Phim “Kẻ ăn hồn” có đáng xem?

17/12/2023 - 07:13

PNO - Kể một câu chuyện về tà thuật vùng cao với nhiều hình ảnh kinh dị “nặng đô”, nhiều yếu tố văn hóa Việt được lồng ghép đặc sắc, bộ phim "Kẻ ăn hồn" đem đến khác biệt trong dòng phim kinh dị Việt.

Ra rạp lúc dư âm của phim bộ Tết ở làng địa ngục vẫn còn, nên bộ phim Kẻ ăn hồn được hưởng lợi về mặt thời điểm. Thông tin phim phải hoãn lịch phát hành lại 1 tuần vì chưa qua kiểm duyệt cũng giúp phim gây tò mò khi ra mắt.

Kẻ ăn hồn là phần tiền truyện của series phim Tết ở làng địa ngục (phát trên Netflix, K+), kể về hàng loạt cái chết bí ẩn xảy ra ở Làng địa ngục - nơi có kẻ đang âm thầm luyện loại ma thuật cổ xưa: 5 mạng đổi bình rượu sọ người. Trong đó, Thập Nương là kẻ nắm giữ bí thuật luyện nên loại rượu mạnh nhất.

 Bối cảnh, phục trang, hóa trang trong phim Kẻ ăn hồn gây ấn tượng
Bối cảnh, phục trang, hóa trang trong phim Kẻ ăn hồn gây ấn tượng

Chuyện phim bắt đầu từ đám cưới của Phong và Sang. Sau khi đám cưới, trong làng lần lượt xảy ra nhiều cái chết thảm, thi thể bị mất các bộ phận. Một bộ phận dân làng lo sợ tìm cách rời khỏi làng, nhưng vì làng đã chịu lời nguyền nên ai bỏ làng đi cũng chết hoặc trở nên điên loạn, ngớ ngẩn.

Trích đoạn trailer phim Kẻ ăn hồn:

 

 Lúc này những người ở lại bắt đầu nghi ngờ kẻ giết người là Phong và cha cô (ông Khôi) - trưởng làng vì chỉ có gia đình cô mới biết đường xuống núi mà không gặp nguy hiểm tính mạng. Trước tình cảnh đó, Phong quyết tự mình đi tìm kẻ giết người giấu mặt và cô phát hiện ra sự thật gây sốc.

Nữ diễn viên Hoàng Hà có màn thể hiện thuyết phục trong phim Kẻ ăn hồn
Nữ diễn viên Hoàng Hà có màn thể hiện thuyết phục trong phim Kẻ ăn hồn

So với Tết ở làng địa ngục nội dung lan man, rời rạc, câu chuyện phim Kẻ ăn hồn diễn tiến mạch lạc, gọn gàng, dễ hiểu. Có điều phần đầu của phim khá dài dòng, trong khi phần cuối diễn tiến khá chóng vánh. Kẻ ăn hồn giải đáp thắc mắc lớn nhất khi xem Tết ở làng địa ngục, nguồn gốc Rượu sọ người, bằng việc mở ra hành trình truy tìm nguồn gốc loại cổ thuật dân gian từng xuất hiện ở Làng địa ngục thuở sơ khai này.

Chỉ tiếc thời lượng phim dành cho nhân vật Thập Nương quá ít, những cảnh kinh dị liên quan đến nhân vật này cũng bị tiết chế,  làm giảm đi phần nào sự "nặng đô" của một phim kinh dị. Một chi tiết khác cũng được xử lý tiết chế là con rối, hình ảnh bị làm mờ theo yêu cầu của kiểm duyệt. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến phim, và nếu không làm mờ cũng không khiến người xem phân tâm như lo ngại của bộ phận duyệt.

Nhân vật Thập Nương do Lan Phương đóng xuất hiện khá it1Ltrong khi đây là nhân vật được chờ đợi nhất phim
Nhân vật Thập Nương do Lan Phương đóng xuất hiện khá ít, trong khi đây là nhân vật được chờ đợi nhất phim

Vì 2 phim thực hiện song song, nên Kẻ ăn hồn vẫn giữ được những điểm mạnh của Tết ở làng địa ngục ở khâu bối cảnh, phục trang, hóa trang. Bối cảnh ghi hình ở ngôi làng cổ tại Hà Giang hoang sơ, hẻo lánh đem đến cho phim một bầu không khí ma mị, huyền ảo khó quên. Khâu hóa trang được chăm chút, khiến người xem rùng mình với những màn cận cảnh bộ phận thi thể bị đứt lìa, những gương mặt và bàn tay đầy lỗ vì chứng mồ hôi máu, những xác chết đáng sợ.

Cảnh đám cưới chuột trong phim mang đậm yếu tố văn hóa dân gian
Cảnh đám cưới chuột trong phim mang đậm yếu tố văn hóa dân gian

Yếu tố phục trang gây ấn tượng mạnh ngay từ đầu phim trong phân cảnh đám cưới chuột. Đoàn người trong đám rước mặc cổ phục Việt, trong đó cô dâu và chú rể nổi bật với trang phục đỏ có các chi tiết áo ngũ thân, đối khâm, giao lĩnh. Hình ảnh đoàn người đeo mặt nạ chuột gợi nhớ bức tranh Đám cưới chuột hay thấy trong tranh dân gian Đông Hồ. Yếu tố văn hóa dân gian còn được thể hiện ở hình ảnh lễ vật chiếc đầu heo trong đám cưới, hay con rối nằm cạnh các thi thể.

Những cảnh kinh dị trong phim gây ám ảnh
Những cảnh kinh dị trong phim gây ám ảnh

Việc khai thác sâu chất liệu văn hóa dân gian giúp cho Kẻ ăn hồn đáng xem vì khác biệt so với các phim Việt cùng thể loại kinh dị.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn trước đây từng làm phim Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, nhưng phải đến Kẻ ăn hồn, anh mới được xem là mát tay khi vận dụng chất dân gian này. Phim cũng đánh dấu sự tiến bộ, cầu thị của anh và ê kíp, vì đã kể chuyện một cách đơn giản, dễ hiểu, chứ không cố tỏ ra lắt léo, nguy hiểm như trước. Khâu PR cũng không còn “đao to búa lớn” làm người xem cảm thấy “thùng rỗng kêu to”.

Phim Kẻ ăn hồn mang đậm màu sắc linh dị
Phim Kẻ ăn hồn mang đậm màu sắc kinh dị

Phim Kẻ ăn hồn cũng khác biệt với các phim kinh dị trước của Trần Hữu Tấn, vì quy tụ dàn diễn viên trẻ, già của 2 miền như Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Minh Trực, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Viết Xuân, Huỳnh Phú, Hữu Tiến… Tất cả đều có lực diễn tốt.

Nữ chính Hoàng Hà (vai Phong) - diễn viên trẻ đang gây sốt gần đây với phim truyền hình Chúng ta của 8 năm sau - thêm lần nữa chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng. Màn thể hiện của cô trong Kẻ ăn hồn gây ấn tượng, nhất là ở những phân đoạn Phong bị nhập hồn và cảnh đối đáp với cha, chồng. 

Phim Kẻ ăn hồn khởi chiếu từ ngày 15/12 trên cả nước.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI