Phim "Kẻ ẩn danh": Ghi điểm đánh đấm, mất điểm kịch bản

26/08/2023 - 19:20

PNO - Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Trọng Dần - "Kẻ ẩn danh" - như một sô biểu diễn võ thuật của nam chính Kiều Minh Tuấn. Các màn đánh đấm được dàn dựng mới mẻ nhằm khỏa lấp phần nội dung cũ mòn.

Ai đã xem phim Hai Phượng, kể về hành trình của người mẹ tìm lại đứa con lọt vào tay bọn buôn người, sẽ thấy nhân vật chính trong Kẻ ẩn danh như một Hai Phượng phiên bản nam.

Ai đã xem loạt phim Taken kể về một ông bố chiến đấu với kẻ xấu để tìm kiếm, bảo vệ con gái, sẽ thấy cốt truyện Kẻ ẩn danh cũng hao hao về mô típ.

Ai đã xem loạt phim John Wick kể về một sát thủ tóc dài trả thù bằng các phương thức tàn nhẫn, sẽ thấy các phân cảnh Kẻ ẩn danh ra tay cũng đậm đặc máu me không kém.

Nói vậy để thấy Kẻ ẩn danh có cốt truyện không mới, và mức độ bạo lực trong phim đẫm máu đến mức bị dán nhãn cảnh báo T18.

Phim kể về hành trình đãm máu đi tìm con của nhân vật Lâm, một giang hồ ẩn danh
Kiều Minh Tuấn lần đầu hóa thân vào hình tượng hành động 

Phim theo chân Lâm - một giang hồ khét tiếng đã giải nghệ - đi tìm lại cô con gái riêng của vợ sau khi phát hiện Hiền bị kẻ xấu dụ dỗ, bắt cóc. Mở đầu phim, Kẻ ẩn danh đã gây ấn tượng bằng một cảnh hành động được quay bởi một cú máy dài. Lâm xông vào một ngôi nhà cổ và tàn sát hết người trong nhà để trả thù cho cái chết của những người thân. Nam chính Kiều Minh Tuấn (vai Lâm) khiến người xem ngạc nhiên khi thể hiện khả năng đánh đấm khá mượt.

Trailer phim Kẻ ẩn danh:

 

 Sau đoạn mở đầu đầy ấn tượng, nhịp phim chậm lại để giới thiệu về cuộc sống hiện tại của Lâm sau nhiều năm “rửa tay gác kiếm”. Lâm đang tận hưởng bình yên bên người vợ “rổ rá cạp lại” là Hạnh, và Hiền - con riêng của Hạnh. Biến cố Hiền bị một thanh niên xấu dụ dỗ, lừa bán vào đường dây buôn người khiến Lâm phải trở về con đường cũ làm kẻ giết người không ghê tay.

Kẻ ẩn danh có phần chỉ đạo võ thuật do Kefi Abrikh Samuel (đóng thế trong loạt bom tấn Fast & Furious 6, Bourne 5, Spectre 007, Mission: Impossible 6 và chỉ đạo võ thuật phim The Princess, Kung Fu Zohra, City Hunter, Hai Phượng, Thanh Sói) đảm nhiệm, nên khâu hành động trong phim không thể chê.

Phim là hành trình đẫm máu đi tìm lại con gái (phải) của Lâm (giữa)
Phim là hành trình đẫm máu đi tìm lại con gái (phải) của Lâm (giữa)

Các phân cảnh “động tay động chân” trong Kẻ ẩn danh mượt mà, đẹp mắt theo kiểu biểu diễn. Kiều Minh Tuấn gây bất ngờ vì lần đầu hóa thân vào hình tượng hành động.

Trong phim, Kiều Minh Tuấn ra tay tàn bạo, dứt khoát, nhưng để gọi anh là “ngôi sao hành động” mới thì chưa, vì các đòn thế anh thể hiện lộ dấu ấn sắp đặt, hơn là phản xạ tự nhiên của một người có võ.

Không chỉ Kiều Minh Tuấn, võ thuật ở diễn viên Quốc Trường, người vào vai Tùng - kẻ cầm đầu đường dây buôn người - cũng vậy. Điều này có thể thông cảm, vì 2 diễn viên đều không có kinh nghiệm đóng võ thuật. Vì vậy trên phim, các nhân vật hành động rất đẹp mắt, quyết liệt, nhưng khán giả chưa cảm nhận được độ chân thật. 

Cảnh đánh nhau ở phòng tranh là điểm nhấn của phim
Cảnh đánh nhau ở phòng tranh là điểm nhấn của phim

Bù lại, yếu tố hành động trong phim mới mẻ, độc đáo ở chỗ đưa vào nét đẹp văn hóa Việt. Thể hiện rõ nhất ở đoạn Lâm đánh nhau trong một phòng tranh.

Nhân vật bước vào khu vực đầu tiên của phòng triển lãm, nơi có những màn hình LED khổng lồ giới thiệu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Các đối thủ của anh hóa thân thành những người nông dân, những phụ nữ mặc áo bà ba với vũ khí đánh nhau là các công cụ lao động, nhạc cụ dân tộc.

Chất Việt trong phim cũng được thấy ở hình ảnh một xóm nghèo ven kênh rạch nơi gia đình Lâm sống, ngôi nhà với kiến trúc cổ thời Pháp thuộc - nơi xảy ra cuộc tàn sát ở đầu phim, đoạn đối thoại căng thẳng của hai mẹ con Hạnh - Hiền với những câu thoại đúng tâm lý của các bà mẹ và những người con, cách những người hàng xóm qua nhà Lâm buôn chuyện, hay cảnh kẹt xe trên đường phố…

Nhân vật phản diện của Quốc Trường trong phim quá mờ nhạt
Nhân vật phản diện của Quốc Trường trong phim quá mờ nhạt

Chỉ tiếc kịch bản chưa được chăm chút, nên người xem cảm thấy mọi thứ diễn ra trong phim nặng tính sắp đặt, khiên cưỡng. Các nhân vật kết nối với nhau một cách lỏng lẻo; lai lịch quá khứ của họ được kể qua loa, hoặc không kể; nên tâm lý, hành động của nhân vật thiếu tính thuyết phục.

Người xem không thấy được sức nặng của tình phụ tử khi Lâm đi tìm con, hay thấy khó hiểu khi Tùng muốn truy cùng giết tận Hạnh. Vì vậy, cảm giác phấn khích nơi khán giả khi xem những phim báo thù, lúc hạ màn, nhân vật chính “đập cho ra bã” kẻ ác - dường như không có.

Dẫu biết kịch bản là điểm yếu của phim Việt, và phim hành động càng khó đòi hỏi kịch bản hay, nhưng nếu như nội dung của Kẻ ẩn danh được chăm chút thêm chút nữa, để có thể khai thác thế mạnh diễn xuất tâm lý của các diễn viên, thì phim sẽ tròn trịa hơn. 

Phim Kẻ ẩn danh khởi chiếu từ ngày 25/8 trên toàn quốc.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI