Phim làm lại đang cứu hộ phim Việt

04/01/2017 - 19:31

PNO - Trong khi dòng phim truyền hình đã hạ cơn sốt làm lại (Việt hoá) phim nước ngoài thì ở mảng phim chiếu rạp, xu hướng này đang trỗi dậy, nhất là sau 'cú hích' Em là bà nội của anh.

Tết này, khán giả sẽ có dịp thưởng thức bộ phim Bạn gái tôi là sếp làm lại từ phim Thái Lan ATM Errak Error ra rạp hồi năm 2012. Nội dung phim vẫn là câu chuyện về một anh chàng tìm cách giấu diếm tình yêu nơi công sở với sếp của mình để tránh bị thôi việc. Bạn gái tôi là sếp là phim Việt hóa thứ ba trên màn ảnh rộng, sau Em là bà nội của anhYêu (làm lại từ phim Thái Lan The love of Siam). Sắp tới, ít nhất có ba phim Hàn Quốc nữa được các nhà làm phim VN xào nấu lại là 200 pounds beauty, SunnySingles, trong đó 200 pounds beauty tức Sắc đẹp ngàn cân đã đóng máy và có lịch phát hành vào hè năm nay, hai phim còn lại đang được triển khai.

Phim lam lai dang cuu ho phim Viet
Bạn gái tôi là sếp có sự tham gia của Miu Lê và Hứa Vỹ Văn

Ở điện ảnh các nước, như Hollywood, phim “làm lại” - remake (dùng một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính, thường sử dụng hẳn cả cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ sửa đổi một số tình tiết hay thay đổi cách thể hiện cho hợp với văn hóa, thị trường, xu hướng thời đại) khá đa dạng về xuất xứ, thể loại, từ hình sự (điển hình The departed - từ Infernal affairs, Hồng Kông), tình cảm (The lake house - từ Il Mare, Hàn Quốc) đến kinh dị (The Ring - từ Ringu, Nhật), hài (My sassy girl - từ  My sassy girl, Hàn Quốc). Còn phim remake ở VN mới chỉ khoanh vùng ở dòng phim tình cảm hài và chỉ từ hai quốc gia Thái Lan, Hàn Quốc vì kinh phí làm phim tình cảm hài “nhẹ” hơn so với phim hành động hay kinh dị, cũng như nền văn hóa gần gũi với VN.

Sản lượng phim Việt ra rạp ngày càng tăng nên sự nở rộ của phim điện ảnh “remake” ở VN là điều tất yếu nhằm giải quyết nhu cầu khan hiếm kịch bản hay - điểm yếu nhất của phim Việt từ trước tới nay. Những phim được chọn để Việt hóa đều thành công lớn về mặt thương mại khi chiếu ở nước sở tại như Miss Granny thu gần 60 triệu USD trên toàn cầu, ATM Errak Error thu hơn 5 triệu USD ở xứ chùa vàng, vì vậy ít nhiều cũng bảo chứng được khả năng ăn khách khi được tái sinh trên màn ảnh Việt, giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, bảo chứng này có khi cũng chính là chướng ngại đối với các nhà làm phim VN, bởi làm lại không có nghĩa bê nguyên xi mà phải có “làm mới”.

Phim lam lai dang cuu ho phim Viet
Một cảnh trong phim Em là bà nội của anh

Biên kịch Châu Thổ, Giám đốc hãng phim Sena - đơn vị sắp Việt hóa kịch bản phim Singles, cho biết: “Phim remake dễ ở chỗ đã có sẵn đường dây, cấu trúc, các chi tiết, nhưng khó là làm sao giữ được hồn cốt của câu chuyện mà vẫn phải phù hợp văn hóa VN. Chẳng hạn có nhiều tình huống, câu thoại trong bản gốc gây cười nhưng nếu đem áp vào phiên bản Việt, khán giả không cười nổi. Với Singles, tôi phải chỉnh sửa kịch bản gốc đến hơn 80%, bởi câu chuyện và bối cảnh phim đề cập đã diễn ra cách đây mười mấy năm. Chuyện những kẻ độc thân trong bản phim năm 2003 được biến thành chuyện của mẹ độc thân nuôi con - một vấn đề gần gũi với đời sống VN hiện nay”.

Không chỉ thử thách tay nghề biên kịch mà phim làm lại cũng là cuộc trắc nghiệm khó với đạo diễn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chia sẻ: “Khi nhận làm phim Em là bà nội của anh, tôi không quan trọng chuyện bắt chước cho giống hay làm cho khác đi mà chỉ quan tâm làm sao để có phim hay, truyền được cảm xúc đến người xem, thể hiện được dấu ấn cá nhân. Thực tế là những ai biết tôi, xem xong Em là bà nội của anh đều nói rằng tôi làm phim về gia đình mình”.

Về phía nhà đầu tư, mua bản quyền để làm lại cũng là vấn đề trăn trở, theo như chia sẻ của biên kịch Châu Thổ: “Dạo phía Hàn Quốc làm phim Singles đã phải trả 20.000 USD tiền bản quyền cho nhà văn Nhật Kamato Toshio - tác giả tiểu thuyết Christmas at Twenty-nine mà phim chuyển thể. Nên nếu muốn làm lại phim Singles thì phải trả tiền tác quyền gấp đôi số đó cho đơn vị sở hữu phim”. Vì vậy màn ảnh Việt đã xuất hiện một vài trường hợp phim làm lại không chính danh (sao chép ý tưởng, thêm mắm dặm muối từ bản gốc) như 49 ngày - Hello ghost, Hàn Quốc; Gái già lắm chiêu - Not Suitable for Children, Úc. Tuy nhiên với những phim Việt hóa “danh chính ngôn thuận” thời gian qua, chuyện bản quyền luôn nhận được sự ưu ái từ phía đơn vị sản xuất bản gốc. Trong buổi ra mắt đoàn phim Sắc đẹp ngàn cân, diễn viên Trương Ngọc Ánh - một trong những nhà sản xuất bộ phim - cho biết với những phim remake, đơn vị bán bản quyền cũng bán với giá mềm hơn vì ngoài việc kiếm tiền, đây cũng là cơ hội để họ quảng bá thương hiệu.

Phim lam lai dang cuu ho phim Viet
Phim Yêu

Với sự thành công của Em là bà nội của anh, Yêu, 49 ngày, Gái già lắm chiêu cùng sự lớn mạnh của các nhà kinh doanh phim ảnh Hàn Quốc, đứng đầu là “ông lớn” CJ Entertainment tại thị trường VN, dự báo xu hướng phim làm lại, nhất là phim Hàn sẽ còn nở rộ trong tương lai. Trong khi chờ đợi những bộ phim thuần Việt đủ sức gây tiếng vang, khán giả tạm thời cứ thưởng thức những tác phẩm “hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI