Phim Lặng yên dưới vực sâu: Một chấm phá khác biệt của phim truyền hình

02/05/2017 - 19:00

PNO - Lặng yên dưới vực sâu - bộ phim có bối cảnh ở miền núi Hà Giang và thân phận con người ở cao nguyên đá hiếm hoi này lại mang một chấm phá khác biệt của phim truyền hình hiện nay.

Phát sóng trong chương trình Rubik 8 (lúc 14g30 ngày thứ Bảy hàng tuần trên VTV3), bộ phim Lặng yên dưới vực sâu không có lợi thế về khán giả, khó tạo hiệu ứng bằng hai bộ phim Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử đang đình đám trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, bộ phim có bối cảnh ở miền núi Hà Giang và thân phận con người ở cao nguyên đá hiếm hoi này lại mang một chấm phá khác biệt của phim truyền hình hiện nay.

Phim Lang yen duoi vuc sau: Mot cham pha khac biet cua  phim truyen hinh

Đinh Tú và Phương Oanh vai Vừ và Súa trong phim Lặng yên dưới vực sâu

32 tập phim được nhà văn Đỗ Bích Thúy chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên do chị viết cách đây 10 năm. Đến ngày 22/4 đã có tám tập phim lên sóng. Phim thật sự thu hút người xem, trước nhất là bằng bối cảnh; sau đó mới đến diễn xuất và kịch tính của câu chuyện mỗi lúc một lên cao trào.

Hà Giang hùng vĩ, hoang sơ và đẹp lãng mạn là chiếc cầu nối cảm xúc mạnh mẽ, đưa người xem dõi theo câu chuyện của các nhân vật: Súa (Phương Oanh), Vừ (Đinh Tú) và Phống (Quốc Đam). Trong tác phẩm văn học, chuyện tình tay ba này được diễn tả với những bi kịch trong tâm trạng của Súa - cô gái bị Phống cướp về làm vợ khi đang có tình yêu rất đẹp với Vừ.

Trên màn ảnh, chuyện của Súa bắt đầu bằng nhiều tiếng cười hơn, kết nối với nhiều nhân vật khác trên nền của cuộc sống miền cao. Nỗi buồn của nhân vật trên phim tuy nhiều cảm xúc nhưng không đến nỗi bóp nghẹt trái tim người xem như trong tác phẩm văn học. Thời lượng phim truyền hình dài tập cũng cho phép mở ra nhiều tuyến nhân vật, làm mềm hóa những thân phận và khắc họa rõ hơn lối sống, sinh hoạt của đồng bào H’Mông. 

Lặng yên dưới vực sâu mở đầu bằng truyền thuyết về hoa tam giác mạch, khởi nguồn của những bí mật chưa được khám phá về phong tục tập quán của đồng bào H’Mông. Phần lớn góc máy được đặt trên cao, trải dài từ cao nguyên đá tai mèo đến những cánh đồng hoa tam giác mạch, đỉnh Mã Pì Lèng, dòng Nho Quế…

Phim Lang yen duoi vuc sau: Mot cham pha khac biet cua  phim truyen hinh
 

Khán giả cũng gặp lại bờ rào đá - hình ảnh quen thuộc trong những tác phẩm của nhà văn người Hà Giang Đỗ Bích Thúy. Câu chuyện từ Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của chị từng được đạo diễn (ĐD) Ngô Quang Hải làm thành phim truyện điện ảnh Chuyện của Pao năm 2007.

Đoàn làm phim đã “ăn dầm nằm dề” suốt bốn tháng ở Hà Giang, chọn những góc máy đẹp nhất để ghi hình. Nhờ nỗ lực đó, bối cảnh nào cũng nên thơ và quyến rũ. ĐD Đào Duy Phúc cho biết, chưa bao giờ ông đảm đương một ê kíp mà có lúc những người quay phim, thiết kế phải làm việc trên đỉnh núi cao; diễn viên phải diễn xuất cheo leo bên bờ vực.

Nhiều khung hình đẹp và buồn da diết của Vừ, của Súa trên phim đã được thực hiện trong sự thắc thỏm của ĐD. Nhưng chính từ sự dấn thân đó mà người xem có được cảm xúc chân thật về những buồn vui và đau đớn của nhân vật trong tương tác giữa hình ảnh con người bé nhỏ trước thiên nhiên, trước những nỗi niềm thăm thẳm chốn núi rừng.

Đáng ghi nhận là bên cạnh những tên tuổi kỳ cựu như NSND Bùi Bài Bình, diễn viên Minh Phương, những gương mặt trẻ cũng đã vào vai diễn khá ấn tượng. Nỗ lực học gánh cỏ, tẽ bắp, làm bánh tam giác mạch, những cử chỉ thường ngày của người miền núi đã giúp Phương Oanh thể hiện nhân vật Súa khá tự nhiên.

Phim Lang yen duoi vuc sau: Mot cham pha khac biet cua  phim truyen hinh
 

Súa nhiều nỗi niềm nhưng mạnh mẽ, bướng bỉnh. Nỗi buồn của một thiếu nữ vùng cao không phải là những giọt nước mắt mà nằm trong đôi mắt u uẩn, thăm thẳm. Phương Oanh đã khiến người xem phải nhớ mãi cách thể hiện cơ mặt, ánh mắt của cô trong nhiều phân đoạn; đặc biệt là những phân cảnh thất thần chạy tìm Vừ sau khi bị Phống cướp về làm vợ. 

Phim có nhiều góc máy dài, linh hoạt khắc họa cuộc sống của các nhân vật chân thực, sống động; nhưng vẫn có chút tiếc nuối là không nhiều cảnh ghi nhận sinh hoạt cộng đồng của đồng bào miền cao. Cảnh chợ phiên được tận dụng ghi hình từ một phiên chợ có thật nhưng chỉ có những góc máy toàn cảnh. Ở những phân cảnh đối thoại cần thiết, có thể thấy bối cảnh được sắp xếp lại, chỉ có diễn viên diễn xuất với nhau, nên chưa tạo được không khí của một phiên chợ đúng nghĩa.

Ai từng tham gia chợ phiên Mèo Vạc có lẽ sẽ thấy những buổi chợ trên phim không được như trong thực tế. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những khiếm khuyết nhỏ bên cạnh diễn tiến phim liên tục thắt mở hấp dẫn. Lặng yên dưới vực sâu thật sự là một bản tình ca đẹp và buồn bên núi đá tai mèo, mà mỗi tập phim như một tiếng khèn ngân dài…


Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI