Những bài toán nan giải
Tháng 11/2017, phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên ra mắt. Sản phẩm dài 23 phút, được đầu tư hơn 2 tỷ đồng, đã gây ấn tượng mạnh với khán giả dù công nghệ, chất lượng chưa thật xuất sắc.
Sau 8 tháng chiếu trên YouTube, phim đạt gần 9,5 triệu lượt xem. Đây quả là con số ấn tượng, tuy chỉ là sản phẩm giải trí của một thương hiệu giày.
|
Một cảnh trong phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên |
Cùng thời điểm ra mắt Con Rồng cháu Tiên, hãng phim hoạt hình Vintata phát động cuộc thi Tác giả lừng danh, với tổng giải thưởng lên tới 2 tỷ đồng và cam kết 8 nội dung hay nhất sẽ được hỗ trợ sản xuất, phát hành.
Những dấu hiệu trên phần nào vỗ về được cơn khát phim hoạt hình Việt. Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Hãng phim hoạt hình Việt Nam (thành lập năm 1959), sau khi được cổ phần hóa vào năm 2014, đang đối mặt với những khó khăn tồn tại lâu nay. Tổng giám đốc Trần Thị Thu Hiền cho biết: “Ngoài vấn đề nội dung, con người thì với phim hoạt hình, yếu tố kỹ thuật, kỹ xảo rất quan trọng. Chúng tôi tự ý thức được kỹ thuật không hiện đại bằng các nước nhưng trong tầm khả năng, chúng tôi đã làm hết sức”.
Bên cạnh kỹ thuật, điểm hụt trong nội dung cũng khiến người làm nghề trăn trở. Theo bà Hiền, mỗi năm, Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất khoảng hơn 10 đầu phim, nhưng hai phòng biên tập và hơn 1.000 cộng tác viên phải “vật lộn” sáng tác kịch bản.
Về phía những đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim hoạt hình, bài toán mang tên tài chính, con người. Xin chào bút chì từng nhận Kỷ lục loạt phim hoạt hình Việt Nam dài nhất được làm theo công nghệ Stop Motion. Dù vậy, hiện hoạt động của hãng đang cầm chừng với vài phim nhỏ lẻ đăng trên mạng xã hội, không tạo được ấn tượng như ngày đầu.
Dưới gốc cây: Hành trình trở về của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng được kỳ vọng là phim hoạt hình Việt đầu tiên được chiếu rạp vào cuối năm 2016. Nhưng đến nay, phim vẫn im hơi lặng tiếng.
Điều dễ thấy trong nhiều năm qua: phim hoạt hình nước ngoài chiếm sóng truyền hình Việt lẫn ở rạp. Trên kênh truyền hình thiếu nhi HTV3 hiện là: Doraemon - Chú mèo máy đến từ tương lai, Bubu Chacha, Những người bạn ngoài hành tinh, Rắc rối đáng yêu, Thám tử lừng danh Conan, Gia đình kẹo dẻo Jolly Polly… Hiếm hoi, cổ tích Việt Nam - Vợ chồng dê - mới được phát sóng.
Ở rạp, chưa phim hoạt hình Việt nào đạt tiêu chuẩn thời gian chứ chưa nói đến chất lượng. Hè năm nay, hơn 10 phim hoạt hình ngoại khuynh đảo rạp chiếu.
Thái độ văn hóa “giam lỏng” hoạt hình Việt
Nhắc về yếu tố con người, hiện hoạt hình Việt Nam không thiếu người trẻ tài năng. Nhóm Colory Animation - đơn vị sản xuất phim hoạt hình Dưới bóng cây - khởi đầu là 7 bạn trẻ. Nhóm thực hiện Xin chào bút chì cũng từ hai cô gái Huỳnh Thanh Thanh và Phạm Phương Anh. Nguyễn Phi Phi Anh (sinh năm 1991) - Giám đốc Vintata - từng du học tại Trường đại học Hampshire (Mỹ) chuyên ngành đạo diễn - biên kịch.
Người trẻ táo bạo và sáng tạo là một trong những yếu tố giúp hoạt hình Việt khởi sắc. Khi đưa ra định hướng cho cuộc thi Tác giả lừng danh, Phi Anh mạnh dạn yêu cầu nội dung phải mang yếu tố quốc tế: “Trong đó, chất quốc tế theo định nghĩa của chúng tôi là khán giả ở nước nào cũng có thể cảm nhận được, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn một tác phẩm gần gũi để khi xem, ai cũng có thể nhận ra đây là người Việt, có một tinh thần Việt Nam trong đó. Tây là ở phương pháp, cách đặt vấn đề sao cho hấp dẫn; còn Việt là ở tâm hồn, ở sự sâu sắc của ý tứ”.
Ta không thiếu những người trẻ đam mê, nhưng theo NSND Hà Bắc, nếu quan niệm và thái độ văn hóa về phim hoạt hình không đúng, họ dễ bị mất lửa. Ông cho rằng, người Việt vẫn quen thưởng thức nghệ thuật miễn phí nên không ý thức chuyện phải chi tiền để nâng tầm sản phẩm giải trí. Những cơ quan, đơn vị liên quan đến mảng phim hoạt hình cũng thiếu nhạy bén trong việc quản lý văn hóa, thiếu những lộ trình dài, khởi phát từ đào tạo con người.
Hoạt hình Việt không nhiều đất sống trên truyền hình cũng là điều dễ hiểu. Bà Trần Thị Thu Hiền kể, khi làm việc với công ty phụ trách mảng nội dung của VTV7, đơn vị này cho biết, trong vòng 3 năm nữa, sẽ được phía Hàn Quốc, Nhật Bản tặng rất nhiều phim hoặc sẽ chỉ phải mua với giá rẻ. Đó là những phim đã khai thác hết ở nước sản xuất nên tặng cho ta để quảng bá văn hóa. “Nhà đài không bị ràng buộc gì với ai, lại được tặng phim chất lượng thì đương nhiên, họ phải chọn cái có lợi hơn” - bà Hiền chua chát.
Mất hút trên rạp, xuất hiện ít ỏi trên truyền hình, hoạt hình Việt Nam đang thua trắng ngay trên sân nhà.
Diễm Mi
Đầu ra của Hãng phim hoạt hình Việt Nam hiện là các đài địa phương, một số đài truyền hình kỹ thuật số, mạng xã hội. Sản phẩm của Hi Pencil TV, Colory Animation… cũng tìm bến đỗ trên YouTube hoặc các trang mạng xã hội. Riêng Vintata sẽ chuyên phục vụ tại các khu vui chơi thuộc hệ thống tập đoàn và nếu thuận lợi sẽ phủ sóng truyền hình, rạp.
|
“Hoạt hình luôn là mảnh đất màu mỡ, nhưng chỉ bổ béo với nước ngoài, còn thị trường Việt Nam bao năm vẫn èo uột. Không phải chúng ta không có người tài, không có kịch bản hay, kỹ thuật cũng không quá tệ, nhưng thái độ văn hóa đang kìm sự phát triển. Ai sẽ làm phim khi đầu ra quá hạn chế? Chúng ta chảy máu chất xám, mất người tài cũng vì những cơ chế cũ”.
NSND Hà Bắc
|