văn hóa Âu - Á mà còn do đặc trưng làm phim của nước này. Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Tổng giám đốc Công ty phim A VN, đơn vị tiên phong đưa phim Nga trở lại VN (đã nhập Mật mã Dyatlov, Cuộc phiêu lưu, Không gian mê hoặc) lý giải: “Điện ảnh Nga đã tiến bộ rất nhiều, kỹ xảo hiện đại, đề tài khá thời thượng nhưng chưa thành công ở VN vì việc lựa chọn phim chưa hợp thị hiếu, thời điểm phát hành chưa đúng”.
Thị hiếu - theo ông Nhiêm là do phim Nga theo phong cách làm phim cổ điển, nặng tính logic, giảng giải nhiều nên nặng nề, khán giả VN không chuộng. Xem các phim Trò ma thuật, Công chúa ma cà rồng, Không gian mê hoặc hay Siêu chiến binh, có thể thấy trình độ kỹ xảo đồ họa của phim Nga không thua gì Hollywood, nhưng nội dung lại kém thu hút. Phim Siêu chiến binh là một ví dụ, những ai xem “bom tấn” siêu anh hùng đầu tiên của Nga này vào cuối tháng Hai vừa qua đều không khỏi ngán ngẩm vì chuyện phim lủng củng, rời rạc, các nhân vật hành xử không đầu không đuôi.
Trong số những phim Nga đã về VN, Lời nguyền con đầm bích là trường hợp hiếm hoi thu hút người xem, mà theo lý giải của bà Lưu Hoàng Minh Ngọc, Giám đốc tiếp thị phim của Mega GS Distribution, đơn vị phát hành Lời nguyền con đầm bích thì: “Phim chiếu đúng thời điểm Halloween, mạch truyện hấp dẫn, không dùng quá nhiều kỹ xảo hay lạm dụng máu me ghê rợn như các phim kinh dị Hollywood nên khán giả có thể xem rộng rãi và thu hút sự tò mò của những người muốn thay đổi khẩu vị”. Tuy không tiết lộ doanh thu nhưng theo bà Ngọc, Lời nguyền con đầm bích là phim Nga hiếm hoi thắng lớn ở VN từ trước đến nay.
Thị trường phim VN đang và còn tăng trưởng mạnh trong tương lai, nên rất cần được đa dạng hóa về xuất xứ phim, thể loại. Tất nhiên, những gì mang tính tiên phong sẽ không tránh khỏi những khó khăn ở bước đầu tiếp cận, nhưng chắc chắn hứa hẹn còn nhiều thú vị phía trước.
Hương Nhu