Ra " biển lớn" mới về lại "ao nhà"
Sau phim hoạt hình dài Wolfoo và hòn đảo kỳ bí vào năm ngoái, thị trường chiếu bóng Việt năm sau sẽ đón thêm 4 phim ra rạp: Truyền thuyết Kim Ngưu, Wolfoo và cuộc đua tam giới, Chiến binh gốm Blank Blank (SConnect sản xuất) và Zombie mắt lác (Colory Animation sản xuất). Đây là tín hiệu cho thấy các nhà làm phim hoạt hình đang nỗ lực chinh phục thị phần nội địa vốn bỏ trống lâu nay.
|
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng giới thiệu về Truyền thuyết Kim Ngưu - phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam sẽ ra rạp năm sau - Nguồn ảnh: Alpha Animation |
Trong số 4 phim, Wolfoo và cuộc đua tam giới, Truyền thuyết Kim Ngưu có lợi thế hơn khi ra rạp, vì hệ thống các nhân vật của phim đã quen thuộc với người xem. Bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo đang được khai thác tốt trong và ngoài nước ở đa lĩnh vực, với nhiều sản phẩm, bao gồm: phim, video hoạt hình và âm nhạc; khu dịch vụ vui chơi; game app; cấp quyền sử dụng hình ảnh bộ nhân vật cho các nhãn hàng...
Nhân vật chính Trạng Quỳnh trong phim Truyền thuyết Kim Ngưu đang được yêu thích qua 190 tập trong series Trạng Quỳnh thời nhí nhố phát trên nền tảng số.
Tạo ra bộ nhân vật nổi tiếng trước (IP), thành công trên thị trường quốc tế hoặc trên nền tảng mạng rồi mới phát triển phim chiếu rạp là cách điện ảnh Việt thực hiện giấc mơ thương mại hóa phim hoạt hình. Khác với phim truyện, phim hoạt hình rất khó bán vé nếu làm ngay phim dài rồi đưa ra rạp chiếu. Các nhà làm phim buộc phải đi đường vòng - xây dựng thành công IP trước rồi mới sản xuất phim.
Tại buổi thảo luận “Đầu tư và thương mại hóa hoạt hình” diễn ra tuần qua trong khuôn khổ Liên hoan phim hoạt hình lần thứ nhất, ông Tạ Mạnh Hoàng - Tổng giám đốc SConnect - cho biết: “IP Wolfoo có lượng người xem toàn thế giới đạt 2 tỉ lượt. SConnect hiện có 20 IP, trong đó có 5-6 IP có mức độ nổi tiếng nhất định trên toàn thế giới và đang được kinh doanh. 10 năm qua, bước đầu chúng tôi tiếp cận khán giả bằng phim hoạt hình trên nền tảng số, tập trung sản xuất các series, sau đó là phim điện ảnh. Năm ngoái, phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí ra đời. Sắp tới có 3 phim. Mục tiêu là hằng năm làm 3-4 phim điện ảnh”.
Nhận định về việc ra “biển lớn” trước rồi mới quay về “ao nhà” của các nhà làm phim hoạt hình Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung CJ CGV Việt Nam và Giám đốc điều hành V Pictures - nói: “Năm ngoái, khi phát hành phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí, tôi nhìn thấy sự đặc biệt ở cách làm này. Khán giả nhí biết tới IP Wolfoo từ trước nên khi phim ra rạp khá thành công. Nếu mang ngay phim hoạt hình dài ra rạp, khán giả có thể nghi ngờ chất lượng, câu chuyện, nhân vật, vì trước giờ ít có phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp; nhưng nếu có IP đã thành công trên phạm vi quốc tế thì khi phim ra rạp Việt, khán giả trong nước sẽ tò mò hơn”.
Thuận lợi và rào cản
Ngoài 4 phim ra rạp năm sau, kịch bản Anna và cuốn sách phép thuật đoạt giải Nhất tại Liên hoan phim hoạt hình lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 8 - 30/11) đang được đầu tư, sẽ ra rạp năm 2027. So với phim người đóng, phim hoạt hình có khả năng thương mại hóa cao hơn, vì ngoài tiền bán vé, bán cho các nền tảng mạng như phim truyện đang làm, còn có thể thu lợi trên các nhân vật của phim bằng việc cấp quyền thương mại nhân vật (licensing) và kinh doanh sản phẩm được sản xuất theo nhân vật (merchandise).
|
IP Wolfoo gặt hái tiếng vang trước khi nhân vật này được đưa lên màn ảnh rộng (ảnh: H.Nhu) |
Theo chị Vũ Phượng - Giám đốc đầu tư dự án phim Red Ruby Entertainment, từng có nhiều năm kinh nghiệm phát hành các phim của hãng Disney tại Việt Nam - Disney còn có hướng thu lợi nữa là từ hoạt động trải nghiệm như các khu vui chơi chủ đề, các khóa học ngắn hạn như mô hình Disney Imagination Campus.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Chỉ cần có IP tốt, sẽ có nguồn thu ổn định; nhưng giai đoạn đầu, để đầu tư và quảng bá cho IP rất tốn kém. Phim hoạt hình có doanh thu rất tốt ở Việt Nam, vì cơ cấu dân số trẻ đông. Do đó, làm phim hoạt hình là hướng đi đúng. Bước đầu, khi tiếp cận thị trường, sẽ phải cạnh tranh với những sản phẩm quen thuộc, chất lượng đã được chứng minh qua nhiều năm”.
Ông Tạ Mạnh Hoàng nói về cái khó của phim hoạt hình Việt khi bước vào sân chơi điện ảnh là thiếu đặc trưng: “Để phát triển bền vững bộ nhân vật, cần kết hợp hài hòa 2 yếu tố là vừa mang tính thời đại, khái quát vừa phải có đặc trưng văn hóa quốc gia. Các chất liệu Việt Nam rất nhiều, nhưng chúng ta thiếu nhiều sản phẩm. Sản phẩm phải đủ số lượng và phải có sức phổ biến nhất định thì nét họa mới được cảm nhận sâu sắc”.
Gạt qua những rào cản trên, phim hoạt hình dài có lợi thế riêng là vấn đề kinh phí. Ông Tạ Mạnh Hoàng tự tin cho biết, quốc tế làm phim hoạt hình kinh phí thấp nhất là 3 triệu USD, 3 năm mới xong, nhưng Việt Nam đặt hạn mức chỉ trong 1 triệu USD và thời gian làm ngắn nhất chỉ cần 1,5 năm. Ông cũng khẳng định: chỉ lo thiếu kịch bản hay, đạo diễn giỏi chứ không lo về chất lượng kỹ thuật.
Phim hoạt hình Việt Nam lâu nay mới chỉ phát triển mạnh trên nền tảng số chứ chưa có phim thương mại ngoài rạp, vì thiếu người tiên phong. Việc nhập cuộc của những đơn vị tư nhân như SConnect, Alpha Animation đang mở ra bước ngoặt mới cho ngành phim hoạt hình trong nước.
Sự có mặt của phim hoạt hình “made in Vietnam” ngoài rạp không chỉ làm diện mạo phim Việt thêm đa dạng mà còn mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động trong ngành như biên kịch, đạo diễn, diễn viên lồng tiếng…
Hương Nhu