Phim mà cũng đòi giải cứu?

26/11/2019 - 15:58

PNO - Khi một bộ phim ra rạp, đó không còn thuần túy là chuyện của riêng nghệ thuật, mà còn là bài toán về kinh tế, lợi nhuận. Ở cuộc chơi đó, lời ăn lỗ chịu, chẳng thể xin xỏ.

Mấy ngày qua, làng phim Việt lại ồn ào khi bộ phim Ngốc ơi tuổi 17 ra rạp và tham gia “câu lạc bộ kêu cứu” sau chưa đầy một ngày, với lý do bị xếp vào khung giờ xấu, ít suất chiếu, có nguy cơ thua lỗ nặng.

Phim ma cung doi giai cuu?
Việc nhà sản xuất Dung Bình Dương kêu cứu cho bộ phim Ngốc ơi tuổi 17 khiến làng phim Việt thêm ồn ào

Trước đó, nhà sản xuất, đạo diễn các phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Yolo Bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi cũng lên tiếng cầu cứu khán giả trước nguy cơ thua lỗ.

Phim ma cung doi giai cuu?
Danh sách những phim Việt kêu cứu ngày càng được nối dài

Trung bình mỗi năm, có khoảng 40 phim Việt ra rạp, nhưng tỉ lệ thành công thường rất thấp. Kịch bản phim đầu voi đuôi chuột, thiếu logic, diễn viên non nghề, kỹ xảo kém hấp dẫn... khiến phim Việt liên tục mất điểm, khán giả e ngại.

Điển hình như Ngốc ơi tuổi 17, nội dung, kịch bản chỉ ở mức tàm tạm, khó để đọng lại trong lòng khán giả. Trong khi đó, cùng thời điểm ra rạp, phim Nữ hoàng băng giá 2 lại tạo ấn tượng bằng hình ảnh đẹp, nội dung chất lượng lẫn âm nhạc đầy thu hút.

Với giá vé xem phim hiện dao động trong khoảng 75.000 - 95.000 đồng/vé, khán giả ắt không muốn đồng tiền và nhất là thời gian của mình bị lãng phí, để rồi phải đòi "trả xx phút cuộc đời tôi đây".

Phim ma cung doi giai cuu?
Nữ hoàng băng giá 2 đang thống trị phòng vé với lịch chiếu dày đặc

Thời gian gần đây, người Việt bắt đầu quen với việc chung tay giải cứu một thứ gì đó, để giúp người vượt qua khó khăn. Nhưng dưa hấu có thể mua về ăn, còn một bộ phim tồi thì chẳng ích gì cho khán giả. Chưa kể, nghệ thuật không phải là thứ nên mang ra van xin lòng hảo tâm. Khán giả không có trách nhiệm phải làm từ thiện cho nhà sản xuất, để nhà sản xuất đạt mức doanh thu mong muốn.

Phim ma cung doi giai cuu?
Chất lượng phim Việt vẫn là vấn đề lớn mà nhiều nhà sản xuất chưa thể giải quyết được.

Trong bối cảnh mà thị trường phim Việt cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc xếp lịch cho phim cũng phải dựa trên yếu tố ăn khách, lợi nhuận. Khán giả có nhu cầu xem phim, muốn xem, tin tưởng vào phim thì nhà phát hành, rạp chiếu mới cung ứng, bởi họ cũng không thể làm từ thiện cho ai, vì họ cũng phải có những hợp đồng, hóa đơn cần giải quyết.

Không nắm được thị hiếu khán giả, không làm ra được sản phẩm chất lượng cao thì việc bán rẻ, bán đổ bán tháo, bán vét hoặc chấp nhận ôm hàng, lỗ vốn là chuyện đương nhiên của doanh nghiệp. Ở đó không có chỗ cho việc kêu cứu.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI