Phim “Ma da” : Một “Hai Phượng” phiên bản sông nước, độc lạ ?

15/08/2024 - 15:06

PNO - Phim xoay quanh hành trình đi tìm con của một người mẹ. Chỉ có điều đối đầu với bà mẹ này là thế lực tâm linh vùng sông nước: Ma da...

Ma da khởi chiếu ngày 16/8, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng.

Phim gây chú ý ngay từ tựa khi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đề cập đến câu chuyện kể dân gian về ma kéo giò (ma da), tức linh hồn những người đã chết dưới sông, suối hoặc biển tìm cách kéo chân hoặc lật thuyền người khác để được đầu thai.

Chuyện phim kể về Lệ (Việt Hương đóng), người phụ nữ làm công việc vớt xác trên sông. Việc làm này của bà đã nhận được lời cảnh báo của ông Ba, một người am hiểu văn hóa tâm linh sông nước, rằng bà sẽ phải gánh nghiệp. Một hôm, con gái của Lệ là bé Nhung bị mất tích. Bà phải tìm tới sự giúp sức của một số người quen để tìm được con.

Phim Ma da kể câu chuyện tình mẫu tử giữa bà Lệ và con gái - bé Nhung
Phim Ma da kể câu chuyện tình mẫu tử giữa bà Lệ và con gái - bé Nhung

Ngay từ những khung hình đầu tiên, Ma da đã thu hút người xem bởi cảnh tượng âm u, rùng rợn của một góc rừng ngập mặn vào buổi đêm. Giữa khung cảnh tối đen, một người đàn ông đang đi câu bất ngờ bị ma da kéo giò. Suốt phim, bối cảnh khu vực rừng đước Năm Căn với nhiều góc máy từ xa đến gần, từ trên cao xuống nước cộng với gam màu lạnh của phim tạo ra một không gian nặng nề, ám ảnh đúng chất kinh dị.

Trailer phim Ma da:

Những cảnh hù dọa trong phim được làm theo mô típ khá cũ như bóng đèn chớp tắt, cánh cửa tự động mở, con ma đột ngột xuất hiện… Tất cả kết hợp với âm thanh lớn và tình huống lặp lại khiến mức độ sợ hãi giảm dần. Bù lại khoản tạo hình xác chết đuối và ma da khá “ép phê” cộng thêm biểu cảm sợ hãi của các diễn viên đạt, kể cả diễn viên nhí Dạ Chúc (vai bé Nhung) lần đầu đóng vai quan trọng trên màn ảnh rộng.

Diễn viên nhí Dạ Chúc (vai Nhung) lần đầu có vai diễn dài hơn trên màn ảnh rộng
Diễn viên nhí Dạ Chúc (vai Nhung) lần đầu có vai diễn dài hơn trên màn ảnh rộng

Khá tiếc khi phim không khai thác sâu về nghề nghiệp vớt xác trong câu chuyện. Tuy vậy, đoạn credit cuối phim ghi lại những cuộc gặp gỡ của diễn viên Việt Hương với những người vớt xác trên sông, nghe họ kể chuyện hành nghề để lấy chất liệu vào vai. Đây cũng là một cách làm mới mẻ, cuốn hút vì người xem tò mò về chân dung những “người thật việc thật” làm công việc nguy hiểm mà nhân văn này.

Phim có nhiều cảnh quay dưới nước khá ấn tượng
Phim có nhiều cảnh quay dưới nước khá ấn tượng

Với vai bà Lệ, diễn viên Việt Hương thật sự lột xác khỏi hình tượng hài hước quen thuộc lâu nay trên màn ảnh. Ngay từ khoản tạo hình, chị đã mang đến sự khác lạ với mái tóc tém, làn da rám nắng, dáng vẻ phong trần. Hành nghề vớt xác nên ở bà Lệ có sự lạnh lùng, trầm tĩnh. Đến khi con bị bắt đi, cảm xúc trong bà mới bùng nổ. Hành trình tìm con, vớt xác của bà Lệ trong phim cũng đầy gian truân không thua gì Hai Phượng tìm con trong phim Hai Phượng.

Với nhân vật bà Lệ, nghệ sĩ Việt Hương có vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp 30 năm làm nghề
Với nhân vật bà Lệ, nghệ sĩ Việt Hương có vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp 30 năm làm nghề

“Ác nhân” trong Ma da lại là kẻ “khuất mặt khuất mày” nên bà Lệ càng gặp khó khăn, nguy hiểm. Diễn xuất nhập tâm của nghệ sĩ Việt Hương làm người xem cảm nhận được tình cảm yêu thương, sự hy sinh của một người mẹ dành cho con, nhất là trong cảnh gần cuối khi cả 2 trùng phùng. Tương tác của chị với diễn viên nhí Dạ Chúc cũng khá tốt dù cả 2 lần đầu đóng chung.

Nữ ca sĩ Cẩm Ly lần đầu đóng phim điện ảnh nhưng nhập vai rất ngọt
Nữ ca sĩ Cẩm Ly lần đầu đóng phim điện ảnh nhưng nhập vai rất "ngọt"

Cẩm Ly cũng là một bất ngờ của phim. Vào vai bà Lài - người tiếp nhiên liệu cho tàu bè trên sông, nữ ca sĩ gây ấn tượng khi khắc họa được chất mộc mạc, dân dã của người miền Tây. Trong phim, bà Lài gặp bất hạnh khi con trai là Hiếu trở thành nạn nhân của ma da. Dù lần đầu đóng phim điện ảnh nhưng chị lột tả tốt tâm lý nhân vật trong các phân cảnh tìm con, mất con.

Phim Ma da lần đầu đưa lên màn ảnh nghề vớt xác
Phim Ma da lần đầu đưa lên màn ảnh nghề vớt xác

Phim có diễn tiến phần kết khá bất ngờ dù thật ra cú plot có mô típ cũng không mới. Cảnh cuối của phim, với sự xuất hiện trở lại của nhân vật cậu bé “không sợ ma” đem đến một cái kết thú vị, mang tính mở. Phim đề cập đến cái nghiệp của nghề vớt xác có thể khiến thông điệp tạo ra tranh cãi nhưng đoàn phim đã khéo léo hóa giải hiểu lầm này với câu tagline trên poster "Không phải xác chết nào cũng muốn về nhà". Trong phim nhân vật ông Ba cũng có câu thoại về vấn đề này, cho thấy biên kịch khá tinh ý.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI