Phim kinh dị Việt ồ ạt ra rạp: Mang đến thông điệp gì ngoài “hù dọa” khán giả?

30/03/2021 - 07:22

PNO - Một loạt phim kinh dị, phim có yếu tố hồi hộp - ly kỳ ra rạp từ tháng Tư đến cuối năm. Sự “được mùa” này cho thấy dòng phim “hù dọa” khán giả rất được ưa chuộng.

Nỗ lực làm mới

Các phim đã có lịch chiếu (dự kiến): Song song (ngày 2/4), Vô diện sát nhân (17/4), Bóng đè (30/4). Thiên thần hộ mệnh (30/4), Rừng thế mạng (11/6), Người lắng nghe (21/5), Chuyện ma gần nhà (21/10). Có thể thấy những người làm phim đang nỗ lực làm mới khi khai thác dòng phim này. Như Song song lấy cảm hứng từ khái niệm hiệu ứng cánh bướm (khi quá khứ thay đổi, hiện tại thay đổi theo) vốn được nhiều phim ngoại khai thác. Phim Bóng đè lần đầu đề cập hiện tượng khoa học bóng đè, nhưng lâu nay thường được người Việt diễn giải theo hướng tâm linh. Thiên thần hộ mệnh đem búp bê Kumanthong và Luk Thep - thế giới bùa ngải bí ẩn có nguồn gốc từ Thái Lan - lên màn ảnh. Rừng thế mạng khơi mào dòng phim sinh tồn thông qua việc khắc họa những sự kiện tâm linh có thật liên quan tới những tai nạn mất tích tại Tà Năng - Phan Dũng. Chuyện ma gần nhà lấy cảm hứng từ các truyền thuyết đô thị tại Việt Nam, là sự ra mắt của vũ trụ điện ảnh kinh dị - tâm lý đầu tiên tại Việt Nam. Phong cách kể chuyện theo lối chương hồi cũng lần đầu được áp dụng trong một phim kinh dị Việt.

Các phim kinh di sắp ra mắt Chuyện ma gần nhà, Bóng đè, Thiên thần hộ mệnh hứa hẹn làm rợn tóc gáy người xem
Các phim kinh di sắp ra mắt Chuyện ma gần nhà, Bóng đè, Thiên thần hộ mệnh hứa hẹn làm rợn tóc gáy người xem

Các phim trên đa phần đều xoay quanh đề tài tâm linh. Đạo diễn Trần Hữu Tấn (phim Bắc kim thang, Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà) lý giải: “Khán giả châu Á chuộng đề tài tâm linh vì gần gũi. Đời sống tâm linh người Việt rất phong phú, sinh động. Có điều hiểu biết của người làm phim về vấn đề này còn chừng mực nên việc khai thác khó khăn”. Đạo diễn Bá Vũ (phim Ngủ với hồn ma, Cha ma) cho rằng: “Phim kinh dị Việt khó có kịch bản đột phá, vì biên kịch không biết được phép sáng tạo được đến đâu, do luật chưa có những quy định mang tính định lượng rõ ràng”. 

Tiềm năng vẫn tiềm ẩn

Nói như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - thành viên ban giám khảo cuộc thi Săn tìm đạo diễn phim kinh dị mới đây thì “kinh dị không chỉ là thể loại được khán giả Việt yêu thích, mà còn là dòng phim thị trường đang khao khát. Kinh dị kích thích sự tò mò, bí ẩn, hồi hộp và cảm giác mạnh, nhưng lại ít được truyền tải lên phim qua những câu chuyện bản địa gần gũi một cách xứng tầm”.

Còn theo đạo diễn Bá Vũ: “Phim kinh dị dễ được tiếp nhận khi chào bán ra nước ngoài hơn các thể loại khác. Chỉ cần câu chuyện đừng quá đặc thù khiến khán giả nước ngoài khó hiểu do những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ. Phim hành động cũng dễ xuất khẩu, nhưng lại tốn kém hơn so với làm phim kinh dị”.

Điện ảnh Việt đã có hơn chục phim đạt trăm tỷ, nhưng chưa phim nào thuộc thể loại kinh dị. Lật mặt 4: Nhà có khách - một trong 13 phim doanh thu trăm tỷ - dù có “ma” nhưng thực chất lại là phim hài. Phim Xưởng 13 làm tốt khoản hù dọa bằng cách dùng hình ảnh bộ phận các con ma-nơ-canh bị bỏ hoang và xử lý âm thanh có biên độ cao, nhưng đến cuối phim, thông điệp lên án trào lưu quay video câu view bất chấp hậu quả mới được nhắc đến vội vàng qua màn độc thoại ngắn ngủn của nữ chính.

Phim Thang máy làm khán giả hồi hộp với những màn các nhân vật thử nghiệm trò chơi thang máy rồi gặp “ma”. Để tăng “ép phê” phần tạo hình, đoàn mời hẳn chuyên gia Hollywood hóa trang cho “ma nữ”. Nhưng mọi kỳ công gây sợ đó không hiệu quả với một kịch bản nghèo nàn tình huống, dựng phim rối rắm.

Thang máy dù đầu tư nhiều về mặt hình ảnh nhưng không hiệu quả với một kịch bản nghèo nàn tình huống, dựng phim rối rắm
Thang máy dù đầu tư nhiều về mặt hình ảnh nhưng không hiệu quả do kịch bản nghèo nàn tình huống, dựng phim rối rắm

Nhìn lại những bộ phim kinh dị Việt đã ra rạp, số tác phẩm được đánh giá cao chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng phần lớn cũng chỉ được khen nhiều ở khâu kỹ thuật. Số phim làm tốt nội dung, gây ấn tượng mạnh với những bài học giá trị trong cuộc sống, với những thông điệp có tính chất giáo dục, răn đe con người vẫn còn hiếm, hoặc có thông diệp thì cũng rất mờ nhạt, kiểu lồng ghép vào… cho có. Bởi ở thể loại này, nhà làm phim mới đặt mục tiêu “rà” gu người xem là chính. Việt Nam hiện chưa có những bộ phim kinh dị mang thông điệp xúc động như phim thuộc thể loại này của các nước.

Ví dụ trong phim Stephen king's, It (Chú hề ma quái), người xem sẽ cảm nhận rõ đằng sau lớp vỏ kinh dị gây ám ảnh là bài học sâu sắc về tình bạn, về lòng can đảm. Hay trong US (Chúng ta), các thông điệp ngầm về việc con người phải đối mặt với mặt xấu, phần hoang dã của chính mình được lồng ghép xuyên suốt, giúp nâng tầm chiều sâu nội dung cho tác phẩm.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn thừa nhận: “So với nước ngoài, phim kinh dị Việt vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nên người làm phim chỉ mới làm khán giả thót tim chứ chưa khai thác chiều sâu kịch bản, cũng như thông điệp nhân văn”. 

Để tiệm cận được xu hướng làm phim kinh dị chuyển tải những vấn đề xã hội như một số phim nước ngoài đã làm, với những người làm phim kinh dị Việt, còn là con đường rất xa. 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI