Phim ngắn rầm rộ, phim dài biệt tăm
Những tín hiệu vui đó có thể kể gồm Cục Điện ảnh vừa tìm ra sáu kịch bản hay trong lần đầu tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim hoạt hình 2021. Tháng 12/2021 qua kênh YouTube của Hãng phim hoạt hình Việt Nam tung ra gần 20 phim mới đạt lượt xem tổng cộng hơn 300.000 lượt…
Tham gia lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình hiện nay có đơn vị nhà nước là Hãng phim hoạt hình Việt Nam và tư nhân là các studio và nhóm họa sĩ độc lập. Trong đó ở khu vực tư nhân, phần lớn các studio đi theo hướng chuyên về giải pháp đồ họa hoặc sản xuất TVC cho các chiến dịch quảng cáo (như DeeDee Animation, Colory Animation). Một số studio khác làm phim theo số lượng lớn phát trên YouTube (như Hi Pencil Studio) và số khác chỉ chuyên hợp tác với nước ngoài (như Nam Hải Art từng vẽ bối cảnh cho các Attack on Titan, One Piece, Đứa con của thời tiết, Sparx tham gia sản xuất nhiều phim thuộc các vũ trụ điện ảnh lớn như Marvel, DC, Star Wars).
|
Phim hoạt hình ngắn Việt không thiếu nhưng phim dài thì đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất nào tiên phong mở đường (trong ảnh: phim Nữ tướng Mê Linh) |
Ở cả mô hình Nhà nước hay tư nhân, hoạt động sản xuất phim hoạt hình đều diễn ra khá sôi nổi. Chẳng hạn Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm cho ra đời 15-20 phim, ngoài việc đưa phim lên các nền tảng, mạng xã hội, hãng còn hợp tác với các đối tác phủ sóng trên nhiều kênh để gây dấu ấn như Hi Pencil Studio (loạt phim hoạt hình Xin chào bút chì), Colory Animation (phim ngắn Dưới bóng cây, loạt phim Cùng là dũng sĩ), nhóm Đuốc Mồi (xê ri Việt sử kiêu hùng)…
Ngoài sản lượng phong phú, chất lượng ngày càng được cải thiện, các nhà làm phim hoạt hình trong nước còn làm được điều mà mảng phim truyện điện ảnh ít dám đụng tới là đề tài lịch sử. Các phim hoạt hình sử Việt như xê ri Loa thành rực lửa (nhóm Hạc Thần), xê ri bảy tập về các nữ tướng dưới trướng Hai Bà Trưng, Đại Vương: Xin hãy tiết chế (DeeDee Animation)… tạo nên cơn sốt trên mạng, góp phần đưa hình ảnh các nhân vật lịch sử đến gần hơn với người xem, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng tất cả những gì phim hoạt hình Việt làm được đến hiện nay mới chỉ dừng lại ở dòng phim ngắn, thời lượng 15-20 phút. Phim dài duy nhất có Người con của rồng (90 phút) trình làng năm 2010 nhưng chỉ là chiếu miễn phí phục vụ dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Một bộ phim hoạt hình dài, chiếu thương mại tại rạp như những phim truyện điện ảnh vẫn chưa xuất hiện, là niềm mong mỏi của những người trong cuộc và công chúng.
Chờ người mở đường
Nói đến khó khăn để làm ra một bộ phim hay, nhiều người nghĩ ngay đến các yếu tố: kịch bản, nhân lực, kỹ thuật, tài chính. Thể loại hoạt hình cũng vậy. Đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn - người đang ôm ấp giấc mơ đưa bộ phim dài Hành trình nhân quả ra rạp vào năm 2020 nhưng chưa thành đồng thời sở hữu một dự án khác dự kiến ra rạp vào năm 2025-2026 - chia sẻ: “Để có một phim hoạt hình dài chiếu thương mại thì kịch bản hay thôi chưa đủ mà còn đi kèm các khâu sản xuất, kỹ thuật phải tổ chức tốt. Trình độ nhân lực trong nước có thể không thua nước ngoài nhưng ở góc độ kỹ thuật thì chưa bằng. Nhưng kể cả khi các yếu tố như kịch bản, đội ngũ sản xuất, đạo diễn đều đã rất hấp dẫn thì nhà đầu tư vẫn phải cân nhắc thêm khía cạnh thương mại của dự án mới quyết định đầu tư hay không”.
|
Phim hoạt hình sử việt ngày càng phổ biến và được yêu thích |
Tuy vậy theo một số nhà chuyên môn khác, hoạt hình Việt Nam không sợ thiếu ý tưởng câu chuyện hay, nguồn nhân lực có trình độ cũng phát triển đều đặn do ngày càng có nhiều trung tâm đào tạo kỹ thuật số mở ra, có nơi còn liên kết với nước ngoài để đào tạo. Việc các studio trong nước được đơn vị nước ngoài giao làm gia công cũng chứng tỏ tay nghề của đội ngũ làm phim hoạt hình Việt cao. Cái thiếu lớn nhất khiến giấc mơ có phim hoạt hình dài ra rạp mãi chưa thực hiện được chính là thiếu người tiên phong.
Đạo diễn Lê Huy Anh (làm phim hoạt hình quảng cáo The Tale of Cuội) nói: “Lâu nay khán giả luôn nghĩ xem phim hoạt hình nước ngoài là đủ rồi. Cần phải có ai đó nhìn thấy sự cần thiết của phim truyện hoạt hình, nhận ra hoạt hình Việt Nam cần có một câu chuyện gì đó để kể. Tìm ra người như vậy khó hơn cả việc tìm ra một câu chuyện hấp dẫn”. Kinh doanh phim ảnh rất tốn kém, lĩnh vực làm phim hoạt hình chưa có sản phẩm chiếu thương mại nào ra rạp và thành công để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, vì vậy mà giấc mơ phim hoạt hình Việt cạnh tranh với phim ngoại trên sân nhà gần như là viển vông. Anh Hà Huy Hoàng - người đồng sáng lập DeeDee Animation - cho rằng: “Ngoài ra còn là vấn đề niềm tin của khán giả nữa. Không ai tin phim hoạt hình Việt đủ hấp dẫn. Đây là một vòng lẩn quẩn, không ai làm thì không có gì để chứng minh”.
Hiện nay phim hoạt hình trên thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc về mặt câu chuyện, cách kể, hình ảnh. Phim hoạt hình trong nước tuy đã có nhiều cải thiện về chất lượng, nội dung nhờ sự tham gia hùng hậu của các đơn vị tư nhân, các cá nhân nhưng chỉ mới đáp ứng phần nào nhu cầu người xem, thiếu vắng hẳn những tác phẩm trên màn ảnh lớn. Việc kinh doanh phim hoạt hình chiếu rạp lâu nay chỉ là sân chơi của các hãng phim nước ngoài. Những hy vọng về một tác phẩm hoạt hình “Made in Vietnam” ra rạp kéo dài từ năm này qua năm khác chưa biết bao giờ thành hiện thực vì không có người mở đường. Mọi hy vọng có lẽ đặt vào sự tiên phong của một trong những đơn vị nhà nước.
Hương Nhu