Hai năm trước, khi bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ra mắt, người xem nhất là những khán giả sống ở thị thành không khỏi ngạc nhiên trước sự tồn tại của một gánh hát của những người đồng tính sống rày đây may đó ở các tỉnh miền Trung nghèo và cảm giác ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc đời bấp bênh tạm bợ của họ. Còn nhớ 88 phút của bộ phim tài liệu năm đó đã kết thúc bằng cảnh gánh hát lô tô của chị Phụng-trưởng đoàn- bị cháy tan hoang, để lại trong lòng người xem dư vị đắng ngắt về số phận, cuộc đời của những thành viên trong đoàn.
|
Tiếng cười trong phim dễ thương, phù hợp tâm lý tính cách các nhân vật |
Ba năm sau, những phận người ấy một lần nữa trở lại trên màn ảnh rộng, nhưng lần này không phải chính những người trong cuộc bước vào phim mà chỉ là cuộc hóa thân của những diễn viên chuyên nghiệp. Lô Tô, bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thực hiện, xoay quanh cuộc đời của Lệ Liễu, chủ gánh hát lô tô Phù Hoa.
Lệ Liễu không phải là tên thật mà chỉ là nghệ danh của Đực- chàng trai bị ba mẹ ép lấy vợ đã chọn cách bỏ nhà ra đi, gia nhập đoàn hát và trở thành ca sĩ chính của đoàn để hàng đêm được sống thật với giới tính của mình. Khi ông bầu gánh Lê Minh cũng là người yêu của Lệ Liễu qua đời, Lệ Liễu tiếp quản đoàn hát và cô cùng với những “chị em” khác trong đoàn như Lệ Phi Phi, Lệ Sa Sa và Lệ Tú Nhàn sống nương tựa vào nhau như một gia đình, cùng dong ruổi mưu sinh bằng công việc tổ chức hội chợ lô tô.
Một ngày, cuộc sống của Lệ Liễu cùng những người trong gánh hát Phù Hoa bỗng chốc gặp nhiều biến cố từ khi xuất hiện Thương-một cô gái bỏ nhà đi lang thang để tìm cha, được Lệ Lệ Liễu thương tình cho tá túc ở đoàn.
Với lợi thế là một tác phẩm hư cấu, Lô Tô có điều kiện để đưa vào câu chuyện những tình tiết kịch tính, những đoạn cao trào giúp níu chân người xem lâu hơn. Đó là cảnh Lệ Phi Phi phát hiện một bé trai bị bỏ rơi bên bụi cây ven đường, Quân- người tình trẻ của Lệ Liễu- vô tình giật tấm màn lúc Thương đang thay đồ khiến cô hốt hoảng la to, Lệ Liễu nhìn Thương bị bọn du côn hãm hiếp...
|
Thương bị côn đồ làm nhục là một cảnh cao trào của phim |
Những hư cấu này giúp người xem hình dung rõ hơn về cuộc sống bi kịch, góc khuất tâm tư tình cảm của nhân vật. Phim Việt khai thác đề tài đồng tính có nhiều nhưng rất ít phim khiến cho những người xem- không phải là người thuộc thế giới thứ ba- xúc động, sẻ chia. Lô Tô làm được điều này.
Phim có những câu thoại, tình huống hài hước dễ thương, bởi nó phù hợp với tâm tính của nhân vật chứ không phải là sự áp đặt, cố ý gây cười của biên kịch như đoạn ba chị em Lệ Sa Sa, Lệ Phi Phi, Lệ Tú Nhàn đòi nhảy xổ vào đánh tay đôi với bọn đàn em của Lài- một ả giang hồ trong vùng, đoạn mấy “chị em” đáp trả lời hăm dọa cắt cơm của bà đầu bếp.
Khi tiếng cười qua đi, người xem lại bị lay động bởi lối sống tình cảm, cách ứng xử đầy tình người của những kẻ “bóng gió, pê đê” như lời tự nhận của cách nhân vật. Những người như họ dù đang phải bươn chải kiếm cơm, đối mặt với nợ nần nhưng vẫn sẵn sàng chìa tay ra đùm bọc một đứa bé bị bỏ rơi, cưu mang một cô gái lỡ đường không quen biết.
Khi đoàn hát bị cháy, đồ đạc mất mát, các thành viên không ai bảo ai tự động lấy tiền, vàng dành dụm ra đưa cho Lệ Liễu để cùng bà chủ chia sẻ tổn thất. Họ nương tựa nhau và xem nhau như chiếc phao cứu sinh của đời mình bởi ngoài kia có mấy ai đồng cảm, thấu hiểu cùng họ.
Hình ảnh những chiếc buồng nằm ở gầm sân khấu ngăn chia tạm bợ bằng lưới, đối lập với phía bên trên là ánh đèn màu sân khấu, là những bộ đồ diễn lấp lánh của các “cô đào” gây ấn tượng mạnh cho người xem về một kiếp người mang hình hài nửa trai nửa gái, chỉ biết dùng lời ca tiếng hát để nói hộ tiếng lòng. Nghịch lý thay khi họ-những con người đầy mặc cảm, buồn đau lại chính là người mang lại tiếng cười cho những người bình thường, những khán giả đứng dưới sân khấu kia.
|
Diễn xuất của Hữu Châu gây xúc động nhưng vẫn mang nhiều chất kịch |
Diễn xuất của dàn diễn viên Hữu Châu, Hải Triều, Minh Dũng, Huỳnh Lập- bốn trụ cột của phim- đã làm người xem phải khóc cười theo các nhân vật. Sự chững chạc của bà bầu lệ Liễu Châu, vẻ duyên dáng “xinh gái” của Lệ Sa Sa, sự tinh nghịch của Lệ Phi Phi và nét đanh đá của Lệ Tú Nhàn hoàn toàn được lột tả rất đạt qua hóa thân của Hữu Châu, Hải Triều, Huỳnh lập và Minh Dũng.
Tuy vậy nét diễn của Hữu Châu-trung tâm của phim- vẫn còn nặng chất sân khấu, từ cái liếc mắt, điệu bộ hất hàm cho đến dáng đi. Hơi tiếc khi đoạn cao trào khi Lệ Liễu bất lực nhìn Thương bị bọn côn đồ làm nhục, diễn xuất của Hữu Châu và người đẹp Nam Em chưa thực sự làm người xem “bùng nổ”. Và nếu như một điều tiếc nữa là việc một bộ phim mang tên Lô tô nhưng những cảnh khắc họa không khí nhộn nhịp, xô bồ của một hội chợ lô tô còn hơi ít.
N.Hương