Phim Không có gì và không một ai: Một ký ức chưa trọn

11/05/2015 - 13:54

PNO - PN - Phim là một ký ức đẹp nhắc nhớ lại một thời, một thế hệ đã sống trong bối cảnh giao thời, khó khăn nhưng tràn đầy lý tưởng và niềm tin hướng về phía trước. Nhưng, có vẻ như câu chuyện để lại nhiều giá trị thâm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phát sóng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim Không có gì và không một ai (dài 31 tập, ĐD Trần Mỹ Hà, Hãng phim TFS sản xuất, phát sóng lúc 17g30 các ngày thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần trên kênh HTV9) vốn được nhiều khán giả trông chờ, nhất là với những ai đã đọc và yêu thích tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Tác phẩm Không có gì và không một ai của nhà văn Nguyễn Đông Thức vốn được bạn đọc yêu thích từ khi ra mắt vào năm 2012. Không chỉ người cùng thời với nhà văn mà cả người đọc trẻ sau này cũng bị cuốn vào câu chuyện, lý tưởng tranh đấu của một thế hệ thời “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Lồng ghép trong bối cảnh lịch sử đất nước sau năm 1975 và cuộc đời của ba nhân vật chính: Thương-Phong-Tiềm, ngoài những con đường phải lựa chọn trước hoàn cảnh mới, đó còn là tình yêu và những hy sinh đẹp đẽ mà họ đã dành cho nhau. Thời gian và đường dài trong suốt mạch truyện với đầy những sóng gió trong từng cuộc đời riêng của các nhân vật khiến cho Không có gì và không một ai đầy đặn nhiều cung bậc cảm xúc.

Trên phim, câu chuyện được mở rộng ra thêm với tuyến nhân vật Châu - đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản sau giải phóng. ĐD Trần Mỹ Hà nói, nếu chỉ xoay quanh ba nhân vật chính từ tiểu thuyết, phim sẽ bị hẫng một khoảng trống về giai cấp tiểu tư sản ở Sài Gòn sau năm 1975. Ông đã đề nghị nhà văn Nguyễn Đông Thức viết thêm nhân vật này, tạo thành bộ tứ Thương-Tiềm-Phong-Châu. Họ đã trở thành hồn cốt cho bộ phim, đại diện cho một thế hệ trưởng thành trong gian khó. Và cũng chính các nhân vật được cộng thêm cho tầng lớp này, câu chuyện đã đầy đặn hơn trong tư tưởng, mở ra góc nhìn đa diện về số phận các tầng lớp với cuộc sống mới sau ngày giải phóng. Ngoài diễn viên Quốc Trường (vai Phong), Phương Khánh (Châu) thì Bảo Anh (Tiềm) và Nguyễn Hồng Ân (Thương) là một phát hiện mới đầy bất ngờ. Hai nhân vật Tiềm - Thương là xương sống của phim, có đủ đầy yêu thương, mất mát, lý tưởng, sóng gió, gian nan đến tận cùng và họ cũng chính là những đại diện đẹp nhất cho một thế hệ.

Phim Khong co gi va khong mot ai: Mot ky uc chua tron

Bốn diễn viên trẻ (từ trái sang): Bảo Anh, Phương Khánh, Quốc Trường và Hồng Ân thể hiện các vai diễn trong phim - Ảnh: TFS

Tuy nhiên, điều gây khó cho cảm xúc người xem là cách thể hiện phim như kịch. Tính ước lệ khá cao, mạch phim đôi lúc bị gãy vì chuyển cảnh gấp, tình huống thay đổi đột ngột không theo một trật tự tâm lý phù hợp. Rất nhiều phân cảnh thoại kéo dài không dưới năm phút - đây là điều tối kỵ đối với điện ảnh, tạo cảm giác lê thê. Chân thực, có cảm xúc là cảm nhận chung của nhiều người khi xem những tập đầu tiên, nhưng đến các tập sau thì… hơi chán. Lỗi phần lớn còn ở khâu dựng phim khiến câu chuyện chưa thật sự mạch lạc.

ĐD Trần Mỹ Hà đã cố gắng làm kỹ xảo để có được vòng xoay chợ Bến Thành với đầy những bảng hiệu cũ, ngăn cả một đoạn đường trung tâm phục vụ cho một số cảnh quay phố, chợ; huy động trên 200 diễn viên quần chúng cho cảnh đào một con kênh dài 25m ở phim trường Hòa Phú (H.Củ Chi); chăm chút cho những tấm bảng quảng cáo kem Hynos, âm nhạc, bàn ghế, sách báo cũ…, nhưng cũng lại quên nhiều tiểu tiết. Khán giả trẻ có thể không phát hiện, nhưng “người của một thời” thì có rất nhiều ý chưa hài lòng: hiếm hoi cảnh tái dựng không gian lúc bấy giờ, trang phục nhân vật dàn bao (dì và mẹ của nhân vật Tiềm) mang dáng dấp sân khấu, đạo cụ sử dụng khá hiện đại như… dưa hấu Thái Lan, sử dụng từ ngữ không hợp với thời điểm… Quan trọng hơn hết là tính kịch trong bộ phim đôi lúc không nuôi được cảm xúc cho khán giả.

Không có gì và không một ai chỉ mới đi được một phần ba đoạn đường. Nhiều ký ức về một thời và những ngã rẽ số phận đang mở ra cho các nhân vật. Một bộ phim đáng mong chờ nhưng có vẻ chưa thật sự là một cuộc tái hiện ký ức tròn vẹn. Tác phẩm văn học đã xong sứ mạng của nó, còn trên màn ảnh, trách nhiệm thuộc về người làm phim.

 SONG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI